Cô giáo trẻ thích gom vải vụn may đồ tái chế

17/10/2020 19:10 GMT+7

Từ những mảnh vải vụn tưởng chừng là đồ bỏ đi, thế nhưng cô giáo trẻ Nguyễn Thanh Ngọc Thảo (TP.HCM) có thể 'hô biến' thành những chiếc cột tóc và túi đựng ly vô cùng xinh xắn, đáng yêu.

Tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật môi trường, bén duyên với nghề dạy học, nhưng tình yêu môi trường với cô giáo trẻ Nguyễn Thanh Ngọc Thảo vẫn cứ đau đáu. Chính vì thế, ngoài thời gian lên lớp và soạn giáo án, Ngọc Thảo ngồi tỉ mẩn với từng đường kim mũi chỉ để tạo ra  những sản phẩm tái chế xinh xắn và độc đáo.

Hạn chế rác thải ra môi trường

Nhắc về cơ duyên đến với dự án tận dụng vải vụn may đồ tái chế này, cô giáo trẻ cho biết khi còn là sinh viên học chuyên ngành môi trường, ban đầu cũng nghĩ học xong sẽ làm theo ngành xử lý nước thải. Tuy nhiên sau lần học môn tái chế và tái sử dụng, Thảo đặc biệt ấn tượng và quan tâm đến việc vải cũng tạo ra rác và gây ảnh hưởng đến môi trường.

Sản phẩm dây cột tóc từ vải vụn tái chế xinh xắn và đáng yêu dưới bàn tay của cô giáo trẻ

HOA NỮ

“Từ lúc còn là sinh viên, mình thường đi bán quần áo cũ, những lần bán ế phải soạn lại thì mình thấy có nhiều chiếc áo vẫn còn có thể sử dụng. Từ đó mình nghĩ ra ý tưởng sẽ tái chế quần áo cũ. Đặc biệt, khi về nhà dì chơi (nhà dì có tiệm may), mình lại thấy nhiều vải vụn nếu bỏ ra môi trường sẽ gây hại”, Thảo kể.

Sản phẩm túi đựng bình nước của Thảo

HOA NỮ

Thế là Thảo xin tất cả những vải vụn của nhà dì về để tận dụng may cột tóc và túi ly vải. Lúc đầu Thảo chỉ thử nghiệm xem sao nhưng kết quả bất ngờ là Thảo đã tạo ra một chiếc cột tóc xinh xinh, một túi ly vải đáng yêu và tiện dụng. Thế là dần dần thành thói quen, Thảo cho ra đời nhiều sản phẩm hơn.

“Hiện nay ngoài nguồn vải vụn từ nhà dì, thì nguồn hàng của mình từ các nhà may, cửa hàng quần áo có đồ cũ, mình sẽ xin hoặc thu mua về may lại thành các cột tóc nhỏ và sản phẩm túi đựng ly nước bằng vải. Như thế vừa hạn chế được lượng rác thải ra môi trường, vừa tạo thói quen cho mọi người không phải dùng túi ni lông”, Thảo chia sẻ.

Dù đi dạy nhưng tình yêu dành cho môi trường của Thảo vẫn luôn cháy bỏng để thôi thúc Thảo luôn hướng đến những hoạt động về môi trường

HOA NỮ

Cũng theo Thảo vấn đề môi trường hiện nay làm những người trẻ như Thảo trăn trở đó chính là quan niệm tiện lợi khi sử dụng nhựa một lần. Và giá thành của hầu hết các sản phẩm thiên nhiên hiện có khá cao, chỉ phù hợp dành cho người có nguồn thu nhâp ổn định, nên Thảo muốn tạo ra sản phẩm từ nguồn tái chế, giúp giảm giá thành đầu ra phù hợp với nhiều đối tượng.

Tỉ mỉ cho từng công đoạn

Mặc dù là tận dụng nguồn vải thải ra để tái chế, tuy nhiên để có được những chiếc cột tóc xinh xắn thì buộc người may phải biết cách chọn và phân loại theo đúng chất liệu vải.

“Vải sau khi thu gom về nếu là những mảnh vải mỏng mình sẽ may thành cột tóc hoặc băng đô, còn loại vải dày hơn thì sẽ được tận dụng để may túi đựng bình nước, những loại vải tốt hơn sẽ may được túi tote. Nói chung là tất cả loại vải thu gom về mình đều tận dụng hết, miễn sao mảnh vải ấy đừng có vết dơ như dính màu hay bị phai là đều có thể tận dụng để may các loại đồ tái chế”, Thảo bày tỏ.

Thảo cho biết quy trình tái chế dây buộc tóc, ban đầu Thảo sẽ tạo rập và cắt theo rập lên vải, tiếp theo sẽ may rồi luồn thun vào và may lại. Nghe có vẻ rất đơn giản nhưng để làm được một chiếc cột tóc, cô giáo trẻ phải ngồi tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ. Vì khi thành phẩm mà bị lỗi hoặc không đạt như mong muốn thì phải tháo ra làm lại từ đầu.

Quy trình tái chế túi đựng bình nước thì phức tạp và có những công đoạn cần sự tỉ mỉ hơn việc may dây cột tóc: “Những nguyên liệu em tận dụng lại có thể là vải có chất liệu dày hoặc đôi khi cũng là vải áo mưa cũ. Sau đó lấy về xử lý để may quai hoặc đáy đựng bình nước. Tỉ mỉ hơn là ở công đoạn cuối vì phải kiểm tra độ chắc chắn của sản phẩm khi bỏ bình nước vào”, Thảo chia sẻ.

Để dự án được nhiều bạn trẻ biết đến và ủng hộ như ngày hôm nay, Thảo đã trải qua rất nhiều khó khăn bước đầu. Thảo kể khi bắt tay vào làm thì khó khăn đầu tiên đó chính là đầu ra. Những câu trả lời ban đầu mình nhận được là không hoặc không phù hợp với nơi họ kinh doanh...

“Đã có lúc tưởng chừng sẽ quay về với cuộc sống, sáng soạn giáo án chiều đi dạy, thế nhưng một lần tình cờ mình có một người bạn mở ra phiên chợ sống xanh và bạn đó đã mời mình tham gia. Như một ngọn lửa thắp lên và tia hy vọng được nung nấu, mình tham gia để giới thiệu sản phẩm và không ngờ mọi người lại đón nhận nhiệt tình. Tiếp theo đó là một người chị trong giới sống xanh mời mình về cộng tác sản phẩm tại cửa hàng của chị. Từ đây mình bắt đầu có những sự hy vọng và mong ước phát triển sản phẩm của mình nhiều hơn”, Thảo hạnh phúc nhớ lại.

Hiện tại, cô giáo trẻ rất vui khi sản phẩm được nhiều bạn trẻ yêu mến và ủng hộ. Không những thế Thảo còn giúp đỡ và hợp tác gây quỹ sản phẩm của mình với các bạn sinh viên và lấy nguồn quỹ đó để làm những dự án bảo vệ môi trường khác.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.