Cơ hội cả đời người để quan sát ‘sao chổi ác quỷ’

02/06/2024 10:59 GMT+7

Một sao chổi, biệt danh 'ác quỷ' do bề ngoài bất thường và thường xuyên xảy ra những đợt bùng nổ trên hành trình xuyên không gian, đang lao đến trái đất và dự kiến sẽ đến điểm gần địa cầu nhất vào 14 giờ 2.6 (giờ Việt Nam).

Cơ hội cả đời người để quan sát ‘sao chổi ác quỷ’- Ảnh 1.

Sao chổi 12P/Pons-Brooks, biệt danh ‘sao chổi ác quỷ’

NASA

Các nhà thiên văn học và những người ngắm sao trên toàn cầu đang hồi hộp chờ sự quay lại của sao chổi 12P/Pons-Brooks, biệt danh "Sao chổi ác quỷ", vào hôm nay (2.6), theo Đài CNN.

Vài giờ nữa, sao chổi khét tiếng sẽ đến gần trái đất nhất, cách hành tinh chúng ta khoảng 230 triệu km. Đây là lần tiếp cận gần nhất của "sao chổi ác quỷ" tính từ năm 1954.

12P/Pons-Brooks mất khoảng 71 năm để hoàn thành quỹ đạo quanh mặt trời, đồng nghĩa xác suất con người trên trái đất có thể quan sát được thiên thể này là một lần trong cả đời người, nếu họ may mắn.

Nếu bỏ lỡ cơ hội lần này, lần xuất hiện kế tiếp của "sao chổi ác quỷ" là vào thập niên 2090.

Ban đầu, phải mất hai thế hệ các nhà thiên văn học mới quan sát thành công "sao chổi ác quỷ", lần đầu nhờ công nhà thiên văn học người Pháp Jean-Louis Pons vào thập niên 1810 và lần hai là nhà thiên văn học người Anh William Robert Brooks vào thập niên 1880.

"Sao chổi ác quỷ" cũng có kích thước lớn hơn so với đa số các sao chổi khác. Ước tính đường kính của nó vào khoảng 29 – 30,5 km, tức lớn gấp từ 10 đến 15 lần so với một sao chổi trung bình.

Các nhà thiên văn học đang theo sát hành trình lao đến trái đất của sao chổi với hy vọng có thể khám phá thêm nhiều thông tin như tốc độ xoay của nó. Tần suất xoay của 12P/Pons-Brooks trong lúc lao xuyên không gian là 57 giờ, có nghĩa là dài hơn bình thường. Và giới nghiên cứu muốn tìm hiểu nguyên nhân tại sao có sự khác biệt đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.