Các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Mỹ và Đức mới đây có các cuộc gặp riêng và đưa ra những thông điệp khác nhau. Những cuộc gặp này đánh dấu sự khởi đầu của một tuần ngoại giao về cuộc căng thẳng giữa Nga với phương Tây liên quan vấn đề Ukraine vốn đang leo thang.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Pháp Macron hội đàm tại Moscow |
AFP |
“Vài ngày tới mang tính quyết định”
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Moscow sau khi hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong 5 giờ đồng hồ ngày 7.2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định “vài ngày sắp tới sẽ mang tính quyết định” cho cuộc khủng hoảng liên quan Ukraine và “cần có những cuộc thảo luận sâu mà chúng tôi sẽ cùng theo đuổi”. Ông Putin thì cho rằng một số ý tưởng của ông Macron có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng, theo Reuters.
“Một số ý tưởng, đề xuất của ông ấy… có thể làm cơ sở cho những bước chung tiếp theo. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để tìm ra sự thỏa hiệp phù hợp cho tất cả các bên”, ông Putin nhấn mạnh mà không cung cấp chi tiết nội dung, nhưng cho hay sẽ điện đàm với Tổng thống Macron sau khi nhà lãnh đạo Pháp hội đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 8.2.
Tổng thống Macron nói lãnh đạo Nga, Ukraine cam kết thực hiện thoả thuận Minsk |
Tổng thống Macron cho hay ông đã đưa ra những đề nghị cụ thể nhằm giải quyết mối quan ngại của Nga lẫn phương Tây. Những đề xuất đó bao gồm Nga và phương Tây không thực hiện những hành động quân sự mới, khởi động cuộc đối thoại chiến lược mới và nỗ lực khôi phục quá trình đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, theo AFP.
Mỹ sẽ “chặn” Nord Stream 2 nếu Nga tấn công Ukraine
Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tuyên bố đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) sẽ bị chặn nếu Nga đưa xe tăng hay binh sĩ vượt qua biên giới với Ukraine. Phát biểu này được ông Biden đưa ra trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau khi hai nhà lãnh đạo hội đàm tại Nhà Trắng.
Theo AFP, đây là tuyên bố thẳng thừng nhất của tổng thống Mỹ về số phận của Nord Stream 2, đường ống khổng lồ dẫn khí từ Nga đến Đức đã thi công xong nhưng chưa đi vào vận hành. Tuy vậy, Thủ tướng Scholz né tránh việc nhắc đến đường ống hay xác nhận phát biểu của ông Biden và chỉ cho biết Đức và Mỹ nhất trí về các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Đông A
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Putin tái phủ nhận Nga là bên gây căng thẳng, giữa lúc phương Tây nghi ngờ Moscow đang chuẩn bị tấn công Ukraine. Ông Putin còn cảnh báo: “Nếu Ukraine gia nhập NATO và cố lấy lại Crimea bằng quân sự, các nước châu Âu sẽ tự động bị kéo vào cuộc xung đột quân sự với Nga. Sẽ không có bên nào chiến thắng”.
“Mối đe dọa nghiêm trọng nhất”
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng ngày 7.2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố hai nước sẽ đảm bảo các lệnh cấm vận nhanh chóng được áp đặt nếu Nga tấn công Ukraine và “sẽ gây tổn thất rất cao cho Nga”, theo Reuters. Ông Scholz còn khẳng định hai nước “đoàn kết” và “sẽ rất cứng rắn với Nga”. Cùng ngày, Đức thông báo sẽ điều 350 binh sĩ đến Lithuania, không lâu sau khi ông Biden ra lệnh triển khai gần 3.000 binh sĩ đến Ba Lan và Romania nhằm bảo vệ tốt hơn cánh phía đông của NATO.
Quân đội Ukraine huấn luyện chống tăng gần Crimea |
Cũng tại cuộc họp báo với Thủ tướng Scholz, Tổng thống Biden khuyến cáo các công dân Mỹ ở Ukraine rời khỏi đất nước này, viện dẫn nguy cơ bạo lực trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, theo báo The Hill. “Tôi nghĩ rời khỏi quốc gia đó là khôn ngoan”, Tổng thống Biden nhấn mạnh, nhưng nói rõ ông không đề cập các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Ukraine.
Trước tình hình căng thẳng như hiện nay, ông Josep Borrell, cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu, cảnh báo châu Âu đang đối mặt mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh, theo AFP. Ông Borrell đưa ra cảnh báo này trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Washington D.C ngày 7.2. Dù vậy, hai ông nhấn mạnh các bên vẫn nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho căng thẳng liên quan Ukraine.
Bình luận (0)