Cơ hội lớn từ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc

29/10/2022 12:16 GMT+7

Là thị trường nhập khẩu lớn nhất, việc Trung Quốc mở cửa với trái sầu riêng Việt Nam đang mở ra cơ hội lớn cho bà con trồng giống trái cây có giá trị cao này.

Ngày 17/9/2022 sẽ là ngày đáng nhớ cho bà con trồng sầu riêng trên khắp cả nước. Vì đây đánh dấu sự kiện hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Từ sự kiện này sẽ mở ra cơ hội cho người trồng sầu riêng của Việt Nam trong việc gia tăng xuất khẩu mặt hàng có giá trị này sang thị trường tỷ dân.

ĐBSCL chín sớm nhưng lại "chậm chân"

Theo danh sách các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố thì trong 51 mã số vùng trồng được phê duyệt, khu vực ĐBSCL chỉ có Tiền Giang 3 mã số, Bến Tre 2 mã số, Long An 2 mã số. Còn về cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu, Tiền Giang có 10 mã số, Bến Tre 3 mã số và Đồng Tháp 1 mã số. Có thể thấy, sự "chậm chạp" của khu vực ĐBSCL trong việc cạnh tranh với các vùng khác trong "cuộc đua" đầy tiềm năng này. Vậy ưu thế và cơ hội nào cho vùng đất được mệnh danh "chín rồng" trong việc xuất khẩu sầu riêng đến thị trường đông dân nhất thế giới?

ĐBSCL không phải là vùng duy nhất trồng sầu riêng trên cả nước, nhưng lại là vùng thu hoạch sầu riêng chính vụ sớm nhất, rơi vào khoảng tháng 4 đến tháng 5, với các loại sầu riêng đặc trưng như: Ri6, Monthong, 9 hóa. Sớm hơn cả vùng trồng Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) khoảng tháng 7 đến hết tháng 8 và khu vực Tây Nguyên khoảng tháng 8 đến giữa tháng 9.

Chưa kể trong quá trình chăm sóc, bà con ở miền Tây lại có kinh nghiệm trong việc xử lý sầu riêng ra trái quanh năm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Như ở Tiền Giang - địa phương trồng sầu riêng lớn nhất ĐBSCL, với diện tích khoảng 15 ngàn hecta thì điều chỉnh thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3; hay như thành phố Cần Thơ từ tháng 3 đến tháng 5. Như vậy với việc sầu riêng "lệch pha" so với các vùng trồng chuyên canh khác thì sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long dễ đi tắt đón đầu.

ĐBSCL có diện tích trồng sầu riêng chỉ đứng sau khu vực Tây Nguyên, với diện tích tăng nhanh, năm 2017 là 15.000 hecta, đến năm 2021 là 28.000 hecta và sản lượng hàng năm khoảng 310.000 tấn. Nếu so với diện tích trồng sầu riêng trên cả nước (2020) là 71.381 hecta, sản lượng 588.025 tấn, thì có thể thấy con số ấn tượng mà ĐBSCL có được. Do đó, xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng VietGAP và GlobalGAP là việc làm tất yếu.

Xe sầu riêng đầu tiên của VN di chuyển sang Cửa khẩu Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) để làm thủ tục nhập khẩu vào Trung Quốc

phan hậu

Để nhắm đến việc xây dựng theo hướng chất lượng, người trồng và các cán bộ kỹ thuật cần phải nắm vững các yêu cầu về quy trình cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; lưu trữ hồ sơ; cách sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng như chương trình giám sát dư lượng và kiểm tra kiểm dịch thực vật theo đúng trình tự quy định.

Bên cạnh đó, các nhà vườn cần đầu tư hệ thống tưới nước, phun thuốc tự động để vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo vệ môi trường. Đồng thời, vườn trồng chuyên canh sầu riêng phải bảo đảm đúng kỹ thuật: hàng cách hàng, cây cách cây, vừa bảo đảm năng suất, vừa phòng chống sâu bệnh hại. Và không nên trồng xen canh với các loại cây khác, dễ truyền bệnh qua cây sầu riêng. Và tại cơ sở đóng gói cũng có yêu cầu riêng, hướng dẫn giám định sinh vật gây hại, hướng dẫn sử dụng nhật ký điện tử My Dairy Farm.

Canh tác hữu cơ - hướng đi tất yếu và bền vững

Đây là một xu hướng phổ biến và nông dân Việt phải tự mình thay đổi tư duy sản xuất, để các loại nông sản Việt có thể đi vào nhiều thị trường khắc khe hơn rất nhiều, chứ không chỉ riêng Trung Quốc.

Đơn cử, trên cùng một diện tích, nếu so sánh với phương pháp canh tác vô cơ thì sản lượng của cây sầu riêng hữu cơ sẽ cho trái thấp hơn rất nhiều. Trong khi chi phí đầu tư trong 3 năm đầu rất tốn kém, năng suất thấp, khả năng khó thu hồi vốn là một trở ngại rất lớn cho các nhà vườn.

Vì muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao để nhanh chóng có được lợi nhuận, hầu hết nhà vườn đã đầu tư chăm sóc sầu riêng bằng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Với phương pháp này, khoảng 7 năm sau khi cho trái thì cây sầu riêng sẽ nhanh chóng suy kiệt và rất dễ bị nhiễm bệnh. Trong khi đất trồng sẽ mất dần độ phì nhiêu và khó cải tạo, từ đó sẽ giảm năng suất và sản lượng thu hoạch.

Canh tác bằng phương pháp hữu cơ, người nông dân sẽ chú trọng đầu tư cho đất và sử dụng các chế phẩm sinh học để chăm sóc cho cây. Chính vì thế, so với dùng phân hóa học, sầu riêng hữu cơ sẽ phát triển chậm hơn, tuy nhiên cây sẽ phát triển ổn định và cho thu hoạch bền vững về sau.

Mặt khác, trước tình hình giá vật tư đầu vào chăm sóc cho cây sầu riêng gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng quá cao như hiện nay thì việc áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ sẽ giảm bớt nỗi lo cho nông dân về chi phí đầu tư. Hơn nữa, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang có lợi thế lớn về thị trường tiêu dùng và trở thành xu hướng tất yếu hiện nay. Bởi hướng đến khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, không can thiệp bằng biện pháp hóa học trong quá trình canh tác.

Vườn sầu riêng sai lúc lửu của bầu Đức cũng trồng theo các tiêu chuẩn để xuất khẩu

K.l

Đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long, khi nhiều mã số vùng trồng chưa được cấp phép sang Trung Quốc là do tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật; có nơi trồng xen canh cây khác khiến cho khó có thể kiểm soát sinh vật gây hại từ các loại cây trồng khác nhất là ruồi đục quả; quy trình chăm sóc chưa phù hợp...

Sầu riêng cấp đông - hướng đi mới đầy tiềm năng

Sầu riêng tách vỏ cấp đông có thể được bảo quản trong vòng 1 năm, giảm được áp lực tiêu thụ trái tươi khi vào chính vụ, giải quyết được tình trạng thu hoạch rộ hay bị thương lái ép giá. Với việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mọi thời điểm trong năm, sầu riêng cấp đông mang lại giá trị kinh tế có khi cao gấp 2-3 lần so với sầu riêng tươi.

Cách đây 2 năm, việc tiêu thụ và xuất khẩu sầu riêng gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn ra phức tạp. Tại "thủ phủ" sầu riêng miền Tây là Tiền Giang, hàng chục nghìn tấn sầu riêng đang bán giá 55.000 – 60.000 đồng/kg xuống còn 28.000 – 35.000 đồng/kg. Các địa phương rất đau đầu trong việc tìm hướng mới tiêu thụ để tránh ùn ứ loại hàng nông sản có giá trị này trong thời điểm đó.

Theo các doanh nghiệp thì sức hút và dư địa để cho sầu riêng cấp đông phát triển vẫn còn rất nhiều. Thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc với nhu cầu tiêu thụ rất cao, kế đến là Hồng Kông, Đài Loan... và các thị trường "khó tính" khác như Canada, Mỹ, Nhật Bản...

Theo thống kê cho thấy, các sản phẩm sầu riêng tách múi cấp đông đã chiếm 70% thị phần. Trong đó Thái Lan và Malaysia là những thị trường xuất khẩu sầu riêng cấp đông lớn nhất thế giới. Nên chăng, các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói và vùng trồng chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết và xem đây là hướng đi đầy tiềm năng.

Có thể thấy, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc tiên phong và bứt phá để đưa sầu riêng chất lượng đến với thị trường tỉ dân là rất lớn. Thiết nghĩ, các tỉnh trong khu vực này cần cùng nhau ngồi lại, họp bàn để lựa chọn cách làm tốt nhất để trái sầu riêng phải là loại quả chủ lực, mang về giá trị tỉ đô cho vùng đất "chín rồng" này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.