Cơ hội từ chuyển đổi số

13/10/2022 08:01 GMT+7

Trái ngược với nỗi lo mất việc trước viễn cảnh máy móc thay thế con người trong cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ những năm gần đây, rất nhiều người đạt được thu nhập tiền tỉ từ cơ hội việc làm mới.

Chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp (DN), người dân tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí trong hoạt động hay tiếp cận các dịch vụ công.

Bán hàng qua mạng, YouTuber… nở rộ

Đang bán vật liệu, thiết bị y tế nhưng trong năm 2021, chị Khánh Ngô (Q.Tân Bình, TP.HCM) quyết định nghỉ vì thu nhập không tăng trong khi việc nhiều gấp đôi. Với kinh nghiệm nấu ăn của mình, chị Khánh Ngô ở nhà làm các món chả Huế, bún bò, cơm hến và bán qua Facebook cá nhân. Chị Khánh Ngô cho biết do mới bán nên đơn hàng ít. Bản thân chị vẫn có thể tự trả lời khách hàng và chuẩn bị hàng hóa đi giao. Kế hoạch của chị là trong thời gian tới sẽ tập trung đầu tư bài bản hơn để tìm thêm khách hàng. Chị cũng đã tìm hiểu và khi lượng khách tăng thì sẽ có các công cụ hỗ trợ như trả lời tự động, quản lý đơn hàng... “Mình tìm hiểu rồi, không có gì quá khó khăn vì các ứng dụng trên mạng nhiều lắm, thậm chí họ còn cho sử dụng miễn phí một thời gian để mình làm quen. Chỉ cần làm sao để khách hàng biết đến nhiều hơn, có đơn hàng nhiều là được”, chị Khánh Ngô chia sẻ thêm.

Ước tính, năm 2022 số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở VN lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Giá trị mua sắm trực tuyến của cá nhân cũng tiếp tục tăng mạnh, dự báo sẽ đạt 260 - 285 USD/người trong năm nay. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước sẽ đạt từ 7,2% - 7,8%, vượt mốc 7% của năm 2021.

Nguồn: Sách trắng thương mại điện tử VN - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Tương tự, nhà chị N.H (Q.4) đã hơn một năm nay đặt bánh mì nguyên cám hạt chia, bánh phô mai que, bánh hạnh nhân hiệu Lê Hương của chị Hương (Bình Thạnh) cho gia đình ăn sáng. Chị Hương vốn làm văn phòng cho một công ty trong KCX Tân Thuận (Q.7) nhưng đam mê làm bánh. Cứ cuối tuần rảnh, chị làm đủ các loại bánh nhưng theo xu hướng healthy từ bột nguyên cám, ban đầu là để nhà dùng, sau đồng nghiệp thấy ngon mua. Network của chị Hương ngày càng mở rộng sau đợt TP.HCM đóng cửa phòng chống dịch và lượng đơn hàng tăng vọt. Đúng lúc công ty giảm biên chế do khó khăn, chị Hương có động lực để chuyển hẳn sang làm bánh “vừa có thời gian chăm sóc con cái, vừa thỏa đam mê và thu nhập cao gấp đôi so với mức lương gần 10 triệu trước đó”.

Không chỉ bán hàng qua mạng gia tăng trong thời gian qua mà nhiều cá nhân cũng tìm kiếm cơ hội kiếm tiền qua YouTube. Đó là câu chuyện của gia đình chị Hồ Ngọc (Q.12, TP.HCM). Gần 20 năm ở TP.HCM, vợ chồng chị Ngọc hợp tác sản xuất phim ngắn với một đài truyền hình. Ngoài công việc chính, vợ chồng chị còn làm các video phát trên 2 kênh YouTube của mình nhưng vẫn xem đây là việc phụ. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, công việc khó khăn, thu nhập giảm nên 2 vợ chồng quyết định tạm thời về Cần Thơ sinh sống. Về quê, chị phát hiện nhiều đề tài để quay clip kiếm thêm cả chục triệu đồng mỗi tháng. Do vậy chị Ngọc quyết định ở quê mà không lên TP.HCM nữa. Theo chị, việc kiếm tiền qua phát các kênh YouTube không còn xa lạ với người miền Tây. Có những nhóm đầu tư vào các video thực hiện công việc thường nhật như bắt cá hay món ăn đặc sản, cuộc sống của người miền Tây… thu hút khá nhiều lượt xem. Từ đó nhiều cá nhân cũng tạo ra thu nhập “khủng” và càng khiến nhiều người muốn tìm kiếm cơ hội trên mạng.

Nhật Thịnh

Trên thực tế, không ai biết được thu nhập của những YouTuber hay các cá nhân kinh doanh trên mạng nếu cơ quan thuế không công bố sau khi đã truy thu thuế. Ví dụ, tháng 10.2020, ông Trần Đức P. (20 tuổi, cư trú tại TP.HCM) có thu nhập hơn 41 tỉ đồng từ 2016-2017 khi sáng tạo các trò chơi trực tuyến, đăng tải lên các ứng dụng của Google, sau đó được ký kết hợp đồng trả tiền thông qua quảng cáo của Google. Hay trong năm 2020, Cục thuế Hà Nội công bố một cô gái 28 tuổi cùng nam thanh niên 30 tuổi nhận thu nhập khủng 330 tỉ và 269 tỉ đồng trong năm 2020 nhờ viết phần mềm đăng tải trên Google Play, App Store và các ứng dụng khác khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Hai người trên được xác nhận đóng thuế thu nhập cá nhân nhiều nhất năm 2020 trên địa bàn Hà Nội, với số tiền nộp thuế là 23,4 tỉ đồng và 18,1 tỉ đồng. Con số thu nhập đáng mơ ước trên càng khiến cho nhiều cá nhân mong muốn. Trong bối cảnh công nghệ và mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay có thể mang lại cơ hội mới cho nhiều người, không loại trừ một ai.

Ngồi ở VN bán hàng toàn cầu

Xu hướng công nghệ 4.0 đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) phát triển tới tận các tiểu thương... vỉa hè. Chị Nga, chủ một quán bún bò truyền thống tại P.Tân Quy (Q.7, TP.HCM), chia sẻ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2021 với nhiều tháng phải nghỉ vì giãn cách, chị tham gia mạng xã hội của nhóm cư dân cùng quận và bán hàng qua mạng. Đến khi quán mở cửa hoạt động trở lại bình thường, chị cũng có thêm nhiều khách hàng mới từ những ngày chỉ bán mang về trước đó. Trong bối cảnh xu hướng bán hàng online, số lượng cá nhân, hộ gia đình hay DN tham gia đẩy mạnh quảng bá và bán hàng trên các kênh TMĐT ngày càng nhiều, kéo theo số người bán hàng trên kênh này tăng trưởng mạnh.

Xa hơn, nhiều DN đã mở rộng thị trường quốc tế nhanh chóng khi tham gia các sàn TMĐT. Theo ông Trần Văn Tươi, Giám đốc điều hành Rong nho Trường Thọ, do sản phẩm còn mới mẻ trên thị trường nên công ty gặp rất nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường quốc tế. Đặc biệt, sự khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm với các tiêu chuẩn như GMP, FDA... cùng quy trình về đóng gói sản phẩm phù hợp với văn hóa của các thị trường xuất khẩu mục tiêu khiến công ty khá vất vả. Sau đó, với sự hỗ trợ của đội ngũ trang Amazon và dịch vụ hỗ trợ lưu kho, chuyển hàng, hoàn tất đơn hàng đã giúp DN trong khâu vận chuyển và đóng gói, đồng thời đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, nhất là với sản phẩm cần sự chú ý như rong nho. Việc đẩy mạnh xuất khẩu đã đưa thương hiệu này vào được thị trường Mỹ và đang trên đà mở rộng sang châu Âu. Hay câu chuyện bánh tráng, bún phở, các sản phẩm thủ công… của nhiều công ty trong nước thông qua sàn Amazon cũng đến được với khách hàng quốc tế tại Mỹ và nhiều châu lục khác. Đây chỉ là những ví dụ trong hàng triệu sản phẩm của VN đang được bán ra thị trường thế giới thông qua sàn TMĐT Amazon.

Chuyển đổi số thì đầu tiên vẫn là quay về việc ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào. Chính việc ứng dụng mới mang lại giá trị cho kinh tế, xã hội. Năng lực ứng dụng là điểm còn yếu trong thực hiện chuyển đổi số ở VN, ngay cả DN và cơ quan nhà nước. Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin thì con người là yếu tố quyết định. Khi con người thiếu cái tâm, cái tầm mà biểu hiện là lo sợ mất đi lợi ích cá nhân sẽ làm cản trở quá trình chuyển đổi số.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hội Internet VN

Theo báo cáo của Amazon vào cuối năm 2021, trong vòng 12 tháng (từ tháng 9.2020 - 8.2021), đã có gần 7,2 triệu sản phẩm của các DN vừa và nhỏ tại VN được bán khắp thế giới.

Ước tính trung bình cứ mỗi phút sẽ có 14 sản phẩm VN được bán ra trên sàn này. Báo cáo cũng cho hay số DN vừa và nhỏ vượt mốc doanh số 1 triệu USD trên Amazon tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước; số DN vượt mốc doanh số 500.000 USD tăng hơn 53% và số DN có doanh số hơn 100.000 USD trên Amazon tăng gần 18%. Không ít thương hiệu Việt đã chuyển từ kinh doanh truyền thống nội địa sang xuất khẩu qua TMĐT, tiến ra thị trường quốc tế và đạt thành tựu tích cực trong năm qua. Đơn cử có gốm sứ Minh Long, nón bảo hiểm Royal, hạt điều Lafooco, rong nho Trường Thọ...

Chuyển đổi số giúp người dân, DN có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn

ctv

Thay đổi thói quen, dịch vụ của người dân

Ông Ngô Sang (Q.7, TP.HCM) nhận xét các thói quen trong cuộc sống hằng ngày đã thay đổi nhiều. Ví dụ như khá lâu rồi, ông không đến ngân hàng để rút tiền hay chuyển khoản vì hầu hết đều giao dịch qua app trên điện thoại, thanh toán bằng ví điện tử… từ đóng học phí cho con đến trả tiền điện, nước đều nhanh chóng, gọn lẹ. Thậm chí cả tháng ông không sử dụng tiền mặt vì nhiều dịch vụ ở TP.HCM đều đã chấp nhận thanh toán qua thẻ, quét mã QR, chỉ cần có điện thoại thông minh là đủ. Trong trường hợp cần tiền mặt mà quên thẻ ATM, ông Sang vẫn có thể giao dịch bằng căn cước công dân hoặc mã QR qua app. Thậm chí ông không cần phải đến chi cục thuế vì mọi tờ khai nộp qua mạng, sau khi nhận tin nhắn xác nhận thuế ông sẽ đóng tiền qua app ngân hàng.

Để thực hiện chiến lược chuyển đổi số thành công, đầu tiên DN phải thành lập Ban chuyển đổi số với sự tham gia của Chủ tịch HĐQT hoặc Tổng giám đốc. Kế tiếp, DN cần phải xác định chiến lược kinh doanh trong 2-3 năm sau với mô hình chi tiết rõ ràng như tập trung mở rộng hay tiếp cận khách hàng. Đồng thời, xác định lộ trình chuyển đổi số song hành chiến lược kinh doanh. Sau đó mới tìm kiếm đối tác công nghệ để thực hiện quá trình chuyển đổi số. Ngay cả hộ gia đình, DN nhỏ để tồn tại và tăng trưởng đều cần phải xác định mô hình kinh doanh trong thời gian 1-3 năm và ứng dụng công nghệ sẽ phải dùng trong quá trình hoạt động. Hiện nay có nhiều giải pháp, ứng dụng cho DN, kể cả cá nhân hay hộ gia đình. DN nên gia tăng tìm kiếm để sử dụng các giải pháp với chi phí thấp. Ví dụ các cá nhân hay DN khi tham gia trên các sàn thương mại điện tử hoặc các đơn vị giao hàng thường có các app, trên đó sẽ có ứng dụng về quản lý đơn hàng, marketing online, tính toán thời gian tối ưu trong quy trình giao nhận hàng hóa hay tương tác với khách hàng…

Ông Phạm Quang Chiến - Phó tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Citek

Hàng loạt thủ tục, dịch vụ công hiện đã được nâng lên mức độ 4 cho phép người thanh toán lệ phí trực tuyến. Chẳng hạn như thanh toán lệ phí trước bạ, nghĩa vụ tài chính về đất đai, khai và nộp thuế DN, thanh toán viện phí… Việc này đã giảm được nhiều thời gian của người dân và từ đó cũng tiết giảm chi phí cho toàn xã hội. Về phía DN, chuyển đổi số làm gia tăng hiệu quả kinh doanh, tương tác tốt hơn với khách hàng. Ông Trần Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Mutosi, cho hay sau hơn 8 tháng triển khai, đầu tháng 9, công ty đã hoàn thành hệ thống quản trị tổng thể DN. Đây là dự án chuyển đổi số kết nối xuyên suốt từ hoạt động chuỗi cung ứng đến sản xuất, kinh doanh, kết nối với kế toán tài chính và kế toán quản trị... Điều này giúp ban lãnh đạo ra quyết định phù hợp, nhanh hơn khi mọi số liệu, thông tin được cập nhật chính xác, kịp thời (real-time). Ví dụ, trước đây khi DN nhận đơn hàng qua mạng vì trong kho vẫn báo có hàng nhưng đến khi triển khai giao hàng thì kho không

còn vì đã xuất bán cho một kênh khác. Với hệ thống quản trị mới, công ty khi chốt đơn hàng thì số liệu được cập nhật ngay và kho sẽ trừ số lượng đã bán, không còn bị lỗi thông tin như trước. Từ đó, giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, công ty đảm bảo được uy tín với khách hàng... “Để thành công trong quá trình chuyển đổi số, tôi cho rằng quan trọng nhất là DN phải biết mình cần gì trong 5-10 năm sau. Từ đó, đơn vị tư vấn mới có thể đưa ra nền tảng, các giải pháp công nghệ phù hợp để thực hiện. Song song đó là nguồn nhân lực phải đồng tâm, đồng nhất với tầm nhìn đó”, ông Trần Trung Dũng chia sẻ thêm.

Ông Lê Trần Bảo Duy, Tổng giám đốc điều hành Công ty KMS Solutions, đánh giá dịch Covid-19 đã thay đổi khá rõ rệt nhận thức của DN lẫn các cấp ở khối Chính phủ về chuyển đổi số. Điểm nhấn lớn nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân gắn chip. Dữ liệu tập trung giúp một số khâu đã bắt đầu chuyển sang các thủ tục không cần giấy tờ hoặc ít nhất không cần trùng lặp như trước đây. Đây có thể là nền tảng cho nền kinh tế số trong tương lai của VN. Với xu hướng phát triển chuyển đổi số trong thời gian tới, người dân sẽ được tận hưởng các tiện ích công một cách nhanh gọn và ít giấy tờ hơn, không thua kém dịch vụ công ở các nước phát triển khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.