Cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo

05/08/2023 06:49 GMT+7

Giá gạo toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 11 năm qua, mang đến những cơ hội lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo của Việt Nam. Quan trọng hơn, những lo lắng về việc chúng ta tăng lượng gạo xuất khẩu liệu có ảnh hưởng tới chất lượng cũng như nguồn cung trong nước hay không cũng đã được làm rõ.

Ngày 4.8, tại TP.Cần Thơ, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT chủ trì Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo, với sự tham dự của gần 200 đại biểu từ các bộ, ngành T.Ư, Hiệp hội Lương thực VN, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo... Ngoài đánh giá tình hình, kết quả điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua, hội nghị đặc biệt chú trọng đến việc thống nhất các giải pháp tận dụng thời cơ, đẩy mạnh xuất khẩu gạo, trong bối cảnh thị trường đang mở ra những thời cơ vô cùng thuận lợi.

Cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Dù đứng trước thời cơ lớn nhưng việc mở rộng xuất khẩu gạo cần hết sức thận trọng

CÔNG HÂN

Giá gạo tăng cao nhất trong 11 năm

Thông tin về tình hình xuất khẩu gạo, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo nhảy vọt, đạt 4,24 triệu tấn gạo với trị giá 2,26 tỉ USD, tăng 21,3% về lượng và tăng 32,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ước tính của liên bộ, đến hết tháng 7.2023, VN xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỉ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Cụ thể, thị trường châu Á tiếp tục là thị trường lớn nhất, trong 6 tháng năm 2023, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Xếp thứ 2 là thị trường châu Âu, đạt 84.500 tấn, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực thị trường châu Phi ghi nhận sự tăng trưởng, xuất khẩu gạo đạt hơn 631.000 tấn, chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Đông phân tích sở dĩ giá gạo xuất khẩu tăng cao là vì ngay ở quý 1/2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng. Bước sang quý 2, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế. Đặc biệt, việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (phi basmati) là yếu tố dẫn đến giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh, trong đó giá gạo 5% tấm của XK tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành. Đến ngày 1.8, giá gạo 5% tấm của XK đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.

Vẫn còn nhiều hạn chế bộc lộ

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, xuất khẩu gạo tăng trưởng đáng mừng, nhưng cũng bộc lộ hàng loạt hạn chế cần tập trung xem xét, giải quyết.

Cụ thể, thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu tập trung vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia; chưa chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng. Công tác quy hoạch vùng trồng và định hướng tổ chức sản xuất lúa/gạo còn hạn chế; chưa thực sự phù hợp với tín hiệu của thị trường. Việc thực hiện liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà sản xuất - Nhà Bank) trong sản xuất nông nghiệp chưa tốt, vì vậy vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Ngoài ra, việc liên kết, hợp tác giữa các thương nhân với nhau cũng chưa thật tốt, dẫn đến vẫn còn tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá trong hoạt động thu mua, kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Cùng quan điểm ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, chia sẻ địa phương này có 40 doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp nhưng hiện vẫn còn nhiều DN chưa xây dựng được nguồn nguyên liệu và chưa liên kết được với các cơ sở sản xuất. Tình trạng nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng đã ảnh hưởng nhiều đến giá trị lúa gạo xuất khẩu thời gian qua. Trong khi đó, một số DN đang tích cực tham gia xây dựng và phát triển cánh đồng lớn, liên kết với nông dân sản xuất thì lại gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn tín dụng, nhất là nguồn lưu động. Tại những thời điểm thu hoạch chính vụ, những đơn vị thu mua này không thể vay thêm do ngân hàng không thể chủ động mở hạn mức tín dụng.

Bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, thừa nhận từ tháng 1 - 7.2023, dù lượng gạo và kim ngạch xuất khẩu gạo của địa phương tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng thị trường xuất khẩu chỉ tập trung khai thác được một số nước ở châu Á. Do đó, Đồng Tháp rất mong Bộ Công thương hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh có cơ hội được tiếp cận những thị trường nhiều tiềm năng khác như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc. Ngoài ra, địa phương cũng mong Bộ NN-PTNT có giải pháp giúp địa phương xây dựng nguồn nguyên liệu, tiếp tục phát triển các giống lúa chất lượng cao.

Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, bày tỏ lo lắng: Hiện giá gạo tăng là điều rất phấn khởi cho nông dân nhưng ngược lại DN xuất khẩu gạo lại gặp nhiều khó khăn. DN hợp đồng mua lúa trước với nông dân, song đến thời điểm thu hoạch, giá lúa tăng thì xuất hiện tình trạng "kèo nài" nên không thể thu mua đúng kế hoạch. Do đó, bà Huyền mong mỗi mùa vụ, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT sẽ đưa ra mức giá sàn, giá bình ổn hoặc giãn thời gian xuất khẩu gạo bằng cách kiểm soát chặt phương tiện vào thu mua lẻ để các DN lớn có thể xoay xở kịp trong quá trình thu mua nguyên liệu.

Tranh thủ thời cơ nhưng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia

Trước những động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan... chúng ta cũng cần rất thận trọng, việc xuất khẩu gạo cần tính toán kỹ để làm sao vừa tranh thủ thời cơ vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Việc bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu là vô cùng quan trọng để giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên

(Đình Tuyển ghi)

Chớp thời cơ nhưng thận trọng

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Sau khi lập kỷ lục xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo năm 2022, hoạt động xuất khẩu gạo trong nửa đầu năm 2023 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực cả về lượng và trị giá. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo tích cực, đảm bảo diện tích gieo trồng lúa vụ thu đông năm nay đạt khoảng 700.000 ha, tăng 50.000 ha so với năm trước. Dự kiến, năm 2023, cả nước gieo trồng hơn 7 triệu ha, sản lượng đạt từ 43,2 - 43,4 triệu tấn lúa, tăng 1,8 - 2% so với năm 2022.

"Với sản lượng dự kiến này, sau khi đã để tiêu dùng nội địa, bảo đảm an ninh lương thực và chế biến, làm giống, thức ăn chăn nuôi, thì năm nay chúng ta có thể xuất khẩu được trên 7,5 - 8 triệu tấn gạo, cao hơn 400.000 - 900.000 tấn so với năm 2022", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Việt Nam có thể hưởng lợi từ giá gạo tăng?

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, bối cảnh hiện nay là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu gạo VN trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới. Song song đó là tiếp tục xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa người sản xuất, vùng trồng với các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo; giữa các thương nhân với nhau nhằm đảm bảo nguồn hàng ổn định, chất lượng và tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép giá.

Cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thông tin VN đang đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu gạo với các khu vực mới như châu Phi, Nam Á, Tây Á, Nam Âu, Nam Mỹ… Điều này mở ra nhiều tín hiệu khả quan, cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường sản xuất gạo trong nước.

Ông Nguyễn Hồng Diên cho biết sau hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của bộ, ngành, địa phương và hiệp hội liên quan tiếp tục phối hợp, xem xét, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của thương nhân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo, bảo đảm hiệu quả, bền vững.

Tránh gom mua ồ ạt, đẩy giá lúa gạo tăng bất hợp lý

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải vừa ký văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo.

Theo Bộ Công thương, thị trường lúa gạo trong nước đang tăng giá, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở công thương đôn đốc các DN trên địa bàn có phương án về nguồn hàng, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm với giá bình ổn. Các địa phương chỉ đạo các DN xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định, sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết.

Bộ Công thương cũng yêu cầu các địa phương chỉ đạo DN thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước, tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Phan Hậu

Việt Nam có thể thu thêm 100 triệu USD xuất khẩu gạo

Bộ đã giao Cục Trồng trọt, Cục Thủy lợi, Cục Bảo vệ thực vật xem xét tình hình hạn, mặn, xem có khả năng tăng diện tích vụ thu đông, tăng bao nhiêu là hợp lý. Chúng tôi dự tính, nếu tăng thêm 50.000 ha lúa thu đông thì VN có thể thu thêm 100 triệu USD (từ xuất khẩu gạo - PV), cung ứng lương thực cho thế giới và mang lại thu nhập cho nông dân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung

(Phan Hậu ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.