Có lo ngại tiêu cực khi trường được tự chủ mở ngành?

Hà Ánh
Hà Ánh
06/07/2019 09:16 GMT+7

Từ tháng 7, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2018 đi vào thực tế có nhiều tác động tới hoạt động giáo dục ĐH, trong đó đáng chú ý là việc các trường được tự chủ mở ngành đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh .

 

5 điều kiện

Theo luật này, các trường được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ ĐH nếu có đủ 5 điều kiện: đã thực hiện quyền tự chủ, ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực, có đội ngũ bảo đảm, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu và có chương trình đào tạo theo quy định. Tương tự, luật này cũng cho phép các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành, nhóm ngành trên cơ sở nhu cầu lao động và các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Trước điểm mới này, PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết dù luật mới đã có hiệu lực nhưng quy định cho phép tự chủ mở ngành đào tạo này vẫn chỉ áp dụng với các trường đã thực hiện tự chủ. Và để thực hiện tự chủ, theo luật, cũng cần đáp ứng các điều kiện cụ thể về hội đồng trường, hội đồng ĐH, được công nhận đạt chuẩn chất lượng, thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình...
Ông Hướng cho biết, hiện Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã hoàn tất đề án tự chủ nhưng đang chờ nghị định hướng dẫn luật này được ban hành chính thức. Dù vậy, theo ông Hướng, luật mới sẽ giúp các trường rất chủ động trong việc mở ngành thay vì phải xin phép Bộ GD-ĐT như trước đây. Còn việc xác định chỉ tiêu, từ năm 2018 Bộ đã cho phép các trường tự chủ xác định chỉ tiêu theo thông tư hướng dẫn, Bộ chỉ hậu kiểm và xử lý.

Các trường hoàn toàn chủ động

Từ góc nhìn một trường công lập đã được cho phép thí điểm tự chủ, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết việc tự chủ mở ngành theo quy định của luật mới đã được áp dụng trong mô hình thí điểm của hơn 20 trường ĐH cả nước.
Theo đó, căn cứ trên quy định cụ thể, các trường tự ra quyết định mở mã ngành, chủ động mời các chuyên gia thẩm định, ban hành quyết định mở ngành và chương trình đào tạo. Sau khi đã hoàn tất, trường mới có công văn báo cáo Bộ về việc mở ngành. Trong khi đó, theo quy định cũ trước đây thì các trường phải gửi đề án cho Bộ, Bộ mời đơn vị khác tham gia thẩm định trước khi ban hành quyết định mở ngành.
“Cách làm mới cho phép các trường hoàn toàn chủ động, đúng quy định là làm. Bộ chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước là giám sát, kiểm tra và xử lý. Không chỉ gọn nhẹ mà còn tránh được tình trạng vì một số lý do khách quan, có những trường không thể mở được ngành mới”, ông Hoàn nói.
Một vấn đề được đặt ra là khi các trường tự chủ hoàn toàn thì có khả năng tiêu cực xảy ra?
Trước câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn khẳng định: “Tự chủ nhưng phải thực hiện theo đúng các quy định nhà nước, cụ thể Bộ GD-ĐT. Các trường không dám “làm liều” mà thậm chí còn rất thận trọng vì tự chủ có nghĩa tự chịu trách nhiệm”.
PGS-TS Đồng Văn Hướng cũng cho biết không cảm thấy lo ngại khi các trường được tự chủ hoàn toàn. Ông Hướng cho biết: “Ngay thời điểm này Bộ đã có đầy đủ các dữ liệu đảm bảo chất lượng từng cơ sở đào tạo để thực hiện việc kiểm tra, giám sát. Ví dụ, thông qua hệ thống dữ liệu này, Bộ có thể kiểm soát việc một giảng viên không thể đăng ký tên ở các trường khác nhau”.

Ý kiến

Phải đáp ứng về chất lượng
Luật Giáo dục ĐH sửa đổi lần này có một điểm khá tốt cho các trường ĐH ngoài công lập. Đó là các trường có thể tự chủ trong việc mở ngành. Tuy nhiên, việc mở ngành này cũng đi kèm với kiểm định. Các trường phải đáp ứng về chất lượng trước khi mở ngành. Các điều kiện liên quan đến việc mở ngành cũng phải công khai trước xã hội.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân)
Đẩy mạnh về tự chủ học thuật
Khi luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực, trường ĐH được chính thức tự chủ nhiều hơn. Ngay cả các trường ngoài công lập cũng vậy. Trường tư không còn phải làm thủ tục mở ngành, liên kết quốc tế. Điều này trước đây chỉ áp dụng cho các ĐH quốc gia và các trường thí điểm tự chủ. Còn tự chủ về tài chính, nhân sự theo hội đồng trường thì về bản chất, trường tư đã thực hiện được một thời gian dài trước đó. Việc sắp tới mà các trường tư cần đẩy mạnh là tự chủ học thuật. Luật sẽ giảm cơ chế xin - cho nhưng việc tự chủ này cũng cần thực hiện theo hành lang pháp lý, thực hiện kèm theo giải trình và hậu kiểm.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT) 
 Đăng Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.