Hay nói một cách ngược ngạo là nguồn đó cũng chính là cửa đó. Rõ hơn, nó bắt nguồn từ cửa Đại Chiêm (Hội An) chảy vào tới cửa Kỳ Hà hoặc cửa Lỡ của huyện Núi Thành, huyện cuối phía nam tỉnh Quảng Nam. Có ai đó cắc cớ nói ngươc lại thì cũng chẳng bắt bẻ được. Vì thế nên gọi là sông ngang. Trường Giang cứ chảy men theo bờ biển đến gần cả trăm cây số, băng qua thành phố Hội An, huyện Duy Xuyên, huyện Thăng Bình, thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Có lẽ trên cả nước không có một con sông nào như thế.
Lật giở sách về địa lý mới ngộ ra rằng, nó xưa kia chính là bờ của biển Đông. Gió bão, sóng biển và dòng hải lưu ngày qua ngày đẩy cát vào tạo thành những bãi bồi. Lâu dần, có thể phải mất hàng nhiều thế kỷ, những bãi bồi mới nối liền nhau để lại sau lưng chúng một dòng sông có tên Trường Giang ngày nay.
Trường Giang mỗi ngày nhận nước thủy triều lên xuống một lần, gọi là nhật triều. Nước đổ vào theo cửa phía bắc là Đại Chiêm và theo cửa Lỡ hoặc Kỳ Hà ở phía nam, khi hai con nước gặp nhau sẽ tạo nên những giáp nước, nơi nước hình như đứng yên. Ghe thuyền qua đây, nếu muốn lên bắc hoặc xuôi về nam, đều phải đổi cách thức vận chuyển. Ngày xưa, khi chưa có máy nổ, người lái ghe thuyền dùng sức người bằng chèo hay bằng buồm. Một lần, tôi theo cậu tôi (tôi gọi cha tôi bằng cậu) đi biển, gặp lúc con nước ngược , không chèo chống nổi, phải căng buồm lên, bất đồ gió lại đổi chiều, thế là phải chạy giác, tức chạy theo hình chữ chi. Vì chạy giác nên ghe nghiêng hẳn về một bên, nước bắn tung tóe, rất dễ bị chìm, nếu như không vững tay lái và chưa từng trải qua kinh nghiệm. Cứ mỗi lần như thế, tôi và mấy người bạn nghề của cậu tôi phải kê một tấm ván trên be và ngồi lên đấy để giữ thăng bằng. Đấy là một trải nghiệm đầy hồi hộp và căng thẳng, nhưng cũng vô cùng thú vị.
Cửa Đại Chiêm không chỉ là cửa biển của Trường Giang mà còn là cửa biển của cả hệ thống sông cái Thu Bồn. Các chi lưu của Thu Bồn như sông Ly Ly, Bà Rén, Bàn Thạch, Hà Thân, Câu Lâu, Hoài Phố,… đều đổ vào đây, vì thế, cửa biển rộng mênh mông, đứng bên ni bờ không thấy bên tê bờ. Tôi vẫn nhớ như in, cửa biển rộn rịp ghe thuyền các loại đến từ nhiều địa phương để mua bán thủy hải sản, mỗi khi chiều, lúc các ghe tàu có công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ trở về cập bến, rất giống với mô tả của J.B. Pietri trong cuốn Thuyền buồm Đông Dương, lúc Hội An còn là thương cảng sầm uất bậc nhất của xứ Đông Dương mấy thế kỷ trước: “Mọi loại tàu thuyền Việt Nam đều có mặt tại cảng Hội An này, đó là một tập hợp đa dạng muôn màu muôn vẻ đủ loại thuyền biển, thuyền sông, đủ mọi kích cỡ và trọng tải. Chính đây là nơi đóng thuyền bè có uy tín mà trên hai bờ của nó, những tiếng kêu gọi í ới của những người chèo đò, của những thương nhân di chuyển trên sông nước, những phu bốc vác, hòa trộn với tiếng búa xảm trét thuyền và những tiếng rì rầm của những công xưởng đang hoạt động”. Từ đây, các loại cá như cá chuồn, cá trích, cá de, cá nhám, mực ống, mực nang, tôm, cua,… được đưa xuống các ghe bầu nhỏ theo dòng Trường Giang về các lò kho, nằm rải rác bên các chợ ven sông, hấp chín, rồi phân phối hầu như khắp cả tỉnh, từ các chợ huyện đồng bằng như Vĩnh Điện, Duy Xuyên, Thăng Bình đến các chợ huyện trung và thượng du như Quế Sơn, Tiên Phước, Trà My, Hiên, Giằng,… Bên cạnh đường bộ, Trường Giang là thủy lộ quan trọng đưa các sản vật vùng biển đến với vùng cao: Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.
Ngày nay, một cây cầu bằng bê tông được bắc qua sông thông thương giữa vùng chiêm trũng là quê tôi với vùng cát cao phía biển. Thi thoảng, tôi về quê, ra đứng giữa cầu nhìn dòng sông chảy. Một vài chiếc ghe qua lại, lặng lẽ xuôi dòng, lặng lẽ đến nỗi không nghe được tiếng chèo khua nước. Không có sự rộn rã, không có tiếng gọi nhau í ới vang động một khúc sông quê. Và dòng sông như hẹp lại quá đổi. Có phải vậy không? Tôi có đọc một bài báo nói rằng rác thải, lục bình và các vuông nuôi tôm lấn sông đã làm cho nó bây giờ chỉ còn như con lạch nhỏ, hôi thối, ô nhiễm. Và rồi nó sẽ chết. Nó sẽ chết ư? Không, tôi không tin điều tồi tệ đó xảy ra. Trường Giang sẽ được nạo vét, sửa sang và làm sạch để trở thành một con đường sông du lịch cho du khách thỏa thê nhìn ngắm và thăm thú những cảnh sắc thiên nhiên muôn hình muôn vẻ của những làng quê bình yên và thơ mộng của xứ Quảng Nam yêu dấu.
|
Bình luận (0)