Đoàn cán bộ trẻ của Trường Chính trị Bình Dương chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với già làng Điểu Lên (Sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), người cùng Sóc Bom Bo phá ấp chiến lược xây dựng căn cứ tiếp tế cho bộ đội năm xưa. Trong chúng tôi như hiện lên cả một thời hào hùng của Sóc Bom Bo, cả chặng đường dân tộc kháng chiến.
Già vẫn khỏe, vẫn cách mạng như tinh thần Sóc Bom Bo ngày nào. Ánh mắt, tâm hồn, cuộc đời già Điểu Lên là một bản anh hùng ca cách mạng theo dọc chiều dài đất nước. Khi chia tay, vẫy chào đoàn chúng tôi, già không quên dặn dò: "Người S'tiêng vẫn mãi yêu Đảng, yêu Bok Hồ (*) như xưa. Bom Bo vui lắm khi các cháu đến thăm. Nhớ về thăm Bom Bo nhé!".
Từ cậu bé giao liên đến linh hồn của căn cứ cách mạng
Người S'tiêng xưa sống quây quần bên nhau dưới những tán cây rừng xanh mát, yêu những suối nước trong và nương rẫy bạt ngàn. Rồi giặc tràn về cướp phá, dồn dân lập ấp chiến lược, chia cắt đồng bào với cách mạng. Giặc cấm muối, cấm theo Đảng, nhưng người dân Bom Bo một lòng yêu Đảng, yêu Bác, kiên cường bám trụ từng tấc đất, phá ấp chiến lược về xây dựng căn cứ kháng chiến.
Sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, cậu bé Điểu Lên từ nhỏ đã sớm tình nguyện làm giao liên cho cách mạng, bước chân cậu bé S'tiêng băng núi băng rừng đưa tin, đón đưa cán bộ. Đủ tuổi, chàng thanh niên Điểu Lên ngày ấy tình nguyện nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi. Cánh tay ngăm nâu của núi rừng, đôi bàn chân chai sạn mà dạn dày một lòng một dạ theo cách mạng, theo Bác Hồ, không sợ hy sinh. Già được Nhà nước tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt ác phá kìm", "Dũng sĩ diệt Mỹ - ngụy". Với người dân Sóc Bom Bo, già Điểu Lên là linh hồn của cả buôn làng, người truyền lửa cho Bom Bo chiến đấu, giã gạo nuôi quân phục vụ cách mạng khi xưa.
Chàng trai Điểu Lên ngày ấy có sức mạnh như nước, như lửa, đã cùng với dân làng mình lên rừng bẻ măng, lên rẫy trỉa lúa, gìn giữ từng tấc đất, quyết không rời đi. Không dầu đèn, cả Sóc Bom Bo thắp sáng bằng đuốc lồ ô. Chiến sĩ cách mạng anh dũng Điểu Lên khi ấy cùng với các trận đánh lớn nhỏ đã trở thành tấm gương kiên trung để trai gái S'tiêng noi theo, những người mẹ S'tiêng dặn dò con phải anh dũng như Điểu Lên, một lòng theo cách mạng. Trong những năm bom đạn ác liệt, nằm giữa vòng vây của quân thù, Điểu Lên đã trở thành trung tâm của tinh thần kháng chiến, vận động buôn làng làm cách mạng, tiếp tế cho bộ đội, một lòng đoàn kết theo Đảng.
Nằm tiếp giáp với Cát Tiên, chiến trường Tây Nguyên, Bom Bo là mạch máu giao thông quan trọng chi viện cho chiến trường miền Nam, liên lạc mật thiết với Trung ương Cục. Đây cũng là nơi tập kết lương thực tiếp tế trực tiếp cho bộ đội địa phương. Chính vì vậy địch mở nhiều đợt càn quét dữ dội nhằm triệt hạ tận gốc căn cứ cách mạng. Là người con của buôn làng, là người được Đảng giác ngộ, già hiểu người S'tiêng yêu núi rừng lắm, người S'tiêng thương yêu đùm bọc nhau nên không đời nào chịu nhường đất hay đầu hàng quân thù. Bằng uy tín của mình, già vận động đồng bào mình làm hết sức cho cách mạng. Bằng chính những chiến công vẻ vang của mình trong các trận đánh, già đã cho các chàng trai, cô gái S'tiêng năm xưa thấy người Bom Bo giỏi diệt giặc biết nhường nào. Đảng đã dạy cho già biết chỉ có độc lập tự do thì muối mới về buôn làng, điệu nhảy của cô gái S'tiêng mới đẹp bên đuốc lửa, ấm no mới có hằng ngày. Già đã đem tấm lòng ấy nói lại cho người S'tiêng hiểu để mà đoàn kết, mà quyết tâm hơn để giữ buôn làng. Trong chiến tranh khói lửa già Điểu Lên đã trở thành ngọn đuốc sáng nhất của Sóc Bom Bo để người S'tiêng noi theo già, cùng già làm cách mạng, viết nên những trang sử anh hùng mà từng tấc đất Bom Bo hôm nay vẫn hát mãi khúc trường ca ấy.
Có giặc thì cầm súng, hết giặc rồi già lại trồng cây, xây dựng quê hương
Buôn làng của già Điểu Lên hôm nay đã đổi thay nhiều. Nhà già Điểu Lên nằm ngay sát mép đường gần điểm trường thôn Bom Bo, ngày ngày những đứa trẻ đến trường vẫn ùa vào nhà già say sưa ngắm nhìn già sắp xếp những ché rượu cần mới. Bom Bo đã thay da đổi thịt như minh chứng cho thành quả cách mạng mà người S'tiêng đã một lòng tin yêu theo Đảng để đem về. Những cây điều người dân Bom Bo trồng đã bao mùa đơm hoa trái. Chị Điểu Thị Xya, con gái già Điểu Lên, say sưa với những ống cơm lam giao cho nhà hàng; già Điểu Lên cần mẫn bên những ché rượu cần mang hơi thở của người S'tiêng...
Chúng tôi hỏi về cuộc sống của già sau ngày thống nhất, già cười hiền từ: "Già là người làm rừng làm rẫy, khi có giặc thì cầm súng đánh trận, hết rồi thì già lại trồng cây, ủ rượu cần như mọi người Bom Bo thôi"…
Bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng năm xưa trong già Điểu Lên luôn được phát huy. Hòa bình lập lại, Bom Bo hoang tàn sau chiến tranh, già đã cùng vận động người dân Bom Bo đùm bọc nhau đoàn kết xây dựng buôn làng. Người S'tiêng khỏe mạnh, chăm chỉ, giờ có hòa bình rồi sẽ có tất cả. Cũng bằng chính cuộc đời và uy tín của mình, già Điểu Lên đã giúp người Bom Bo tin tưởng và hiểu hơn các chủ trương của Đảng. Với sự đoàn kết của cả buôn làng, Bom Bo dần thay da đổi thịt, những đứa trẻ đã có mái trường Xuân Hồng khang trang để con chữ về với người S'tiêng… Già Điểu Lên cần mẫn ghi bảng biểu giới thiệu các mặt hàng đặc sản của buôn làng để bán cho người qua lại. Sau chiến tranh, già và cả gia đình hăng say trong xây dựng kinh tế, những vườn điều tươi tốt mọc lên… để con đường đến với ấm no hạnh phúc là hiện thực.
Là trung tâm đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa của người S'tiêng, già luôn giữ nếp sống tốt đẹp, chăm chỉ, ân cần chỉ dạy cho lớp trẻ cách ủ rượu cần bằng men lá của người S'Tiêng, cách sử dụng các loại nhạc cụ, những điệu múa cầu mưa, cầu mùa… để nếp sống văn hóa buôn làng không mất đi. Có giai đoạn tên Bom Bo bị xóa mất, đổi thành tên hành chính Thôn 1, Thôn 2… Người Bom Bo như thấy mất mát cả một chặng đường lịch sử họ đã băng rừng phá ấp chiến lược theo cách mạng về dựng lán xây làng. Nhân dân bức xúc dễ bị các đối tượng xấu kích động, già Điểu Lên đã sáng suốt, vận động bà con bình tĩnh và làm kiến nghị gửi chính quyền giữ lại tên Sóc Bom Bo, với niềm tin của già: "Bà con yên tâm, nguyện vọng mình chính đáng thì sẽ được đồng ý thôi". Rồi tên Sóc Bom Bo lại trở về với người S'tiêng, còn được xây dựng khu bảo tồn văn hóa rộng lớn. Già mừng!
Bom Bo hôm nay đang vươn mình đón những ngày mới rộn ràng. Người đi xa vắng mỗi ngày về thăm Sóc Bom Bo nhiều hơn. Ở nơi ấy già làng Điểu Lên vẫn là một tấm gương sáng ngời về tinh thần chiến đấu, tinh thần hăng say xây dựng quê hương. Cả một cuộc đời chân thành, giản dị, già đã trở thành một hình mẫu anh hùng ca bất tử theo năm tháng của vùng đất cách mạng năm xưa.
(*): Bác Hồ
Bình luận (0)