Cơ duyên từ lớp võ
Chàng quê ở Quảng Ngãi, là người khởi nghiệp; nàng sinh ra ở Bình Phước, hiện là bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM. Họ quen nhau trong một CLB võ thuật tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vào đúng ngày 2.9 của 3 năm trước. Khi đó, Dung là thành viên mới, còn Mỹ là người kỳ cựu, thầy giao nhiệm vụ Mỹ hướng dẫn cho nhóm Dung. Ấn tượng đầu tiên của nàng về Mỹ là “một người khó tính đăm đăm, luôn ra bài tập khó khiến ê ẩm toàn thân”.
Cho tới một tháng sau, họ có buổi hẹn đầu tiên. Đó là Tết Trung thu, TP.HCM đổ mưa xối xả, những câu chuyện không đầu không đuôi được kể và cả hai chẳng hay biết, mưa đã tạnh từ bao giờ.
Mỹ cầu hôn Dung đúng vào ngày đầu tiên của năm 2020, đến cuối tuần qua thì đám cưới trong mơ đã diễn ra. Họ muốn cùng đi với nhau xa hơn, lâu hơn để mang lại những điều tuyệt vời cho cuộc đời này.
Đám cưới xanh hậu Covid-19
Không dùng đồ uống có cồn, không động vật nào bị giết hại, không tạo rác thải nhựa, dùng thiệp mời điện tử, mừng cưới của khách mời cũng có thể thực hiện trực tuyến, đám cưới của Dung và Mỹ sau lần trì hoãn vì Covid-19 diễn ra cuối tuần qua đã khiến bạn bè ủng hộ trong sự thích thú.
“Chúng tôi đi khắp nơi để tìm một nơi vừa gần gũi với thiên nhiên, vừa có thể tổ chức tiệc chay hoàn toàn và đã chọn nơi này. Chiếc hộp thư ngày cưới nhận được quá trời những lời chúc từ bạn bè, người thân và lời khen ngợi với bữa tiệc phong cách này, chúng tôi rất cảm động”, Mỹ bộc bạch.
Mỹ và Dung chia sẻ cả hai đã ấp ủ về một đám cưới như thế này từ rất lâu, bởi cả hai cùng hướng tới lối sống tối giản,
thân thiện với môi trường. Họ thường xuyên tự tay nấu những món chay trong những bữa cơm gia đình, hạn chế tối đa sử dụng túi ni lông, nếu có lỡ mang về nhà cũng tận dụng nó cho đến khi không thể dùng được nữa thì thôi.
Không đặt nặng phải mua sắm thật nhiều đồ mới thì mới thật hạnh phúc, nhiều đồ đạc trong ngôi nhà nhỏ của Mỹ và Dung ở Q.8, TP.HCM được tận dụng từ chính đồ cũ của người thân quen. Họ cải tạo không gian nhỏ ở ban công và nơi này sáng bừng với những luống trồng rau cải, cây đậu biếc, vừa cho rau, hoa để ăn, vừa khiến không gian ngôi nhà đẹp hơn.
Muốn tri ân những vùng quê đã nuôi mình trưởng thành, trước ngày cưới, Mỹ và Dung lên kế hoạch xin lại đồ cũ như cặp sách, ba lô của mọi người, rồi về giặt sạch, phơi khô, dành tặng những em học sinh còn nhiều khó khăn ở Bình Phước.
|
|
Những ước mơ xanh
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Mỹ gác bằng cử nhân và là người khởi xướng phong trào đạp xe đạp bán cà phê thân thiện môi trường hồi năm ngoái. Ngày nào anh cũng đạp xe từ nhà tới điểm bán, thùng đựng cà phê được đóng bằng gỗ, ly giấy, khách dùng ống hút cỏ, ống hút gạo, dây xách cà phê bằng bèo tây phơi khô, tre... Xe cà phê của Mỹ những ngày ở ngã ba Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM luôn ríu rít người trẻ, cùng chung những ước mơ về một lối sống xanh hơn.
Hiện tại, là người khởi nghiệp trong lĩnh vực đồ uống và những phụ kiện xanh như ống hút tre/bột gạo..., Mỹ kiên trì đi theo con đường kinh doanh bền vững cho môi trường, dẫu còn nhiều chông gai. Hành trình của anh không đơn độc, bởi có Dung, một bác sĩ với nhiều ý tưởng sáng tạo, muốn lan tỏa lối sống xanh tới cộng đồng rộng hơn.
Cho tới hôm nay, những chiếc xe đạp cà phê xanh lan tỏa về tới Quảng Ngãi, miền đất dễ thương vẫn giữ được thói quen gói xôi, bánh mì trong những tấm lá chuối. Mỗi ly cà phê bán ra, Mỹ và Dung cảm thấy hạnh phúc, vì nó gửi trong đó những tốt lành nho nhỏ họ muốn đem đến cuộc đời này…
Bình luận (0)