Có nên dán màn hình điện thoại?

24/08/2022 14:31 GMT+7

Dán màn hình là một trong những cách bảo vệ điện thoại phổ biến nhất hiện nay, nhưng vẫn có tranh cãi xung quanh thói quen này.

Điện thoại ngày càng đắt đỏ và chắc chắn không ai muốn bỏ ra hơn 20 triệu đồng để sở hữu smartphone rồi chẳng bao lâu sau các vết xước bắt đầu xuất hiện dày đặc. Để giữ máy trong tình trạng đẹp nhất có thể, người dùng thường mua thêm ốp lưng và dán màn hình để bảo vệ thiết bị, dù biết công nghệ sản xuất kính bao phủ bên ngoài tấm hiển thị ngày càng tiên tiến hơn, được quảng cáo là chống trầy xước, giảm vỡ khi va đập.

Dán màn hình điện thoại là thói quen của nhiều người

Shutterstock

Tấm dán màn hình điện thoại là gì?

Tấm dán màn hình điện thoại về cơ bản là miếng nhựa trong hoặc kính trong suốt siêu mỏng dùng để đặt lên phía trên bề mặt tấm kính bao phủ vùng hiển thị của máy. Sản phẩm này được cắt sẵn để vừa đúng kích thước cũng như các chi tiết có trên màn hình.

Miếng dán ra đời để giảm thiểu rủi ro hư hại do tác động từ bên ngoài tới màn hình. Việc thay thế miếng dán nhanh và rẻ hơn rất nhiều so với những gì phải bỏ ra khi thay kính bảo vệ của máy. Bên cạnh đó, để dán tấm bảo vệ lên màn hình không khó, người dùng thông thường có thể tự làm, nhưng cũng cần một chút kinh nghiệm (thông qua các lần dán hỏng hoặc xem hướng dẫn).

Thực tế, trước đây màn hình điện thoại cần miếng dán bảo vệ, nhưng trải qua cả thập kỷ, công nghệ vật liệu đã có nhiều đột phá và hiện nay, người dùng có thể không cần tới tấm dán bảo vệ màn hình điện thoại. Dẫu vậy, nhiều hãng sản xuất điện thoại vẫn kèm sẵn dán màn hình trong hộp sản phẩm (thường đã dán luôn lên bề mặt).

Gorilla Glass dùng cho Android

Corning là nhà sản xuất nổi tiếng với sản phẩm kính cường lực Gorilla Glass đang được sử dụng trên rất nhiều mẫu điện thoại Android hiện nay. Qua thời gian thực tế trên thị trường, loại kính này được chứng thực về độ bền cũng như khả năng chống trầy xước (hơn so với các sản phẩm thông thường). Corning cũng tích cực ra mắt các thế hệ kính Gorilla Glass và liên tục cải tiến trong những năm qua. Tháng 3.2022, hãng giới thiệu sản phẩm mới nhất có tên Gorilla Glass Victus.

Gorilla Glass có 2 công dụng chính: chống trầy và chống nứt, vỡ màn hình. Nhưng ở mỗi phiên bản ra đời lại thường thiên về 1 trong 2 nhiệm vụ. Một số thế hệ Gorilla Glass có khả năng chống trầy tốt nhưng lại dễ nứt và ngược lại. Corning đang nỗ lực để phát triển sản phẩm có thể cân bằng cả hai yếu tố trên.

Theo Corning, thế hệ kính Victus đã vượt qua các bài kiểm tra va đập do rơi vào các bề mặt cứng từ độ cao hơn 1,8 mét. Về khả năng chống trầy, hãng khẳng định kết quả cao gấp đôi so với các hãng kính thông thường.

Ceramic Shield trên iPhone

Apple không dùng Gorilla Glass cho màn hình iPhone mà thay vào đó, hãng sử dụng loại kính riêng có tên Ceramic Shield, một sản phẩm khác cũng đến từ Corning.

Các loại kính dùng trên điện thoại hiện nay có thể không cần tới tấm dán

shutterstock

Dù mang tên Ceramic (gốm), loại kính cường lực này thực chất không có một chút gốm nào trong thành phần. Sản phẩm được nhúng với các tinh thể nano gốm có kích thước nhỏ hơn bước sóng ánh sáng nên trong suốt như thủy tinh thông thường.

Kết quả của quá trình tạo ra vật liệu có khả năng chống trầy và giảm rủi ro vỡ khi va chạm. Apple không chia sẻ nhiều thông tin về Ceramic Shield nhưng khẳng định tại buổi ra mắt iPhone 12 series rằng "tốt hơn gấp 4 lần so với các sản phẩm trước đó". Hiện không có cách nào để so sánh chất lượng của Ceramic Shield với Gorilla Glass, ngoại trừ việc đều do một hãng làm ra nên có thể yên tâm về chất lượng.

Bất tiện của việc dùng dán màn hình

Dù mỏng hay bằng chất liệu gì, vấn đề lớn nhất của miếng dán màn hình là sự ảnh hưởng tới cảm giác chạm giữa ngón tay và màn hình điện thoại. Thao tác trên kính cường lực thường mượt hơn trên miếng dán bằng nhựa dẻo nhưng cũng chưa thể mang tới trải nghiệm như khi không dán.

Ngoài ra, vật liệu đặt trên màn hình dù là gì cũng có tác động nhất định tới khả năng hiển thị của điện thoại. Hãy lưu ý tới các dòng sản phẩm dán chống vân tay và chống nhìn trộm. Loại chống vân sẽ khiến hình ảnh trở nên nhám, kém mượt mà, trong khi chống nhìn trộm làm tối màn hình và gây cảm giác "rỗ điểm ảnh".

Các loại dán có chất lượng kém cũng dễ để lại vết trầy xước trên bề mặt, từ đó gây cảm giác kém thoải mái trong quá trình sử dụng.

Khi nào thì nên dán màn hình?

Môi trường sống hằng ngày có nhiều tác nhân gây trầy xước màn hình. Đầu tiên phải kể đến là cát, bụi. Dù nhỏ bé, vật liệu này lại vô cùng cứng và có ở hầu như mọi nơi, đặc biệt là trong túi quần - nơi thường để điện thoại. Những thứ khác có thể kể đến như kim loại hiếm, hay vật liệu siêu cứng (cỡ kim cương dù ít ai bỏ kim cương vào túi xách chung với điện thoại). Tất cả đều có thể làm hỏng màn hình dù được trang bị kính Gorilla Glass hay Ceramic Shield.

Như đã nêu trên, người dùng không nên sử dụng dán chống vân bởi smartphone hiện đại có một lớp phủ "oleophobic" (ion cường lực, là một dạng lớp phủ bảo vệ siêu mỏng) giúp chống dầu trên ngón tay, giảm vết vân tay in lên đó. Màn hình nếu bẩn có thể lau sạch dễ dàng bằng vải mềm.

Nhìn chung, trừ các trường hợp sử dụng máy trong môi trường đặc biệt, người dùng thông thường giờ đây không thực sự cần thiết phải mua miếng dán màn hình. Chất liệu kính cường lực gốc từ nhà sản xuất có thể chịu được các va chạm thông thường trong túi quần, kể cả khi bỏ chung điện thoại vào túi với chìa khóa, tiền xu...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.