Trong phiên thảo luận của Quốc hội về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ vào ngày 29.3, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đã đề cập vấn đề lễ phục. Cụ thể, bà cho hay "khi đi tiếp xúc cử tri, mọi người nói với tôi "đề nghị đại biểu Quốc hội cho biết, khi mặc lễ phục thì tại sao nữ giới mặc áo dài truyền thống còn nam giới lại phải mặc complet?". Và bà nêu ý kiến: "Chúng tôi đề nghị Bộ VH-TT-DL nghiên cứu trong thời gian tới đưa áo dài ngũ thân nam truyền thống để báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ xây dựng luật về nghi lễ, quốc phục, quốc hoa; để nam giới và nữ giới đều mặc áo truyền thống, kế thừa truyền thống của cha ông ta”.
|
Ngay sau khi thông tin này được truyền thông đăng tải, trên các diễn đàn về cổ phong, Việt phục cũng "nóng" hẳn lên với nhiều ý kiến trái chiều.
Ở luồng dư luận phản đối, các ý kiến chủ yếu cho rằng đề nghị của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thiếu thuyết phục và thiếu thực tế, vì trên thế giới người ta dùng complet làm lễ phục, sao mình đi ngược lại?; complet là sự tiến bộ về thời trang của nhân loại, toàn thế giới dùng cớ sao lại bỏ? Áo dài ngũ thân nam thì nên mặc dịp lễ truyền thống của dân tộc, còn ngoại giao chính trị thì vẫn phải nên mặc complet như thường thấy lâu nay...
|
|
|
Trong khi đó, phía ủng hộ thì đưa ra nhiều ý kiến để bảo vệ quan điểm của mình. Có người thắc mắc: "Trước giờ vẫn không hiểu tại sao áo dài nam đẹp như thế mà rất hiếm khi được sử dụng. Gần như là chỉ ngày tết và đám cưới mới được nhìn thấy", người cho rằng: "Áo ngũ thân, áo dài khá là đẹp luôn. Hơn nữa đó là áo truyền thống, cần ủng hộ bảo tồn và lưu giữ lại nét đẹp dân tộc chứ!"; "Ba mình lúc đầu cũng không chịu mặc đâu, bị ép quá phải mặc thì hợp bất ngờ luôn... Bình thường một cái máy bị hư, các bác sẽ tháo tung nó ra, thử sửa cho bằng được đúng không? Giờ mặc thử cái áo cũng chỉ là thử cái mới thôi mà. Complet dù sao cũng là áo của tây thiết kế, dáng áo cũng phù hợp dáng người tây hơn đa phần người Việt Nam"; "Thật vui vì những giá trị truyền thống đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam đang dần được khôi phục"...
Cần lan tỏa áo dài ngũ thân trong đời sống để cộng đồng dễ chấp nhận
Là một người thường xuyên mặc áo dài, ca sĩ Đức Tuấn "thấy áo dài còn thoải mái hơn cả complet. Tôi cũng không nghĩ bộ áo dài sẽ mắc hơn bộ complet". Đức Tuấn cho rằng khi mặc áo dài, người mặc cũng phải biết cách đi đứng hoạt động phù hợp; điều đó cũng sẽ khuyến khích mọi người luyện tập để vừa khỏe và giữ hình thể hơn, biêt cách đi đứng thẳng thớm hơn. Nói chung là làm mọi người đẹp hơn". Vì thế nam ca sĩ quê An Giang cho rằng: "Ý tưởng của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh rất hay. Lễ phục nên quy định luôn là áo dài truyền thống cho cả nam lẫn nữ. Điều đó tạo ra sự độc đáo, tôn nghiêm và tạo nên bản sắc dân tộc".
|
"Khi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, chúng ta càng có điều kiện để lưu giữ và bảo tồn các yếu tố văn hóa đặc trưng. Tôi hoàn toàn đồng ý, ủng hộ nam giới mặc áo dài trong các sự kiện văn hóa, giao lưu hoặc các buổi lễ quan trọng mang tính chất quốc gia. Không nhất thiết bắt buộc cuộc họp hay buổi lễ nào cũng phải mặc, vì còn tùy thuộc vào tính chất có phù hợp hay không. Về kiểu dáng, không nhất thiết phải là áo dài ngũ thân, có thể may theo phom dáng hiện đại cũng được, tùy vào người mặc. Quan trọng là người mặc cảm thấy thoải mái và tự tin khi khoác chiếc áo dài truyền thống".
Nhà thiết kế Thuận Việt
|
|
Với anh Trần Tuấn - Trưởng nhóm Đuốc Mồi (nhóm vừa nhận giải thưởng WeChoice cho dự án Việt sử kiêu hùng - dự án truyền cảm hứng lịch sử được cộng đồng biết đến những năm gần đây): "Tôi nghĩ ban đầu việc chuyển sang áo dài ngũ thân có thể khiến nhiều người bỡ ngỡ, nên tôi nghĩ chúng ta nên cho phép để đây là một lựa chọn chứ không nên mang cảm giác ép buộc. Bởi vì cảm giác của người mặc có thể trở nên tiêu cực khi bị ép buộc phải mặc một loại trang mục mình chưa hiểu, chưa quen, hoặc thậm chí là có sẵn một định kiến không tốt nào đó".
Trần Tuấn cho rằng "đối với những dịp đại lễ truyền thống, ví dụ như tái hiện một nghi thức có tính cổ phong, thì tất nhiên mặc cổ phục sẽ phù hợp hơn. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa của chúng ta". Anh nói thêm: "Tuy là ban đầu chưa thể chuẩn chỉnh ngay được, nhưng phải có bắt đầu thì mới có hoàn thiện. Cá nhân tôi mong rằng không chỉ có áo dài ngũ thân, mà trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số cũng được cho phép lựa chọn để xuất hiện trong các hội nghị, các dịp lễ chính thức của đất nước. Đó không chỉ thể hiện sự tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh thế giới hiện tại, mà còn là sự thể hiện cho thế giới thấy những điều mà họ chưa biết về kho tàng văn hóa - lịch sử của chúng ta".
Cũng ở góc nhìn của người trẻ có những nghiên cứu cổ phục Việt Nam, anh Tôn Thất Minh Khôi - sáng lập trang Thiên Nam lịch đại hậu phi, đưa ý kiến: "Tôi rất hoan nghênh đề nghị của bà Trần Thị Quốc Khánh". Vì theo anh, ai mặc áo ngũ thân rồi sẽ thấy phù hợp với nam giới, rất lịch sự và có thể hoạt động tương đối thoải mái. Với tính chất lễ phục hẳn sẽ có những vướng víu nhất định như complet.
|
Theo Minh Khôi: "Đề xuất này chắc chắn sẽ gây tranh cãi như ý kiến đề xuất cho nam sinh mặc áo dài đến trường hay nam giới mặc áo dài đến công sở. Vì hiện tại dù phong trào cổ phục đang được lan tỏa, phát triển, song rõ ràng chiếc áo dài ngũ thân cần có thời gian lan tỏa hơn trong cộng đồng để cộng đồng không phản bác hay tranh cãi, mà quen dần và chấp nhận nó".
Vậy nên dù hoàn toàn ủng hộ, song theo Minh Khôi: "Để đề xuất này có thể thành hiện thực, cần quá trình khá dài, cần có sự vận động lẫn thống nhất của nhiều ban, ngành, đơn vị và đặc biệt các hội nhóm cổ phong càng có trách nhiệm lan tỏa để chiếc áo dài ngũ thân này đến với công chúng, có đời sống thật sự trong cộng đồng càng sớm càng tốt".
Bình luận