Có nên duy trì lễ hội chọi trâu?

Theo một số chuyên gia văn hóa, cần xem xét lễ hội chọi trâu dưới nhiều góc độ: văn hóa, du lịch, kinh tế... để có cách ứng xử hợp lý.

Ngày 1.7, UBND TP.Hải Phòng có văn bản chỉ đạo Sở VH-TT Hải Phòng kiểm tra, rà soát công tác quản lý và tổ chức vòng đấu loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017. TP.Hải Phòng cũng giao UBND Q.Đồ Sơn chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP về việc khắc phục hậu quả xảy ra tại vòng đấu loại.


Người ta núp dưới góc độ là thượng võ, nhưng thực tế không phải như vậy, mà là lấy hình ảnh tàn bạo đó để kích thích tính hiếu kỳ của con người khi xem thi đấu. Đó chính là sự phá hoại văn hóa truyền thống

GS Trần Lâm Biền


Đặc biệt, UBND TP.Hải Phòng yêu cầu tạm dừng việc tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017. UBND TP.Hải Phòng yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra chất kích thích, tăng lực (nếu có) còn tồn dư trong trâu số 18 và các trâu khác tham gia vòng đấu loại. Sở VH-TT, UBND Q.Đồ Sơn cùng các cơ quan liên quan sẽ phải báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 4.7. Theo thông tin ban đầu, chủ trâu có đủ hợp đồng bảo hiểm như quy định.
Sự phá hoại văn hóa
Trong khi đó, các chuyên gia văn hóa cũng đặt vấn đề về việc có nên tiếp tục duy trì lễ hội chọi trâu hay không. Hình ảnh ghi lại cho thấy con trâu mang số 18 đã có một khoảng trống rất lớn để chạy và lao vào người trên Sân vận động Đồ Sơn (Hải Phòng) trưa 1.7. Không gian thi đấu này, theo GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa, hoàn toàn không đúng với truyền thống, vì chọi trâu phải là một hoạt động liên quan đến nước, đến mặt trăng, đến cầu mùa.
“Mang ra sân vận động tổ chức chọi trâu thì không giữ được giá trị di sản nữa, ý nghĩa tâm linh văn hóa của nó bị giải thể rồi. Người ta núp dưới góc độ là thượng võ, nhưng thực tế không phải như vậy, mà là lấy hình ảnh tàn bạo đó để kích thích tính hiếu kỳ của con người khi xem thi đấu. Đó chính là sự phá hoại văn hóa truyền thống”, ông Biền nói.


Nguồn gốc lễ hội chọi trâu
TS Lê Đức Luận, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian, cho biết lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn, Hải Phòng bắt nguồn từ một sự tích có tính thiêng. Tương truyền, một hôm, trời trong sáng, dưới ánh trăng tháng tám, một số người thấy ngoài biển một lão nhân đầu tóc bạc phơ ngự trên sập đá, tay cầm một chiếc gậy dài ngắm 2 con trâu đang chọi nhau. Hình ảnh này hiện ra rồi biến, sau đó một trận mưa lớn đã tưới tắm mặt đất mát mẻ, giúp dân làng và đồng ruộng qua cơn hạn khủng khiếp. “Để hài lòng thần linh, họ tổ chức một cuộc chọi trâu và tục này được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, TS Luận cho biết.
Trinh Nguyễn

GS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, cũng cho rằng chọi trâu ở sân vận động trở nên nguy hiểm khi không thể kiểm soát được không gian trâu húc. “Về nguyên tắc, phải chọi trâu ở nơi có nước. Ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc) chẳng hạn, ngày xưa là đấu dưới ao sâu. Vì có bùn nên con trâu không thể chạy lồng lên mà chỉ đấu trong đó thôi. Còn Đồ Sơn ngày xưa cũng nhỏ chứ không phải ở sân vận động như bây giờ”, ông Lý nói.
Theo GS Lý, chọi trâu giờ đã “biến thành du lịch nên kéo theo đủ thứ chuyện”. Thậm chí ông cho rằng trâu có khi còn bị cho uống rượu mà không cẩn thận còn đưa cả thuốc kích thích vào nữa. Thực tế, một trong những chỉ đạo của Hải Phòng với vụ việc trâu chọi Đồ Sơn húc chết chủ là phải kiểm tra chất kích thích, chất tăng lực (nếu có) còn tồn dư trong con trâu số 18 và cả những con tham gia đấu.
Món lợi quá lớn
Cách đây vài năm, không chỉ Đồ Sơn có chọi trâu, các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Bình Phước, Lào Cai và Sơn La đều có chọi trâu. Cá biệt, Yên Bái có 7 huyện thì tới 6 huyện tổ chức lễ hội chọi trâu.
Tuy nhiên, điều này đã phải thay đổi khi Bộ VH-TT-DL không cho nhiều địa phương tổ chức chọi trâu nữa. Chỉ những địa phương có chọi trâu là di sản phi vật thể mới được tổ chức.
Trâu chọi chết trên sới ngày càng nhiều Ảnh: Lưu Quang Phổ
Theo các nhà quản lý, chọi trâu mang lại món lợi kinh tế lớn đến mức các địa phương xin mở hội, thậm chí cố tình làm sai để tổ chức chọi trâu. Điển hình nhất là Phúc Thọ (Hà Nội), hồ sơ xin tổ chức hoạt động là thi trâu đẹp, trâu khỏe, song thực tế lại là chọi trâu. Trong hồ sơ, họ cố tình không nêu rõ nội dung thi trâu đẹp trâu khỏe là thế nào. Chính vì thế, việc có người thiệt mạng ở hội chọi trâu Đồ Sơn - một di sản phi vật thể quốc gia - càng khiến công chúng đặt câu hỏi có nên tiếp tục cho chọi trâu hay không.
TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn hóa dân gian, cho rằng tai nạn xảy ra ở Đồ Sơn cho thấy sự thiếu phòng bị về an toàn. “Đặc điểm của trâu chọi là hung dữ, trâu đã húc thì lại vô cùng dữ tợn. Vì thế, chính ông chủ cũng phải phòng bị. Công tác an toàn phải làm cho tử tế vì nếu không cẩn thận cũng sẽ còn chết người nữa”, ông Sơn nói. Đặc biệt, khi xu hướng hội mở rộng từ hội vùng thành hội quốc gia, lại gắn với du lịch thì công tác tổ chức càng phải kỹ lưỡng. Mặc dù vậy, theo ông Sơn, không nên cấm chọi trâu Đồ Sơn theo cách không quản lý được thì cấm.

tin liên quan

Trâu chọi Đồ Sơn húc chủ tử vong
Một sự cố lần đầu tiên xảy ra tại vòng loại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) khi một trâu chọi bất ngờ tấn công khiến người chủ tử vong.
Về lâu dài, GS Lê Hồng Lý cho rằng nên thu hẹp hội chọi trâu ở Đồ Sơn về đúng quy mô nhỏ theo truyền thống trước đây. Như thế, vừa giữ được văn hóa, vừa thuận lợi hơn trong việc bảo đảm an toàn. Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho biết các nhà quản lý sẽ áp dụng phương pháp cộng đồng, có nghĩa là người dân sẽ được tuyên truyền, vận động để tổ chức lễ hội một cách hợp lý và đúng văn hóa. Đây cũng chính là phương pháp đã được áp dụng với lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh. Theo đó, người dân được thuyết phục không chém lợn ngay giữa chỗ đông người mà lui vào chỗ kín đáo hơn. “Chúng tôi sẽ vận động người dân thu hẹp quy mô lại. Cùng với thay đổi quy mô, thay đổi hình thức, sẽ đẩy mạnh giá trị tín ngưỡng tâm linh lên, đẩy mạnh giá trị văn hóa lên. Lễ hội chọi trâu có hai phần: phần lễ và phần hội. Trong đó, phần hội chọi trâu chỉ là hoạt động phụ chứ không phải hoạt động chính”, bà Thủy nói.
Cần nhìn lại thấu đáo
Tại lễ hội chọi trâu hằng năm ở Hải Phòng, để giành chiến thắng thì “ông trâu” phải vượt qua hàng chục đến hàng trăm đối thủ, nhưng “phần thưởng” chiến thắng là bị giết và xả thịt nóng hổi bán ngay tại chỗ với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu mỗi ký và hàng nghìn người tranh nhau mua.
Nhìn lại, cả gia đình hằng năm chăm sóc tận tình chu đáo cho trâu từ ăn, uống, huấn luyện... cho “ông ngưu” để mong ngày chiến thắng, và khi giành được chiến thắng hay bại trận thì cũng bị giết để làm thịt sau trận đấu. Điều này do con người nghĩ ra, “phán xử” như vậy và trở thành “truyền thống” ở nhiều nơi, chứ không phải chỉ ở Đồ Sơn.
Vẫn biết là văn hóa, truyền thống thì khó bỏ, song những văn hóa xấu xí phải dần được loại bỏ. Lễ hội chém lợn cũng đã được hạn chế thì lễ hội chọi trâu cũng phải xem lại để có cách nhìn thấu đáo. Suy cho cùng thì tất cả các hoạt động lễ hội văn hóa hay các hoạt động gì cũng là để phục vụ con người. Chúng ta phải xem xét lại cái được và cái mất của lễ hội chọi trâu.
Cái được là thu hút được đông người tham dự, giải trí tinh thần, tăng thu nhập thông qua lễ hội du lịch, thậm chí nhà có trâu thắng cuộc ở lễ hội còn được vinh danh và “nổi tiếng”. Nhưng cái mất cũng không ít khi tạo ra hệ lụy nét văn hóa phản cảm, tàn bạo vì sừng trâu được vót nhọn để thi đấu, càng dữ thì càng tàn bạo, kích thích tính bạo lực cho người xem. Chúng ta phải biết rằng giết động vật cũng phải có văn hóa, Úc đã từng cảnh báo không bán bò thịt cho một số nước, trong đó có VN vì cách giết bò quá tàn bạo.
Hệ lụy của lễ hội không chỉ là gây tai nạn khi có sự cố mà cao hơn là tính nhân văn giáo dục cũng như tinh thần của lễ hội. Chính vì thế, sau khi xảy ra tai nạn trên, việc nhà quản lý quyết định dừng lễ hội là hoàn toàn đúng đắn.
Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Mạnh Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.