Có nên 'lội ngược dòng' chọn khối ngành ít người học?

Hà Ánh
Hà Ánh
10/04/2024 07:20 GMT+7

Thống kê năm 2023, trong gần 547.000 sinh viên nhập học chỉ khoảng 84.000 người học kỹ thuật và công nghệ. Vậy thí sinh có nên 'lội ngược dòng' lựa chọn khối ngành ít người học hiện nay?

Thông tin được chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Xu hướng mới ngành kỹ thuật và công nghiệp" chiều qua (9.4), diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

SỐ THÍ SINH NHẬP HỌC KHÔNG LỚN

Chia sẻ trong chương trình, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết theo danh mục ngành đào tạo cấp IV của Bộ GD-ĐT, trong 24 lĩnh vực với 377 ngành, có 2 lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật gồm: kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật với 57 ngành đào tạo. Ngoài các ngành đào tạo cụ thể này, yếu tố kỹ thuật còn nằm trong các lĩnh vực khác như: khoa học sự sống, nhóm ngành môi trường…

Nhưng, tiến sĩ Hải cho biết theo một thống kê của Bộ GD-ĐT về số thí sinh nhập học ĐH năm 2023, trong tổng số gần 547.000 thí sinh trúng tuyển nhập học chỉ khoảng 84.000 em học công nghệ kỹ thuật. Trong đó, lĩnh vực kỹ thuật xếp thứ 7 với 4,9% và lĩnh vực công nghệ kỹ thuật xếp thứ 3 với 10,5%. "Từ số liệu trên, có thể nói hai lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật có số lượng ngành nghề đào tạo khá lớn trong toàn bộ danh mục ngành ĐH nhưng số thí sinh nhập học các ngành này không lớn", tiến sĩ Hải nhìn nhận.

Nhiều thông tin cần thiết về khối ngành kỹ thuật được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn tại Báo Thanh Niên chiều qua 9.4

Nhiều thông tin cần thiết về khối ngành kỹ thuật được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn tại Báo Thanh Niên chiều qua 9.4

ĐÀO NGỌC THẠCH

Lý giải một phần nguyên nhân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho rằng: "Để theo học các ngành công nghệ kỹ thuật thì kiến thức khoa học tự nhiên được xem là nền tảng. Điều này được thể hiện không chỉ qua các tổ hợp xét tuyển đầu vào mà còn trong chương trình học ĐH. Nhưng, những năm gần đây khi đăng ký bài thi lựa chọn để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên có xu hướng giảm. Điều này là một trong những lý do dẫn đến thực tế số thí sinh trúng tuyển các ngành kỹ thuật những năm qua".

CƠ HỘI VIỆC LÀM CAO VÀ ỔN ĐỊNH

Cùng góc nhìn này, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, lo lắng bày tỏ: "Là điều đáng lo nếu xu hướng học sinh lựa chọn môn khoa học xã hội ngày càng nhiều vì học sinh có thế mạnh khoa học xã hội thì không thể theo học các ngành kỹ thuật công nghệ. Về lâu dài, việc không có một lực lượng sản xuất mạnh trong nền kinh tế sẽ là điều đáng suy nghĩ".

Tiến sĩ Nhân chia sẻ thêm: "Ở thời điểm chúng tôi học ĐH, điểm chuẩn nhiều ngành kỹ thuật công nghệ cao hơn hẳn các ngành khác. Nhưng trong chục năm trở lại đây, số thí sinh đăng ký thấp dần và điểm chuẩn cũng thấp hơn một số lĩnh vực".

Cũng theo tiến sĩ Trung Nhân, kỹ thuật công nghệ ra đời rất sớm, được xem là ngành cốt lõi trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì cốt lõi nên lực lượng lao động lĩnh vực này hiện có trong xã hội rất lớn, việc làm luôn ổn định. "Tôi khẳng định học kỹ thuật công nghệ sinh viên rất dễ tìm việc, tính ổn định công việc rất cao. Không chỉ trong nước, nhiều nước trên thế giới cũng thiếu kỹ sư nên có nhu cầu tuyển dụng từ VN. Việc xuất khẩu lao động đi nhiều nước trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ rất dễ", ông Nhân nói thêm.

Ở VN, ông Nhân cho biết hiện nhà nước và các trường ĐH đang có nhiều chính sách khuyến khích để thu hút người học các ngành kỹ thuật. Năm 2023 tỷ lệ thí sinh đăng ký vào kỹ thuật có nhỉnh hơn, đây là tín hiệu tốt để cân bằng hơn nữa thị trường lao động giữa các ngành nghề.

Sinh viên khoa cơ khí, một trong những ngành kỹ thuật truyền thống

Sinh viên khoa cơ khí, một trong những ngành kỹ thuật truyền thống

ĐÀO NGỌC THẠCH

KỸ NĂNG CẦN THIẾT VỚI NGƯỜI HỌC KỸ THUẬT

Trong chương trình, các chuyên gia cũng đồng ý rằng kỹ thuật là một lĩnh vực mà không phải ai cũng có thể theo học. Để học tốt, học sinh cần có nền tảng kiến thức từ các môn tự nhiên, đặc biệt toán và lý.

"Trong quá trình học ĐH, trường phải kiểm tra kiến thức toán của sinh viên các ngành kỹ thuật, tăng cường dạy thêm kiến thức lý và hóa cho sinh viên trong các học phần. Để cùng với kiến thức chuyên môn vững chãi, sinh viên sau khi ra trường có thêm ngoại ngữ tốt sẽ có cơ hội việc làm tốt nhất", tiến sĩ Võ Thanh Hải cho biết.

Chia sẻ thêm về bộ kỹ năng các kỹ sư tương lai cần có, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Thiên Thư, đại diện Trường ĐH Việt Đức, cho rằng đầu tiên là kỹ năng xã hội giúp kỹ sư giao tiếp, tương tác và làm việc với cá nhân khác. Trong các kỹ năng về ngôn ngữ, sự cần thiết đầu tiên là tiếng Anh để có khả năng đọc hiểu, diễn giải và ghi chú tài liệu kỹ thuật bằng tiếng Anh. Ngoài ra, người học cần trang bị tốt về ngôn ngữ lập trình, trang bị thêm kỹ năng học tập suốt đời và luôn trong trạng thái "tò mò" khi đối diện với các vấn đề kỹ thuật.

XU HƯỚNG MỚI TRONG ĐÀO TẠO

Cũng theo thạc sĩ Thiên Thư, hiện nay các trường ĐH đang đào tạo kỹ thuật theo 3 xu hướng mới: đào tạo liên ngành và xuyên ngành, xu hướng số hóa và chuyển đổi xanh. "Các kỹ sư kỹ thuật ngày nay không chỉ vững chuyên môn trong một lĩnh vực mà cần am hiểu thêm nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong xu hướng ra đời nhiều ngành kỹ thuật mới có sự tích hợp các yếu tố phi kỹ thuật. Đó còn là kỹ năng "xanh" để ngoài xử lý các vấn đề kỹ thuật còn phải biết quan tâm bảo vệ môi trường sống. Vì lẽ đó, trong tương lai gần kỹ năng "xanh" có thể được đưa vào giảng dạy trong các ngành kỹ thuật thời gian tới", thạc sĩ Thiên Thư thông tin thêm.

Riêng với nữ giới, thạc sĩ Thiên Thư bật mí: "Với tố chất tỉ mỉ, chỉn chu, nữ giới được đánh giá rất phù hợp với một số công việc trong lĩnh vực kỹ thuật. Hiện có những tập đoàn lớn trên thế giới chỉ thông báo tuyển nữ chứ không tuyển nam cho các vị trí kỹ thuật này". 

Trí tuệ nhân tạo có ảnh hưởng đến việc làm khối ngành kỹ thuật ?

"Tương lai việc làm của ngành kỹ thuật công nghệ không thiếu nhưng vẫn có nguy cơ trước sự phát triển nhanh và sâu của trí tuệ nhân tạo. Nếu không giỏi hơn, chỉn chu hơn thì không khéo công việc sẽ ngày càng giảm đi. Dù vậy, nếu thực sự đam mê thì cơ hội không bao giờ tắt".

PGS-TS Nguyễn Trọng Phước (Trưởng khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP.HCM)

Có nên 'lội ngược dòng' chọn khối ngành ít người học?- Ảnh 3.

Lưu ý khi xét tuyển

Những thí sinh theo chiến lược "ăn chắc mặc bền" thì có xu hướng chọn phương thức xét tuyển sớm bên cạnh những thí sinh muốn chinh phục con đường vào ĐH bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mỗi cách lựa chọn, thí sinh đều cần nghiên cứu kỹ và tham khảo điểm chuẩn các năm trước để có thể trúng tuyển cao nhất. Ví dụ ngành công nghệ thông tin tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM điểm chuẩn tăng liên tục qua từng năm. Thí sinh cần nghiên cứu tỷ trọng chỉ tiêu theo từng phương thức, với những phương thức xét nhiều đợt thì nên tận dụng ngay những đợt đầu tiên để tăng cơ hội trúng tuyển.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương (Giám đốc marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)

Có nên 'lội ngược dòng' chọn khối ngành ít người học?- Ảnh 4.

Các yếu tố cần thiết khi chọn ngành

Việc quan trọng nhất với thí sinh là phải chọn được ngành phù hợp với sở thích và năng lực của mình. Không nên chạy theo xu hướng vì thực tế có những ngành được nhắc nhiều điểm cao nhưng sau vài năm không chắc còn "hot" nữa. Do đó, việc lựa chọn cần phải từ sự suy ngẫm kỹ càng của bản thân trên yếu tố yêu thích và phù hợp. Để tránh tình trạng sau này trúng tuyển trường ĐH mới nhận ra sự không phù hợp, khi đó đổi lại mất thời gian.

Tiến sĩ Nguyễn Trường Sinh (Giảng viên Khoa Kỹ thuật - công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành)

Có nên 'lội ngược dòng' chọn khối ngành ít người học?- Ảnh 5.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.