Có nên thành lập quỹ hoạt động cho 'hiệp sĩ' bắt cướp?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
27/05/2018 10:58 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng nên thành lập “quỹ phòng chống tội phạm” nhưng chỉ nên áp dụng nhằm khuyến khích người dân báo tin chính xác về tình hình tội phạm để lực lượng Công an chuyên trách kịp thời can thiệp và xử lý.

“Hiệp sĩ đường phố” hy sinh khi bắt cướp đang là một trong những vụ việc khiến dư luận và bạn đọc quan tâm. Kể từ khi xảy ra sự việc, nhiều độc giả nêu vấn đề: Nên hay không ủng hộ mô hình hiệp sĩ đường phố? Một số bạn đọc cho rằng, nhằm duy trì Câu lạc bộ (CLB) "hiệp sĩ đường phố", Bộ Công an nên treo giải thưởng bắt cướp cụ thể cho từng vụ việc để các "hiệp sĩ đường phố" có thêm kinh phí hoạt động. Số tiền thưởng này lấy từ tiền phạt của tội phạm hoặc thành lập một quỹ nhằm có kinh phí cho các nhóm "hiệp sĩ" hoạt động. 
Nên thành lập quỹ hoạt động cho nhóm "hiệp sĩ"
Đối với việc thành lập quỹ hoạt động cho nhóm “hiệp sĩ”, luật sư (LS) Nguyễn Hải Nam (thuộc Đoàn LS tỉnh Bình Phước) khẳng định, luật không cấm thì các tổ chức, đơn vị, công dân đều có thể làm. Tuy nhiên, việc thành lập quỹ cũng phải tuân thủ theo quy trình pháp luật. Đặc biệt, quỹ này sẽ hoạt động từ nguồn xã hội hóa chứ không được phép sử dụng tiền phạt của tội phạm. Bởi, như đã nêu ở trên, tiền phạt, tịch thu từ hoạt động xử phạt tội phạm, nguyên tắc là phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Bầu chọn
Theo bạn, có nên thành lập quỹ hoạt động cho "hiệp sĩ" bắt cướp?
LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cũng phân tích, hiện nay, theo Nghị định 91/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Thi đua khen thưởng cho phép: “Quỹ thi đua, khen thưởng được hình thành từ ngân sách nhà nước, từ quỹ khen thưởng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài và các nguồn thu hợp pháp khác”.
LS Trang nhấn mạnh, việc thành lập “quỹ phòng chống tội phạm” nhằm động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nên ủng hộ triển khai; một số địa phương đã áp dụng. Hơn nữa, việc đóng góp quỹ cũng dựa trên tinh thần tự nguyện của cá nhân, tổ chức nhưng chỉ nên áp dụng để khuyến khích người dân báo tin chính xác về tình hình tội phạm để lực lượng Công an chuyên trách kịp thời can thiệp và xử lý.
Trích thưởng cho hiệp sĩ phải lấy từ ngân sách
Đối với việc treo giải thưởng cho các "hiệp sĩ đường phố" bắt cướp, LS Nam phân tích, theo bộ luật Hình sự, phạt tiền, tịch thu tài sản là một hình phạt đối với một số loại tội phạm. Số tiền thu về từ nguồn này mỗi năm không nhỏ. Tuy nhiên, về nguyên tắc, tiền phạt, tài sản tịch thu... phải được nộp về ngân sách nhà nước.
"Mặc dù hiện nay luật chưa quy định về việc chi thưởng cho người dân tham gia phòng, chống tội phạm nhưng theo Quyết định 623/QĐ-TTg ngày 14.4.2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025, đã giao cho các bộ, ngành thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo đó, kinh phí thực hiện chương trình được trích từ ngân sách nhà nước theo phân cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác. Do vậy, việc trích ngân sách để chi thưởng cho người dân bắt cướp là không trái quy định pháp luật. Vấn đề là Bộ Công an và các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, việc trích thưởng cho công tác bắt cướp phải từ ngân sách chứ không thể lấy trực tiếp từ tiền phạt của tội phạm", LS Nam phân tích.
Ngoài ra, LS Nam cho rằng, việc treo thưởng dành cho mọi công dân chứ không chỉ cho nhóm "hiệp sĩ đường phố" bởi hiện nay chưa có văn bản luật nào quy định và công nhận chức danh "hiệp sĩ".
Còn LS Nguyễn Thị Minh Trang nói, bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng sẽ được xét khen thưởng theo quy định nếu đã có thành tích trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm được quy định trong luật Thi đua khen thưởng của Công an nhân dân.
Tuy nhiên, CLB "hiệp sĩ đường phố" chưa được đề cập rõ trong bất cứ văn bản pháp luật nào. CLB này không được tổ chức và xây dựng dựa trên các thủ tục cần thiết để đảm bảo tính hợp pháp của loại hình tổ chức quần chúng theo quy định của pháp luật để nâng cao vai trò, vị trí, trách nhiệm nghĩa vụ của những người tham gia. Vì vậy, LS Trang khẳng định, việc treo thưởng bắt cướp cụ thể cho từng vụ việc để các nhóm "hiệp sĩ đường phố" có thêm kinh phí hoạt động là khó khả thi vì thiếu cơ sở pháp lý. 
Mặt trái của CLB "hiệp sĩ đường phố"
LS Minh Trang còn nói đến mặt trái của việc các thành viên CLB "hiệp sĩ đường phố" bắt giữ người và thực hiện các hành vi khác nhằm khống chế đối tượng như: trói, chụp hình, đăng tin lên mạng là những việc làm không thuộc phạm vi chuyên trách của nhóm "hiệp sĩ đường phố". Những việc làm này, nhiều khi gây ra hậu quả xấu vì những hạn chế về mặt nghiệp vụ, kinh nghiệm cũng như phạm vi, đối tượng điều chỉnh của pháp luật mà có thể gây ra các hệ lụy khác cho xã hội…
"Pháp luật chỉ cho phép lực lượng Công an điều tra, xác minh có lệnh thi hành nhiệm vụ thì mới được khám xét và bắt các đối tường phạm tội. Trừ trường hợp bắt quả tang người phạm tội, pháp luật không cho phép người dân hoặc “hiệp sĩ” có quyền trực tiếp bắt người, khám người", LS Trang nhấn mạnh.
"Dưới góc nhìn pháp lý, Nhà nước xây dựng các lực lượng chuyên nghiệp, chuyên trách, cơ hữu có bề dày kinh nghiệm như: cảnh sát khu vực, cảnh sát hình sự, đặc nhiệm, bảo vệ khu phố, dân quân tự vệ, lực lượng phản ứng nhanh, cảnh sát 113... Còn các lực lượng khác và "hiệp sĩ", người dân chỉ đóng vai trò hỗ trợ tích cực khi có điều kiện phù hợp; không nên đặt nặng vai trò của "CLB hiệp sĩ" và vấn đề phát sinh kinh phí, khen thưởng khi hành lang pháp lý chưa có ràng buộc cụ thể trách nhiệm của họ cũng như chế độ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ", LS Trang nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.