Có nên thi vào ngành “hot”, làm sao để tăng cơ hội trúng tuyển ?

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
02/04/2022 06:00 GMT+7

Ở mỗi trường thường có một số ngành thu hút lượng lớn thí sinh tham gia xét tuyển, tỷ lệ chọi vì thế tăng cao. Đây được xem là những ngành “hot” . Vậy thí sinh có nên đăng ký vào những ngành này? Làm sao tăng cơ hội trúng tuyển?

Những thắc mắc này được giải đáp trên chuỗi chương trình Tư vấn mùa thi “Bí quyết trúng tuyển ĐH” của Báo Thanh Niên. Chương trình được phát sóng trên Đài phát thanh - truyền hình Đồng Nai, đồng thời phát sóng trực tuyến tại thanhnien.vn, Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên. Chương Trình do Vingroup tài trợ.

Các chuyên gia tư vấn cho thí sinh khi chọn ngành học “hot”

THANH HẢI

Những ngành được xem là “hot”

Những năm gần đây chúng ta từng chứng kiến không ít trường hợp có những thí sinh (TS) đạt tới 28, 29 điểm nhưng vẫn không thể đậu vào những ngành có điểm chuẩn cao. Một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra vì đây là những ngành “hot”, luôn thu hút một lượng hồ sơ đăng ký rất lớn từ TS.

Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, khi xã hội phát triển thì thường có một số ngành nghề hoặc lĩnh vực nào đó có nhu cầu cao nhằm đáp ứng sự phát triển theo xu hướng của thời đại. Từ việc gia tăng nguồn nhân lực này sẽ thu hút sự quan tâm của TS đến những ngành nghề nhất định khiến một số ngành học trở nên rất “hot” vào một thời điểm nhất định.

“Cùng một ngành nhưng sẽ có rất nhiều trường đào tạo, chất lượng và chương trình khác nhau, do vậy không phải điểm chuẩn của tất cả các trường cao giống nhau. Nếu các em thật sự muốn theo đuổi những ngành “hot” thì trước hết phải cân nhắc khả năng của mình để nộp hồ sơ đăng ký vào trường có điểm chuẩn tương đương với năng lực của mình, đừng đi vào những trường top trên vì có thể điểm chuẩn sẽ rất cao”, tiến sĩ Viên nhắn nhủ TS.

Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng lượng TS đổ dồn vào những ngành này quá nhiều khiến điểm chuẩn tăng, trong khi đầu ra có thể vượt quá nhu cầu của thị trường lao động. Do vậy, TS phải tính toán đến nhu cầu của ngành đó trong những năm sau. Các em có thể xem dự báo nguồn nhân lực của thị trường lao động. Ngoài ra việc chọn ngành học còn phải tính toán đến điều kiện kinh tế của gia đình, năng lực và sự phù hợp của mỗi người thay vì chạy theo thị hiếu của thị trường.

Thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thì cho rằng mỗi ngành có những lợi thế riêng. Ông khuyên, nếu TS quyết định đăng ký vào các ngành “hot” và thật sự thích nó thì phải đăng ký ngành đó là nguyện vọng 1. Vì với những ngành này thường điểm chuẩn đã cao, nếu bạn đăng ký ở nguyện vọng 2, 3, 4… điểm chuẩn sẽ càng cao hơn và rất khó có cơ hội trúng tuyển.

Còn thạc sĩ Trần Việt Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, khuyên TS, phụ huynh cần tránh lao vào những ngành “hot” vì nếu thi đậu vào nhưng không có năng lực thì các em sẽ rất khó khăn trong quá trình theo học lẫn làm việc sau này.

“Quan điểm của tôi thì ngành nào cũng “hot”, chúng ta có thể thấy khi kinh tế phát triển thì các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, công ty, doanh nghiệp… đều rất cần nhân lực ở tất cả ngành nghề. Khi sinh viên tốt nghiệp có năng lực, kỹ năng thì hoàn toàn tìm kiếm được những vị trí công việc tốt”, thạc sĩ Dũng nói.

Về ngành học cụ thể, thạc sĩ Đặng Thị Tuyết Nhi, Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho biết theo thống kê của Bộ GD-ĐT năm trước thì nhóm ngành kinh doanh, quản lý… là một trong những ngành được rất nhiều học sinh quan tâm, chiếm tới 1/3 lượng TS đăng ký. Con số đăng ký vào các ngành này gấp khoảng 10 lần chỉ tiêu của các trường.

Ngoài ra nhóm ngành về nhân văn, công nghệ thông tin, khoa học hành vi… cũng thu hút lượng lớn TS.

Cụ thể, như tại Trường CĐ Công thương TP.HCM năm vừa rồi một số ngành được TS đăng ký đông nên điểm chuẩn cũng cao hơn như: công nghệ kỹ thuật ô tô, dệt, quản trị khách sạn, cơ điện tử… Trong khi có một số ngành nhu cầu doanh nghiệp rất cao nhưng số lượng TS đăng ký lại ít.

Sẽ có nhiều thay đổi trong tuyển sinh năm nay ?

Cũng trong chương trình tư vấn trên Đài phát thanh - truyền hình Đồng Nai, các chuyên gia giáo dục đã mổ xẻ rất nhiều vấn đề liên quan những điểm mới trong việc xét tuyển ĐH, CĐ năm nay.

Cụ thể, tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết Bộ GD-ĐT đã có dự kiến về phương án tuyển sinh năm 2022. Về cơ bản là giữ ổn định nhưng vẫn có một số thay đổi như: ưu tiên triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào việc đăng ký và xét tuyển, TS có thể thực hiện hoàn toàn trực tuyến, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Đăng ký xét tuyển năm nay cơ bản sẽ tập trung vào một đợt bao gồm tất cả nguyện vọng xét tuyển của tất cả các ngành, phương thức của các trường. Và TS sẽ đăng ký nguyện vọng sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Tất cả nguyện vọng xét tuyển sẽ được thực hiện một lúc chung toàn quốc.

Mỗi ngành năm nay sẽ có một mã riêng, thậm chí có mã riêng cho từng phương thức khác nhau. Do vậy, TS khi đăng ký vào những ngành tương đối độc lập thì cần để ý đến mã ngành của từng phương thức khác nhau để tránh sai sót, nhầm lẫn…

Với dự kiến này, theo thạc sĩ Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, kỳ tuyển sinh năm nay sẽ có nhiều thay đổi. Ví dụ, nếu trước đây khi chưa thi tốt nghiệp, TS đã có kết quả xét tuyển của các hình thức xét học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực… nhưng năm nay thì thời gian công bố kết quả sẽ “quy về một mối” nên cả phía trường ĐH, CĐ lẫn TS phải tính toán lại.

Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, bổ sung thêm đây chỉ mới là dự thảo, đến tháng 5 Bộ mới ban hành quy chế tuyển sinh chính thức, TS cần theo dõi thêm.

Còn ở bậc CĐ, những năm qua việc tuyển sinh khá ổn nhưng theo tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nova, bậc CĐ sẽ có quy chế tuyển sinh riêng theo quy định của Bộ LĐ-TB-XH. Quy chế mới nhất được ban hành vào năm 2021 và có những quy định về đối tượng tuyển sinh. Do đó, bậc CĐ sẽ tuyển TS đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

Riêng số ngành đặc thù liên quan y dược, hàng không… sẽ có mức chuẩn đầu vào và những quy định riêng.

Tiến sĩ Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama, cũng cho biết việc tuyển sinh ở bậc học này có một số khác biệt. TS tốt nghiệp lớp 12 đã đủ điều kiện xét tuyển vào trường với rất nhiều nhóm ngành theo tiêu chuẩn quốc gia như: kỹ thuật điện, công nghệ hàn, cơ điện tử. Riêng 4 ngành theo tiêu chuẩn của Đức như: logistics (hàng không) như kỹ thuật bảo trì máy bay, cấu trúc máy bay… chỉ tiêu rất ít và yêu cầu đầu vào khá cao.

Ý KIẾN

Ảnh

Tiến sĩ Trần Thiện Lưu

TS khi đăng ký vào những ngành tương đối độc lập thì cần để ý đến mã ngành của từng phương thức khác nhau để tránh sai sót, nhầm lẫn...

ẢnhThạc sĩ Trần Hải Nam

Năm nay thì thời gian công bố kết quả sẽ “quy về một mối” nên cả phía trường ĐH, CĐ lẫn TS phải tính toán lại.

ẢnhTiến sĩ Trần Mạnh Thành

Quy chế mới nhất được ban hành vào năm 2021 và có những quy định về đối tượng tuyển sinh. Do đó, bậc CĐ sẽ tuyển TS đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

ẢnhTiến sĩ Lê Quang Trung

TS tốt nghiệp lớp 12 đã đủ điều kiện xét tuyển vào trường với rất nhiều nhóm ngành theo tiêu chuẩn quốc gia.

ẢnhThạc sĩ Trần Mạnh Thái

Kỳ tuyển sinh năm nay sẽ có nhiều thay đổi nhưng cũng chỉ mới là dự thảo, đến tháng 5 Bộ GD-ĐT mới ban hành quy chế tuyển sinh chính thức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.