Chúng tôi đã ghi nhận những ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm: Có nên tiếp tục đăng cai đại hội nữa hay không và giải pháp nào cho SEA Games 31 tại Việt Nam?
Sẽ nỗ lực tổ chức đại hội công bằng, thân thiện, tiết kiệm
Trung tuần tháng 4 vừa qua, trong cuộc làm việc, nghe chỉ đạo từ đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng (VH-GD-TN-TN-NĐ) của Quốc hội, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh việc chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, luôn được Bộ quan tâm. Việc đăng cai SEA Games 31 sẽ góp phần nâng cao vị thế, quảng bá cho hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Bộ VH-TT-DL đã luôn bám sát chủ trương của các cấp có thẩm quyền và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ cập nhật diễn biến của tình hình dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trên cơ sở đó tham mưu phù hợp cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về việc tổ chức SEA Games và Para Games phù hợp diễn biến của tình hình dịch bệnh ở nước ta và các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Ngày 18.5, Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đạo Cương (Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL) và được lãnh đạo ngành chia sẻ một số thông tin. Ông Cương khẳng định công tác chuẩn bị của Hà Nội và 11 địa phương lân cận vẫn đang được triển khai tích cực nhằm đảm bảo đúng tiến độ. Hiện tại, có khó khăn ở kinh phí do Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang xem xét. Tuy nhiên, những công việc liên quan các tiểu ban của BTC mà chưa cần dùng đến kinh phí vẫn đang được tiến hành như Tiểu ban Y tế, An ninh, Giao thông… Ông Cương nhấn mạnh: “Chủ trương của Chính phủ và của ngành thể thao là vẫn tổ chức hai đại hội như bình thường, các công việc của các tiểu ban sẽ cố gắng đảm bảo để không bị chậm trễ. Vấn đề khó khăn nữa là tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, mức độ lây lan cao, xuất hiện chủng mới. Vì thế trong hội nghị trưởng đoàn vào ngày 15.6, một trong những nội dung quan trọng là BTC sẽ nghe trình bày của các nước về sự chuẩn bị tập luyện, thi đấu của các VĐV cũng như tình hình dịch bệnh ở các quốc gia này. Từ đó, BTC sẽ xem xét, cân nhắc để báo cáo lên Chính phủ”.
Báo Thanh Niên đặt một câu hỏi khác: “Hiện tại, kinh phí tổ chức chưa được giải ngân và tình hình dịch bệnh lại đang rất phức tạp ở toàn Đông Nam Á. Vậy, có nên tính đến kịch bản xấu nhất là nguy cơ hoãn hoặc hủy SEA Games 31?”. Ông Hoàng Đạo Cương cho biết kịch bản chưa được đặt ra vì còn xem xét diễn tiến tiếp theo của dịch bệnh và phụ thuộc vào tình hình thực tế. Ngay đến Olympic Nhật Bản đến giờ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các đoàn tham dự Thế vận hội. Lãnh đạo Bộ nhấn mạnh: “Chủ trương của Chính phủ là tổ chức SEA Games 31, Para Games 11 với tinh thần bình đẳng, thân thiện, công bằng. Chủ trương là sẽ tiết kiệm tối đa, không xây mới cơ sở vật chất”.
Cần tỏ rõ thái độ để sớm tham mưu cho chính phủ
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 22 năm 2003 (cũng tổ chức tại Việt Nam), đã chia sẻ một số quan điểm: “SEA Games 31, Para Games 11 là dịp để các VĐV thể hiện khả năng, bản lĩnh, trình độ và việc Việt Nam đăng cai đại hội sẽ giúp chúng ta có cơ hội tôn vinh lá cờ Tổ quốc. Tuy nhiên, nhìn vào bối cảnh khách quan, trên thế giới dịch bệnh đang rất phức tạp, gây ra hậu quả nặng nề về mọi mặt, trong đó có kinh tế toàn cầu. Olympic 2020 đã phải hoãn sang năm 2021 và việc Thế vận hội vẫn dự kiến sẽ khởi tranh vào ngày 23.7 là một động thái mạo hiểm, khó có thể đáp ứng được các tiêu chí luôn có ở một đại hội thể thao tầm cỡ là các VĐV có cơ hội phô diễn được tất cả tài năng, tăng cường hữu nghị giữa các quốc gia. Với khó khăn từ đại dịch, liệu Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và BTC Tokyo sẽ kiểm soát quá trình tổ chức như thế nào, đặc biệt là khâu phòng chống dịch. Mới đây, IOC đã tiến hành họp báo tại Tokyo để trấn an dư luận là Thế vận hội sẽ được tổ chức thành công. Nhưng đã vấp phải sự phản ứng của hàng trăm nhà báo. Họ còn nêu khẩu hiệu: No Olympic, no anywhere - tức là Không Olympic, không ở đâu cả”.
Ông Nguyễn Hồng Minh tiếp tục nêu ý kiến, nhìn sang Việt Nam, SEA Games 31 đang được chuẩn bị trong bối cảnh dịch bệnh cũng phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước Đông Nam Á. Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam đang dồn sức chống dịch. Vì vậy, theo ông Minh, các cơ quan tham mưu cho Chính phủ cần có những hành động dũng cảm, cần tỏ rõ thái độ và giúp Chính phủ sớm đưa ra quyết định sáng suốt. Đặt vấn đề tổ chức SEA Games 31 vào lúc này là không hợp lý, không hợp lòng dân. Nên có hai phương án rõ ràng, nếu dịch bệnh tăng thì dừng SEA Games còn nếu dịch lui nhanh thì tiếp tục đăng cai nhưng đây chỉ là phương án dự phòng. Sẽ rất đáng tiếc vì các VĐV Việt Nam mất đi cơ hội thể hiện tài năng nhưng chúng ta phải chấp nhận.
Trở lại với cuộc họp quan trọng của đoàn giám sát Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ của Quốc hội với Bộ VH-TT-DL vào cuối tháng 4 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho rằng BTC SEA Games 31 cần phải lên các phương án phòng, chống dịch Covid-19, lên các kịch bản tổ chức 2 đại hội trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp như các phương án tổ chức có khán giả hay không có khán giả.
Vẫn chưa bàn được phương án phòng chống dịch
Một quan chức khác của ngành thể thao cho hay: “Hiện tại, trong số 12 địa phương phục vụ SEA Games 31, tình hình dịch bệnh đang phức tạp ở các mức độ khác nhau như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình. Còn về vấn đề tài chính, do tiền chưa được giải ngân nên nhiều công việc quan trọng, BTC bắt buộc vẫn phải tiến hành vì không làm sẽ không kịp. Tổng cục TDTT chỉ là cơ quan tham mưu về chuyên môn, không thể tự ý quyết định tổ chức hay không tổ chức SEA Games vì phải tuân thủ Ban Chỉ đạo quốc gia về đăng cai SEA Games. Là những người trực tiếp tham gia thực hiện các đầu việc ở các tiểu ban của BTC, chúng tôi vô cùng lo lắng là đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bàn được phương án phòng chống dịch bệnh như thế nào trong thời gian diễn ra hai đại hội”.
Cũng theo vị quan chức nói trên: “Việc đón tiếp hơn 10.000 người trong bối cảnh bình thường thì không có gì khó khăn nhưng nếu lúc đó dịch bệnh phức tạp thì sẽ thực hiện theo phương thức nào, cách ly số lượng đông đó ở đâu, có địa điểm phù hợp để các VĐV Đông Nam Á vào Việt Nam vừa cách ly vừa tập luyện được không? Kinh phí sẽ lấy từ nguồn nào vì đây chắc chắn sẽ là kinh phí phát sinh. Nếu cho họ cơ chế đặc biệt là hộ chiếu vắc xin thì có đảm bảo an toàn y tế tuyệt đối không? Khối lượng công việc khổng lồ, trong đó có những việc vô cùng quan trọng vì liên quan đến sinh mạng và an toàn sức khỏe con người, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến an nguy của cả dân tộc nếu không sớm lên kế hoạch thực hiện. Nhưng giải quyết thế nào, phương án cụ thể ra sao, chưa ai trong số chúng tôi có thể dám khẳng định vào lúc này”.
Băn khoăn cũng như nỗi bất an lớn của chính người trong cuộc, có lẽ cũng sẽ là mối quan tâm đặc biệt của người dân Việt Nam và đòi hỏi những người có trách nhiệm cần sớm có câu trả lời.
Chiều 18.5, Hội đồng thể thao Đông Nam Á (Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng vì đang là nước chủ nhà của SEA Games 31) đã tiến hành họp trực tuyến với đại diện các đoàn của khu vực. Hầu hết các nước đều bày tỏ nỗi lo lắng khi trình bày về tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng ngày càng phức tạp ở quốc gia mình và dù các VĐV của một số nước đã được tiêm vắc xin Covid-19 nhưng đó không phải là điều kiện an toàn y tế cao nhất. Các nước đã đề nghị Việt Nam nói rõ về các mốc thời gian để có sự chuẩn bị. Việt Nam đã thông báo, ngày 15.6 họp trưởng đoàn trực tuyến; ngày 23.7 hạn chót đăng ký số lượng; ngày 23.8 hạn chót đăng ký thẻ; ngày 8 - 12.11 hội nghị khẳng định; ngày 21.11 - 2.12 diễn ra đại hội.
Một số nước cũng đề nghị Việt Nam cho biết đại hội sẽ được tổ chức như thế nào. Đại diện của Việt Nam mới chỉ cho biết chung chung là nước chủ nhà sẽ tuân thủ theo hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam.
|
Bình luận (0)