Đại biểu Mai Thị Phương Hoa nêu nhiều lo ngại về thực thi công vụ trong phòng chống dịch Covid-19 |
gia hân |
Thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội tại Quốc hội sáng nay 8.11, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã dành nhiều thời lượng trong bài phát biểu của mình đề cập đến việc thực thi công vụ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.
Theo bà Hoa, đến thời điểm này, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát đợt dịch Covid -19 bùng phát lần thứ 4.
Trong bối cảnh chưa từng có trong lịch sử, Quốc hội đã chủ động, khẩn trương ban hành nhiều nghị quyết cho phép Chính phủ áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch thuộc thẩm quyền Quốc hội hoặc chưa được luật quy định.
“Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, đồng thời, thể hiện dù tình thế cấp thiết đến mấy, tinh thần nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật vẫn luôn được đề cao”, bà Hoa nói.
Tuy nhiên, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được cát cứ, chia cắt, nhưng tại một số thời điểm, vì quá lo lắng cho địa phương mình, có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp như: đặt ra những loại giấy tờ không phù hợp để đi qua các chốt kiểm soát; chưa tạo điều kiện cho người dân từ các thành phố lớn, khu công nghiệp được về quê tránh dịch….
Trong khi lãnh đạo Chính phủ sát sao chỉ đạo, bám sát địa bàn thì một bộ phận cán bộ cơ sở còn lơ là, chưa sâu sát, còn chủ quan, bị động trong phòng, chống dịch.
“Đây có thể là căn bệnh trầm kha ở một số nơi, nhưng đến thời kỳ dịch bệnh càng bộc lộ rõ hơn”, bà Hoa nói, và chỉ ra nhiều trường hợp minh chứng. Theo bà Hoa, một số cán bộ địa phương đã có hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch như đi đánh golf trong thời gian giãn cách xã hội, khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực; có trường hợp xô xát giữa cán bộ với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm; hoặc có trường hợp cán bộ thi hành công vụ còn xa rời thực tế, chưa bám sát nhu cầu của người dân, như việc coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu…
Bên cạnh đó, theo bà Hoa, còn có nơi còn quá cứng nhắc, thô bạo, lạm quyền trong cách hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận, như việc một số cán bộ địa phương vào nhà dân, bắt ép 1 người phụ nữ làm xét nghiệm Covid-19.
“Những trường hợp nêu trên tuy không phải là phổ biến nhưng đã tạo hình ảnh phản cảm, làm mất uy tín chính quyền. Vừa qua, tôi được biết, nhiều tỉnh, thành phố đã có những xử lý đối với cán bộ vi phạm. Tôi cho rằng đây là việc làm đúng đắn, bởi muốn người dân chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch thì trước hết cán bộ phải nêu gương, nghiêm túc chấp hành trước; nếu có sai phạm thì cũng phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, đại biểu Hoa nói.
Vẫn theo đại biểu này, từ những câu chuyên về thực thi công vụ nêu trên, cần rút ra những bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, bất cứ việc gì thì cũng cần tạo sự đồng thuận của người dân, nếu người dân chưa hiểu thì cần giải thích, vận động, tuyên truyền, thuyết phục. Và trong những tình thế cấp thiết, khi vi phạm đến mức nghiêm trọng hơn thì đã có biện pháp hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Chính quyền cơ sở cần tuyệt đối tránh việc hành xử theo cảm tính, bất chấp quy định của pháp luật.
Thứ hai là khi đưa ra quyết sách, biện pháp gì thì phải cân nhắc việc bảo đảm sức khỏe, tính mạng và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân lên trên hết, trước hết.
Thứ ba, khi chính quyền đã đưa ra quyết sách đúng, vì lợi ích chung, hợp lòng dân thì dân luôn ủng hộ và chấp hành, kể cả những việc khó khăn, gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày của họ.
Bình luận (0)