Hãy chủ động cười, chào, làm quen với thầy cô giám thị
Trong chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề "Biến áp lực thành động lực mùa thi", chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn kỹ năng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho biết bản thân đã làm giám thị suốt 15 năm qua, và đã từng được nghe phong thanh rằng thí sinh khá lo lắng với những người có chức danh là "giám thị coi thi".
Chị Thảo cho biết: "Chuyện giám thị có đáng sợ hay không là do bản thân mỗi thí sinh tự đón nhận. Cũng giám thị đó nhưng có bạn cảm thấy rất sợ hãi và cảm giác lúc nào cũng nhìn chằm chằm riêng mình. Nhưng thật ra thầy cô giám thị nhìn cả phòng chứ không nhìn riêng một cá nhân nào đó. Lại có những bạn cảm thấy giám thị dễ thương thoải mái, mạnh dạn trò chuyện trao đổi với giám thị trước khi vào giờ làm bài thi".
Để xua đi nỗi lo "giám thị đáng sợ", chị Thảo khuyên thí sinh cần tạo ra cảm giác thân quen. Đó là tận dụng khoảng thời gian chờ đề thi, có thể chào giám thị, cười với giám thị, hoặc mạnh dạn giới thiệu quê quán của mình và hỏi giám thị quê ở đâu?
"Thí sinh được phép hỏi những câu nhỏ nhẹ với giám thị vào trước giờ thi. Nhờ vậy sẽ giúp thí sinh có cảm giác thân quen, sẽ nhận ra giám thị là người đồng hành, hỗ trợ thí sinh tốt nhất có thể, hỗ trợ hết mình cho thí sinh, như: có khó khăn gì không, sức khỏe có tốt không, có quên gì không, có quên đánh số thứ tự hay thông tin gì trong bài thi…", chị Thảo nói.
Theo chị Thảo, nhiệm vụ của giám thị không phải làm khó khăn cho thí sinh mà là hỗ trợ hết mình cho thí sinh. Vì thế, thí sinh hãy xem những giám thị trong phòng thi là những người bạn lớn sẵn sàng giúp đỡ mình. Hãy chủ động cười, chào, làm quen với thầy cô giám thị để có cảm giác thân quen và dễ chịu nhất.
Thi xong có nên dò đáp án?
Lê Ngô Sơ Ni, thủ khoa Trường ĐH Giao thông vận tải phân hiệu TP.HCM năm 2022 cho rằng trong trường hợp thi hai môn liền nhau, lỡ thi môn đầu không tốt, muốn lấy lại tinh thần để "chiến" tiếp môn sau là không hề khó.
"Để ổn định lại cảm xúc, có thể ra nhà vệ sinh rửa mặt, đi dạo để phân tán sự chú ý về bài thi trước, cũng như uống nước để lấy lại bình tĩnh", Sơ Ni hướng dẫn.
Theo Sơ Ni, nếu hai môn thi cách nhau một ngày thì dễ bị suy nghĩ về môn thi trước nhiều hơn. Trong trường hợp này, Sơ Ni cho rằng gia đình là yếu tố vô cùng quan trọng. Khi bố mẹ hiểu con, luôn đồng hành, chăm lo, chia sẻ, ủng hộ. Bố mẹ thường hỏi "hôm nay có làm bài được không" thì sẽ trả lời thật là "con không làm được". Lúc đó bố mẹ nói những câu an ủi với con kiểu "không sao cả", "thôi bây giờ đi ăn đi"... thì những lo lắng về bài thi chưa tốt sẽ giảm đi rất nhiều và dễ tan biến hơn, cũng như có thêm sức mạnh để thi tốt môn tiếp theo.
Nguyễn Thị Thanh Bình, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2021 kể bản thân từng là "người trong cuộc". Đó là lần thi môn vật lý, vì không biết vài câu cuối nên đã… đánh lụi. Thế là trong lòng rất hoang mang và lo lắng cho môn tiếp theo.
Thanh Bình khuyên: "Nếu lúc đó chúng ta đã vào phòng thi môn tiếp theo rồi, mà vẫn còn cảm giác lo sợ này thì nên đi ra nhà vệ sinh, rửa tay, sau đó vào lại phòng thi và uống nước, tập hít thở. Bên cạnh đó, hãy thử viết những cảm xúc của mình lúc đó ra tờ giấy nháp. Chẳng hạn như viết ra giấy: mình đâu còn sự lựa chọn nào khác hơn ngoài việc tập trung làm bài hết sức. Vì lúc đã vào phòng thi không có ai để tâm sự, nên mình giải tỏa bằng việc viết ra cảm xúc của mình".
Theo chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo, đối với văn hóa của người Việt thì việc thi cử của con cái rất quan trọng. Ở tuổi 18 tuy không phải còn quá bé nhưng cũng chưa đủ độ chín chắn, bản lĩnh để giải quyết tất cả cảm xúc đã và đang gánh vác trên vai. Nếu sự lo lắng của phụ huynh quá nhiều và thiếu tinh tế sẽ giống như việc góp thêm viên đá nặng trên vai của con mình.
Vì lẽ đó, phụ huynh hãy đứng ở vai trò đồng hành và hỗ trợ. Hãy cho con mình thấy rằng con thành công là điều tốt, nhưng cho dù các con có thất bại thì bố mẹ vẫn luôn đồng hành cùng con. Việc của mình là động viên, củng cố lại cho con niềm tin là bố mẹ mong mỏi con nỗ lực hết mình, nhưng kết quả chúng ta không thể nào kiểm soát được và cho dù kết quả có như thế nào bố mẹ vẫn đồng hành cùng con để giải quyết những điều đó.
Và khi con cái biết rằng họ có điểm tựa, luôn có nơi để trở về và được đón nhận cho dù thành công hay thất bại thì áp lực về mặt tâm lý của con cái sẽ giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, bởi vì con cái đang rất áp lực với kiến thức, nên thường sẽ lơ là việc chăm sóc bản thân, chính vì vậy phụ huynh hãy đồng hành, chăm lo cho con về sức khỏe, tinh thần một cách tinh tế. Việc động viên đúng hướng sẽ tiếp cho con thêm đôi cánh, sự động viên không đúng cách sẽ làm cho con cái bị nhấn chìm sâu hơn.
"Những câu nói như: "con nhắm con thi được không?", "sao không chịu học vậy?... rõ ràng bố mẹ rất thương con, nhưng tâm trạng các bạn ở giai đoạn này rất nhạy cảm, nên bố mẹ cần tránh những câu hỏi quan tâm như vậy. Thay vào đó, phụ huynh nên hỏi các câu như: "phát huy nha con", "chú ý ăn uống", "muốn ăn gì mẹ nấu", "cần gì ba lo", chị Thảo chia sẻ.
Một trong những trăn trở khác của thí sinh đó là thi xong có nên dò đáp án, có nên nói chuyện với bạn bè?
Nói về điều này, Sơ Ni cho biết bản thân là người thuộc tuýp người tò mò nên thường dò đáp án. Theo Sơ Ni, việc dò đáp án là để cảm giác làm được bao nhiêu phần trăm, từ đó nỗ lực hơn, ôn kỹ hơn cho môn thi tiếp theo. Vì xét tuyển 3 môn, nếu cảm giác điểm môn thi trước chưa tốt thì cần cố gắng hơn nữa để đạt điểm cao hơn cho 2 môn sau, bù đắp vào số điểm thiếu hụt của môn thi chưa tốt. Nữ sinh này cũng cho rằng việc nói chuyện với bạn bè sẽ giúp bản thân thoải mái hơn, cũng là cách giúp giải tỏa tâm trạng sau thi.
Còn Thanh Bình thì cho rằng cần lựa chọn nguồn gốc của đáp án để dò. "Nếu chúng ta dò đáp án với bạn bè thì không nên, dò trên mạng ở những trang không chính thống thì cũng không an tâm, và nếu dò xong thấy sai thì chúng ta sẽ mất tự tin, hoang mang. Chính vì thế, "làm lơ" là tốt nhất. Thay vào đó, hãy về nhà tập trung cho môn tiếp theo, như vậy hiệu quả hơn rất là nhiều".
Bình luận (0)