Cổ phiếu dệt may ‘nổi sóng’

Mai Phương
Mai Phương
19/09/2018 10:51 GMT+7

Nhiều dự báo lạc quan về triển vọng kinh doanh của ngành dệt may được đưa ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài khiến nhà đầu tư rót tiền với cổ phiếu này.

Sáng nay 19.9, mở cửa thị trường chứng khoán, các cổ phiếu dệt may đều tăng khá mạnh như TCM của Công ty Dệt may-Đầu tư-Thương mại Thành Công tiếp tục tăng thêm 1.000 đồng, lên 30.800 đồng/cổ phiếu; GIL của Công ty Sản xuất Kinh doanh XNK Bình Thạnh tăng 1.600 đồng lên 41.100 đồng/cổ phiếu, VGT của Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhanh chóng tăng trần lên 12.800 đồng/cổ phiếu; VGG của Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến đang tăng hơn 6% lên 59.000 đồng/cổ phiếu hay TNG tiếp tục tăng trần lên 15.400 đồng/cổ phiếu,… Hầu hết khối lượng giao dịch ở những cổ phiếu này đều tăng mạnh gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với các phiên tuần trước.
Việc “nổi sóng” của cổ phiếu nhóm ngành dệt may đã diễn ra trong phiên trước đó khi thông tin Mỹ chính thức áp thêm thuế lên 200 tỉ USD hàng Trung Quốc. Cùng lúc đó, Báo cáo “Toàn cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung" của Công ty Chứng khoán Bảo Việt công bố cũng nhận định ngành dệt may là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại. Ví dụ ở nhóm hàng đồ chơi và dụng cụ thể thao, năm 2017, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 1,24 tỉ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt 434 triệu USD. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là cơ hội để các đơn hàng chuyển dần sang Việt Nam, qua đó giúp VN thu hút thêm nhiều vốn FDI, tăng XK và tạo thêm việc làm…
Bên cạnh đó, thông tin Việt Nam sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại kỳ họp cuối năm diễn ra vào tháng 10 tới cũng được các nhà đầu tư cho rằng là tin tốt cho các doanh nghiệp dệt may. Bởi dù không có Mỹ thì Hiệp định này vẫn mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân là cơ hội cho xuất khẩu dệt may tăng tốc...
Đồng thời nhiều thông tin tốt về ngành này đã hỗ trợ giá cổ phiếu gia tăng mạnh như xuất khẩu từ đầu năm đến hết tháng 8 của ngành dệt may đã đạt 19,76 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 2,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước; các doanh nghiệp ngành này đều có mức tăng trưởng caonhư TNG sau 8 tháng tăng trưởng lợi nhuận 53%, GIL tăng trưởng lợi nhuận sau 6 tháng là 31%, VGT tăng 58,4%, …
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.