Cổ phiếu ngân hàng Hy Lạp tuột dốc không phanh

05/08/2015 08:19 GMT+7

(TNO) Cổ phiếu của các ngân hàng Hy Lạp tuột dốc không phanh trong 2 ngày đầu nước này mở cửa lại sàn giao dịch chứng khoán. Thậm chí hiện tại, giá trị của hãng Uber cũng cao gấp 5 lần giá trị toàn bộ ngân hàng Hy Lạp cộng lại.

(TNO) Cổ phiếu của các ngân hàng Hy Lạp tuột dốc không phanh trong 2 ngày đầu nước này mở cửa lại sàn giao dịch chứng khoán. Thậm chí hiện tại, giá trị của hãng Uber cao gấp 5 lần giá trị toàn bộ ngân hàng Hy Lạp cộng lại.

Giá cổ phiếu các ngân hàng Hy Lạp lao dốc không phanh - Ảnh: AFP
Theo CNN, hôm 3.8 - ngày đầu tiên sàn giao dịch chứng khoán Athens (Hy Lạp) hoạt động trở lại sau hơn một tháng đóng cửa, cổ phiếu 4 ngân hàng lớn nhất nước này lao dốc đến 30%. 4 cái tên đó là Piraeus, Alpha Bank, Eurobank và Ngân hàng quốc gia Hy Lạp.
Trong phiên giao dịch hôm 4.8, tình hình vẫn không khả quan hơn. Giá cổ phiếu lao dốc khiến các ngân hàng nước này như vô giá trị. Hiện tại, giá trị thị trường của cả 4 nhà băng lớn nhất Hy Lạp chỉ hơn 9 tỉ EUR, tương đương 9,9 tỉ USD.
Với con số trên, 4 ông lớn ngành ngân hàng Hy Lạp chỉ bằng 1/5 giá trị ước tính của hãng quản lý ứng dụng gọi taxi Uber, và chưa bằng một nửa giá trị ước tính của công ty quản lý trang web thuê phòng trực tuyến Airbnb.
Cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất Hy Lạp đã tuột dốc trong vòng một năm qua, trước khi lao thẳng đứng vào hôm 3.8. Cổ phiếu của Piraeus giảm giá 97% trong 5 năm qua, còn Eurobank thì sụt đến 99,8%.
Các nhà đầu tư đang vật lộn để thoát khỏi việc nắm giữ cổ phiếu ngân hàng. Họ e ngại về quá trình tái cấp vốn ngân hàng - một trong các yêu cầu đi kèm gói cứu trợ quốc tế thứ ba dành cho Hy Lạp.
Người Hy Lạp hầu như có rất ít niềm tin vào hệ thống tài chính đất nước. Những người tiết kiệm tiền hoảng sợ rút hàng tỉ USD từ tài khoản của họ trong nửa đầu năm nay trước lo ngại Hy Lạp sẽ rời bỏ đồng tiền chung.
Ngân hàng Pireaus cho biết tiền gửi của họ đã giảm 28% trong 6 tháng đầu năm. Các nhà phân tích cho hay những nhà băng còn lại cũng đối mặt với luồng vốn chảy ra tương đương.
Hiện tại, luồng vốn chảy ra có vẻ đã ngừng lại, song cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt. Nhà băng Hy Lạp đang được “nuôi sống” bằng nguồn tiền mặt khẩn cấp từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Khả năng tài chính của họ cũng yếu đi vì các khoản nợ xấu gia tăng. Nhiều người đi vay không trả nợ nữa khi nền kinh tế trượt dài vào suy thoái.
Trong cuối quý đầu năm nay, cứ mỗi 3 khoản vay có một khoản quá hạn hơn 90 ngày, theo Ngân hàng Trung ương Hy Lạp. Giới phân tích thuộc ngân hàng Barclays cho hay tỷ lệ trên chỉ có tăng lên theo thời gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.