Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong mới đây ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Vẫn xảy ra một số vụ tham nhũng, tiêu cực lớn
Theo báo cáo, các cơ quan điều tra thuộc lực lượng công an nhân dân (CAND) đã thụ lý điều tra 1.347 vụ án/3.565 bị can phạm tội về tham nhũng.
Tổng tài sản thiệt hại tạm tính khoảng 4.586 tỉ đồng và 59.899 m2 đất; thu hồi, kê biên, tạm giữ khoảng 1.535 tỉ đồng và 45.303 m2 đất, hơn 2,6 triệu USD, 534 cây vàng SJC, 9 bất động sản, 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại…
Về công tác thu hồi tài sản, cơ quan chức năng đã thi hành xong 1.028 việc, tương ứng 8.436 tỉ đồng.
Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2023 cho thấy, số người đã được xác minh là 16.351 người. Trong đó, 8.884 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm nộp bản kê khai so với quy định...
19 người bị kết luận không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và bị xử lý kỷ luật (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức...).
Đáng chú ý, năm 2024 có 1 trường hợp nộp lại quà tặng (tại Khánh Hòa) với số tiền 3,6 triệu đồng; trong lực lượng CAND đã có 53 lượt cán bộ, chiến sĩ công an không nhận hối lộ với số tiền trên 58 triệu đồng.
Cũng trong kỳ báo cáo, 38 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng (14 người bị khiển trách, 13 người bị cảnh cáo, 11 người bị cách chức).
Ngoài các kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ nhận định việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc.
Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa thực chất; vẫn để xảy ra một số vụ tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận.
Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản có tranh chấp quyền sở hữu kéo dài hoặc chưa được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ về tình trạng pháp lý khi tiến hành kê biên, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án…
Truy bắt các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài
Vẫn theo báo cáo của Chính phủ, dự báo trong thời gian tới tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi.
Tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc dẫn đến cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục thực hiện kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, đẩy mạnh hơn nữa.
Chính phủ sẽ chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; khắc phục tệ "tham nhũng "vặt" và tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Cạnh đó là vận động đầu thú, truy bắt các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu, tương trợ tư pháp, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Bình luận (0)