Có thể giúp đỡ Campuchia chỉ có Việt Nam là duy nhất

Vũ Hân
Vũ Hân
04/01/2019 15:57 GMT+7

Sự giúp đỡ của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước Campuchia từ một quốc gia đắm chìm trong chiến tranh, khổ đau, điêu tàn trở thành một quốc gia có hòa bình trọn vẹn, phát triển trên mọi lĩnh vực và thống nhất đất nước.

Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay

Sáng 4.1, Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và UBND TP.Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7.1.1979 - 7.1.2019).
Buổi lễ trọng thể có sự tham dự của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam...
Đoàn đại biểu Campuchia do ông Tep Ngorn, Ủy viên thường trực Ban Thường vụ Ban Chấp hành T.Ư Đảng Nhân dân Campuchia, Phó chủ tịch Thượng viện Campuchia, Đoàn Chủ tịch danh dự Hội đồng quốc gia Mặt trận đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia, dẫn đầu cũng tham dự buổi lễ.
Đặc biệt, buổi lễ có sự hiện diện của hàng trăm cựu chiến binh, quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; thế hệ kế cận của 2 nước là các sinh viên Campuchia đang theo học tại Việt Nam và sinh viên Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ Ảnh Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu bài phát biểu tại sự kiện bằng cách nhắc lại truyền thống “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay” của dân tộc Việt Nam, ôn lại lịch sử quan hệ đoàn kết, kề vai sát cánh giữa Việt Nam - Campuchia của những lúc khó khăn hoạn nạn cũng như trong hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc.
“Ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Campuchia chưa kịp hưởng hòa bình lại rơi vào bi kịch lớn khi tập đoàn phản động Polpot đặt dân tộc Campuchia trước thảm họa diệt chủng khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử loài người”, sự kiện mà Trung đoàn trưởng Hunsen lúc đó đã nói “chúng ta chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng và ngồi chờ cái chết”. Không chỉ thế, Polpot còn đưa quân gây chiến ở biên giới Tây Nam Việt Nam, giết hàng vạn dân thường, phần lớn là cụ già, phụ nữ, trẻ em, đốt cháy hàng vạn ngôi nhà, tài sản của người dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu trong bài phát biểu tại buổi lễ.
Trong lúc nguy nan, khó khăn nhất của cách mạng Campuchia, cùng với nhiều người dân yêu nước Campuchia lúc đó, Trung đoàn trưởng Hunsen khi đó đã đặt niềm tin vào Việt Nam - “nước mà có khả năng giúp đỡ và có thể giúp đỡ chỉ có Việt Nam là duy nhất”. Quân và dân Việt Nam đã chia sẻ khó khăn, giúp đỡ, huấn luyện nhiều cán bộ Campuchia trở thành lực lượng nòng cốt và từng bước phối hợp với lực lượng nổi dậy trong nước đấu tranh chống Polpot.
[VIDEO] Đoàn cán bộ cấp cao Campuchia viếng nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ
Mặc dù còn chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của hơn 20 năm chiến tranh, nhưng theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng nhân dân Campuchia chiến đấu, giải phóng dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt chủng, khôi phục, xây dựng đất nước.
Đến ngày 7.1.1979, thủ đô Phnompenh đã được giải phóng, chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, đưa nhân dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Việt Nam góp phần vực dậy Campuchia từ chiến tranh, điêu tàn

Sau chiến thắng, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục cùng lực lượng vũ trang Campuchia truy quét tàn quân Polpot, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đất nước, phục hồi kinh tế Campuchia từ đống đổ nát. Cho đến tháng 6.1989, theo thỏa thuận giữa 2 bên, Việt Nam rút hết quân tình nguyện về nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang.
Ngày quân tình nguyện Việt Nam về nước, bài xã luận đăng trên báo Nhân dân của Campuchia đã viết: “Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới chế độ diệt chủng Polpot, trên thế giới có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân tộc ta mà thôi”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại, sau nhiều năm xét xử với hàng trăm ngàn tài liệu, chứng cứ, ngày 16.11.2018, phiên tòa bất thường trong hệ thống Tòa án của Campuchia dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc đã chính thức ra phán quyết các cựu thủ lĩnh của Polpot phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại.
Lãnh đạo hai nước Việt Nam - Campuchia tại buổi lễ Ảnh Quang Hiếu
Dù 40 năm đã trôi qua, phán quyết này đã trả lại công lý cho những nạn nhân vô tội bị tàn sát bởi bè lũ diệt chủng Polpot và một lần nữa khẳng định tính chính nghĩa và sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của quân tình nguyện Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Tep Ngorn cũng khẳng định đây là dịp rất có ý nghĩa để nhớ lại sự anh dũng, quả cảm của quân tình nguyện Việt Nam đã cùng Quân giải phóng Campuchia chiến đấu và chiến thắng chế độ diệt chủng Polpot - những người đã tàn sát chính nhân dân nước mình, phá hủy đến tận gốc rễ cơ sở hạ tầng của đất nước, bôi đen danh dự của đất nước trên trường quốc tế.
“Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội, Thượng viện, Chính phủ, Mặt trận và nhân dân Campuchia, một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất, đồng thời luôn ghi nhớ công ơn to lớn không thể nào quên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, quân đội và nhân dân Việt Nam anh em đã có những hy sinh to lớn để giải phóng và cứu tổ quốc, nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng tàn bạo, góp phần vào tiến trình tìm kiếm hòa bình cho đất nước Campuchia chúng tôi”, ông Tep Ngorn nói, và nhấn mạnh: “Thực tế, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn kịp thời và hiệu quả của Việt Nam đã góp phần đưa đất nước Campuchia phát triển từ một quốc gia đắm chìm trong chiến tranh, khổ đau, điêu tàn trở thành một quốc gia có hòa bình trọn vẹn, phát triển trên mọi lĩnh vực và thống nhất đất nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.