Không đợi đến kỳ họp Quốc hội
Hôm nay 1.7, theo quy định, đến kỳ điều hành giá xăng dầu của liên Bộ Công thương - Tài chính. Nhìn vào diễn biến giá thế giới, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore, dự báo giá xăng dầu chiều nay có thể giảm nhẹ từ 100 - 300 đồng/lít. Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước vẫn neo đỉnh cao nhất từ trước đến nay. Trong 2 tháng qua, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có đến 5 lần lập đỉnh.
Giá xăng dầu hết tháng 6 cao hơn 52% so cùng kỳ năm ngoái |
NGỌC DƯƠNG |
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt (hôm nay là lần thứ 17), tăng gần 52% so cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, giá xăng RON 95 từ đầu năm đến nay đã tăng 11.960 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diesel tăng 13.900 đồng/lít. Hiện xăng RON 95-V là 33.470 đồng/lít, xăng RON 95-III 32.870 đồng/lít, xăng E5 RON 92 31.300 đồng/lít. Tại các tỉnh thành không xa cảng, vùng sâu xa, giá xăng RON-III là 33.520 đồng. Giá xăng dầu tăng cao là một trong những nguyên nhân chính kéo chi phí đầu vào của doanh nghiệp (DN) tăng mạnh. Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá nguyên - nhiên - vật liệu dùng cho sản xuất tăng mạnh 6,04% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, đến hôm qua 30.6, Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu. Đề xuất này nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, DN phục hồi và phát triển kinh tế. Trước đó, Bộ này cũng đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31.12.2022 và giải pháp điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu theo tối huệ quốc MFN từ 20% xuống 12%.
Đề xuất giảm thuế TTĐB đối với xăng và giảm thuế VAT với xăng dầu của Bộ Tài chính được các chuyên gia cho rằng hoàn toàn hợp lý, nhưng “quá muộn”. Bởi theo quy định, sau khi nhận báo cáo đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ phải đợi đến kỳ họp Quốc hội diễn ra tháng 10 tới mới trình được. Nếu được Quốc hội thông qua, đến tháng 11.2022, tức 5 tháng nữa, việc giảm thuế đánh vào xăng dầu mới có hiệu lực.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận xét: Người dân và doanh nghiệp ngóng xăng dầu giảm giá cả mấy tháng qua. Nếu cứ theo quy định thuế thuộc thẩm quyền Quốc hội, mà kỳ họp tới phải chờ đến tháng 10 mới quyết thì chậm quá. “Lúc này cần công tác điều hành cấp bách, nếu làm chậm theo quy trình cũ là không ổn. Giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” thì Quốc hội cũng có thể tạm giao quyền điều hành thuế xăng dầu cho Chính phủ để có quyết định sớm hơn”, ông Phú đề xuất.
Nên có quyết sách khẩn
Bộ Tài chính ước tính, nếu nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường được ban hành trong tháng 7 này, có hiệu lực từ ngày 1.8 tới đây thì ước giảm thu ngân sách nhà nước cả năm này là khoảng 20.305 tỉ đồng. Theo tính toán, hiện 1 lít xăng RON 95-III đang cõng gần 10.000 đồng tiền thuế, cộng với các khoản phí khác lên hơn 11.200 đồng.
Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, dẫn số thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm đạt con số ấn tượng là 932.900 tỉ đồng, bằng 66,1% chỉ tiêu thu của cả năm và tăng 18,8% so cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế ở mức lạc quan là 6,42%.
Không nên bỏ lỡ cơ hội bình ổn giá cả lúc này
TS Trần Hoàng Ngân nhận định: Kinh tế vĩ mô đang phục hồi khá tốt, phải giữ ổn định vĩ mô. Muốn vậy, không nên bỏ lỡ cơ hội bình ổn giá cả lúc này. Nếu chậm, lạm phát có thể lên trên 5%. Vấn đề của chỉ số giá tiêu dùng CPI mà chúng ta hay đề cập tăng, đẩy lạm phát tăng mới chỉ phản ánh một phần trong bức tranh kinh tế. CPI chưa nói hết mọi chi phí của xã hội, mới chỉ là rổ hàng hóa với hơn 750 mặt hàng. Trong khi chi phí của doanh nghiệp, của từng hộ gia đình nhiều thứ lắm. Sống đâu có phải chỉ có ăn uống, vui chơi. Trong dịp tiếp xúc cử tri, đề tài mà đại biểu Quốc hội nghe người dân ca thán nhất vẫn là giá cả, chi phí. Nguyên nhân xuất phát từ giá xăng dầu tăng quá nhanh.
“Ngân sách hiện đang bội thu hơn 219.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tăng trưởng GDP cao, tạo dư địa tài chính rất tốt. Điều này thể hiện nền kinh tế đang có những bước phục hồi khả quan. Có thể đó là cơ sở để Bộ Tài chính nay mạnh dạn đề xuất giảm một số sắc thuế đánh vào giá xăng, dầu. Tuy nhiên, có một thực tế tăng trưởng tốt, nhưng DN đang vô cùng khó khăn do chi phí đầu vào tăng nhiều quá. Quốc hội các nước đều xem xét giảm các loại thuế đánh vào giá xăng. VN không thể chậm hơn nữa, cần phải cắt giảm ngay. Trước mắt là thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho giảm thuế bảo vệ môi trường càng sớm càng tốt theo đề xuất trước đây của Chính phủ. Đồng thời, Quốc hội cần thiết tổ chức cuộc họp bất thường qua hình thức trực tuyến ngắn ngày sau khi có đề xuất của Chính phủ về giảm thuế VAT với xăng dầu và thuế TTĐB với xăng để thông qua, không nên chờ đến tháng 10. Đầu năm nay Quốc hội cũng đã có cuộc họp bất thường để giải quyết và ra Nghị quyết liên quan chính sách tiền tệ, tài khóa, hỗ trợ phục hồi kinh tế”, ông Ngân phân tích.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng: Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ thường bàn thảo, giải quyết những vấn đề không thuộc dạng cấp bách, khẩn. Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu ổn định vĩ mô rất quan trọng. Chúng ta đang làm được điều đó, thế nhưng bão giá đã nổi lên rồi, đừng để cho nó mạnh hơn, càn quét ngấm đến từng ngóc ngách trong mỗi gia đình. Phải có cách để khiến cơn bão này suy yếu đi. Chính phủ có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết trước, rồi báo cáo Quốc hội sau. Bên cạnh đó, từ năm 2021 Quốc hội cũng đã có Nghị quyết trao quyền cho Chính phủ quyết một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó, quy định một số giải pháp miễn, giảm thuế. Chính phủ có thể “bám” vào quy định này để đề xuất hay quyết mạnh mẽ hơn.
Bình luận (0)