Đại biểu Quốc hội kiến nghị giảm ngay thuế xăng dầu trong kỳ họp

Anh Vũ
Anh Vũ
01/06/2022 17:47 GMT+7

Các đại biểu kiến nghị, ngay tại kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm thuế xăng , dầu để tránh “hiệu ứng domino” bão giá, kiềm chế lạm phát.

Tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội chiều 1.6, đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa), cho biết Chính phủ đang điều hành giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới.

Trong khi giá dầu trên thế giới dự báo sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao sẽ làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ và đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên cao…, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Giảm thuế là giải pháp có thể ghìm giá xăng dầu
ngọc thắng

Vừa qua, theo đại biểu Khoa, căn cứ quy định của luật Thuế bảo vệ môi trường và trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, hiện nay, mặt hàng xăng dầu đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và mức thuế suất này do Quốc hội quyết định.

“Để bảo đảm linh hoạt trong việc kiềm chế giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, kiềm chế lạm phát, tôi đề nghị ngay tại kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng trong năm 2022.

Tất nhiên, việc điều chỉnh giảm thuế có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước nhưng với giá dầu thô tăng cao, Việt Nam lại xuất khẩu dầu thô chúng ta có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này”, đại biểu Khoa đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa)
gia hân

Trước đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng đề xuất Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó quan trọng nhất là xăng dầu, vì giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến "hiệu ứng domino" các mặt hàng giá cả khác.

Bàn về lạm phát, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Phòng) cũng mong muốn Chính phủ và chính quyền các địa phương cần tập trung tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao bất hợp lý, đồng thời kiểm soát, hạ giá các dịch vụ công như xăng, dầu, điện nước.

Theo đại biểu Dung, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới. Thế nên, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng, về lâu dài, tính toán để giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng, dầu để giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài.

Đồng thời, đại biểu Dung cũng đề nghị khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm phụ thuộc nhập khẩu, chủ động hơn trong phần nguyên liệu đầu vào để giảm nguy cơ lạm phát; hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, gói tín dụng và việc cam kết duy trì đầu ra; thực hiện các hợp đồng thuê lao động bền vững hơn. Cũng nên đi kèm với những yêu cầu, điều kiện cụ thể về trách nhiệm để doanh nghiệp tham gia bình ổn giá. Có như thế, việc kiểm soát lạm phát mới có thể trụ vững trong bối cảnh bất ổn như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.