Cuộc xung đột với Nga kéo dài hơn 510 ngày qua đã biến Ukraine thành "quốc gia bị rải mìn nhiều nhất" trên thế giới, theo tờ The Washington Post ngày 22.7. "Số lượng mìn khổng lồ ở Ukraine là chưa từng có trong 30 năm qua", ông Greg Crowther, Giám đốc chương trình của Nhóm tư vấn bom mìn, tổ chức từ thiện của Anh hoạt động để rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ trên phạm vi quốc tế, nhận định.
Quy mô đáng kinh ngạc
Hiện có khoảng 30% diện tích Ukraine, tương đương hơn 173.500 km2, đối mặt với xung đột nghiêm trọng và sẽ cần các hoạt động dọn sạch mìn đầy nguy hiểm, tốn kém và mất nhiều thời gian, theo một báo cáo gần đây của GLOBSEC, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Slovakia.
Có thể mất 757 năm để dọn sạch bom, mìn chưa nổ tại Ukraine
Mặc dù khó có thể có những cuộc khảo sát chính xác trong lúc xung đột đang diễn ra, nhưng quy mô và mức độ tập trung của bom mìn khiến Ukraine bị ô nhiễm lớn hơn so với các quốc gia bị rải mìn nhiều khác như Afghanistan và Syria, theo The Washington Post.
Ngoài ra, HALO Trust, tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên rà phá bom mìn, đã theo dõi, sử dụng thông tin nguồn mở, và hơn 2.300 sự cố ở Ukraine mà bom mìn cần rà phá đã được phát hiện. Mặc dù các sự kiện được báo cáo rất ít và dữ liệu không bao gồm kết quả khảo sát trên thực địa của HALO Trust hoặc các tổ chức khác, nhưng dữ liệu đã cho thấy phần nào vấn đề mìn đầy nguy hiểm ở Ukraine.
Việc lực lượng Ukraine triển khai bom chùm do Mỹ cung cấp gần đây chỉ có thể làm tăng thêm mối nguy hiểm nói trên, theo The Washington Post. Đạn chùm có khả năng gây thương vong cao cho dân thường và đã bị hơn 100 quốc gia cấm.
Mối đe dọa với phản công của Ukraine đến từ "bên dưới" chứ không phải trên không
Tổn thất cho con người
Bom mìn đã gây ra thiệt hại nặng nề. Từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào ngày 24.2.2022, đến thời điểm này là tháng 7.2023, Liên Hiệp Quốc cho biết đã ghi nhận 298 dân thường thiệt mạng do chất nổ được sử dụng trong xung đột còn sót lại, và 632 dân thường bị thương.
Những người rà phá bom mìn dân sự được đào tạo chuyên sâu và sử dụng các thiết bị an toàn, nhưng họ không tránh khỏi những tai nạn thảm khốc khi thực hiện công việc rà phá bom mìn và vật liệu chưa nổ từ các vùng lãnh thổ mà quân đội Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát từ lực lượng Nga, theo The Washingon Post.
Anh Vladislav Sokolov, rà phá bom mìn cho cơ quan dịch vụ khẩn cấp của Ukraine, nói với The Washington Post rằng một trong những người bạn của anh đã bị mất một chân khi làm công việc rà phá mìn tại một bãi mìn trong thành phố Kramatorsk thuộc vùng Donetsk ở miền đông Ukraine vào năm 2022.
Bác sĩ quân y Ukraine Dmytro Mialkovskyi đã phẫu thuật các vết thương do mìn kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Hôm 21.7, tại một bệnh viện ở tỉnh Zaporizhzhia thuộc miền nam Ukraine, bác sĩ Mialkovskyi đã phải thực hiện một ca phẫu thuật để cứu sống một bệnh nhân vụ nổ mìn đang hấp hối vì vết thương.
Bác sĩ Mialkovskyi cho hay ông buộc phải nhanh chóng cắt cụt cả hai chân của bệnh nhân để mong cứu được người này. "Tôi vẫn không biết liệu ông ấy có sống sót hay không", bác sĩ Mialkovskyi cho hay.
'Nghĩa địa' xe Bradley quân Ukraine bỏ lại trên chiến trường
Sát thủ giấu mặt
Trong cuộc xung đột, cả Nga lẫn Ukraine đều sử dụng mìn. Nga đã rải mìn dày đặc ở tiền tuyến để đề phòng cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine, và đã sử dụng rất nhiều loại mìn sát thương bị cấm rộng rãi, theo The Washington Post.
Những quả mìn sát thương nhỏ, được kích hoạt bởi trọng lượng của cơ thể con người, không thể phân biệt giữa người chiến đấu và người không chiến đấu.
Bằng chứng cho thấy Ukraine cũng đã sử dụng ít nhất một loại mìn sát thương, mìn nổ PFM được triển khai bằng rốc két, xung quanh thành phố Izyum của Ukraine vào mùa hè năm 2022.
Mìn chống tăng, thường đòi hỏi trọng lượng rất lớn để phát nổ, không bị quốc tế cấm, dù bất kỳ thiết bị nổ nào mà dân thường có thể vô tình kích nổ đều có thể được coi là mìn sát thương theo Hiệp ước cấm mìn năm 1997 mà Ukraine là một bên tham gia. Nga cũng như Mỹ không tham gia hiệp ước này.
Mìn không phải là loại chất nổ duy nhất gây ra mối đe dọa. Súng cối, bom, đạn pháo, bom chùm và những thứ khác cũng trở thành mối nguy hiểm nếu chúng không phát nổ khi triển khai.
Thủ tướng Hun Sen: Sử dụng bom chùm Mỹ, "nạn nhân thật sự sẽ là người Ukraine"
Mất 757 năm mới rà hết mìn?
Hệ thống phòng thủ được cài mìn dày đặc của Nga, được xây dựng trong nhiều tháng dọc theo chiến tuyến, đang làm chậm lại cuộc phản công của Ukraine, gây thiệt hại cho xe tăng và xe chiến đấu bộ binh do phương Tây cung cấp.
Mặc dù các phương tiện rà phá bom mìn chuyên dụng đang được sử dụng, nhưng các quả mìn ở tiền tuyến tập trung nhiều đến mức những người lính chuyên dụng đã phải dọn đường bằng tay.
Các hoạt động dọn sạch mìn nhân đạo, nhằm trả lại đất đai cho người dân địa phương sau xung đột, diễn ra vô cùng chậm và tốn kém. Những hoạt động này đang được tiến hành trên khắp các vùng của Ukraine, bao gồm xung quanh thủ đô Kyiv và các khu vực khác ở phía tây chiến tuyến, nơi giao tranh đã lắng xuống.
Lãnh thổ bị nhiễm mìn ở Ukraine rộng lớn đến mức một số chuyên gia ước tính việc rà phá mìn mang tính nhân đạo sẽ khiến khoảng 500 đội rà phá bom mìn đang tiến hành công việc này phải mất 757 năm mới có thể hoàn thành, theo The Washington Post.
Các đội rà phá bom mìn sử dụng máy dò kim loại và đôi khi là chó đánh hơi chất nổ, đào bới mọi tín hiệu, không biết liệu họ sẽ phát hiện ra một cây đinh vô hại hay một quả mìn chết người.
Tổ chức GLOBSEC ước tính rằng một người rà phá bom mìn chỉ có thể rà phá từ 4,5-7,6 m2/ngày, tùy thuộc vào địa hình và mức tập trung của chất nổ.
Việc rà phá bom mìn không chỉ chậm mà còn rất tốn kém. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng việc rà phá bom mìn ở Ukraine, với chi phí từ 2-8 USD/m2, sẽ tiêu tốn 37,4 tỉ USD trong 10 năm tới, theo The Washington Post.
Bình luận (0)