Bởi theo công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Duy Chính về triều đại Quang Trung vừa được NXB Văn hóa - Văn nghệ phát hành, cụ thể trong quyển Giở lại một nghi án lịch sử Giả vương nhập cận - có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không, Nguyễn Duy Chính đã dựa trên nhiều nguồn tư liệu xác thực đương thời của cả hai bên, đặc biệt là văn thư trao đổi của các đại thần hai triều, những chỉ dụ của Quang Trung và Càn Long, để bác bỏ quan điểm: người dẫn đầu phái đoàn Đại Việt sang Trung Hoa vào năm 1790 là Quang Trung giả. Ông cho rằng chính vua Quang Trung mà nhà Thanh gọi là Nguyễn Quang Bình đã sang Bắc Kinh dự lễ bát tuần khánh thọ vua Càn Long; và việc một vị giả vương đóng thế Quang Trung là do cựu thần nhà Lê và các sử gia triều Nguyễn bịa đặt nhằm hạ thấp uy danh của Quang Trung cũng như triều đình Tây Sơn trong mối quan hệ với triều đình Đại Thanh. Điều này khác hẳn với những gì lịch sử đã ghi chép về Quang Trung và triều đại Tây Sơn.
Có mặt tại buổi giao lưu, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã phản bác lập luận của TS Nguyễn Duy Chính, bảo vệ quan điểm người sang Trung Hoa khi ấy là Quang Trung giả. Ông đưa ra quan điểm rằng với tình hình lịch sử, xã hội khi đó, Quang Trung không thể rời nước và dẫn theo phái đoàn văn võ hơn 150 người sang nhà Thanh thời gian dài như vậy.
TS Trần Đức Anh Sơn, người đã giới thiệu những bản thảo của Nguyễn Duy Chính với NXB Văn hóa - Văn nghệ, cũng cho biết khi ông đưa vấn đề “Quang Trung thật” như nghiên cứu của TS Nguyễn Duy Chính lên trang cá nhân của mình, nhiều nhà nghiên cứu, những người quan tâm lịch sử cũng đã bày tỏ quan điểm không đồng tình như ông Trần Đình Sơn.
Dù vậy, theo nhìn nhận của TS Trần Đức Anh Sơn, không chỉ riêng Giở lại một nghi án lịch sử Giả vương nhập cận - có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không, mà các tác phẩm đã phát hành của Nguyễn Duy Chính về triều đại Quang Trung, đã đưa ra những phân tích xác đáng, những sử liệu mới mẻ, làm sáng tỏ nhiều nghi án khác như việc cầu hôn công chúa nhà Thanh của Quang Trung…
TS Nguyễn Thị Hậu cũng cho rằng: “Với cách tiếp cận, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu để đưa ra những phân tích xác đáng, công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Duy Chính đã cung cấp cho người đọc những góc nhìn mới mẻ về triều đại Quang Trung”.
TS Nguyễn Duy Chính sinh năm 1948 tại Sơn Tây (Hà Nội), đang sinh sống ở Mỹ. Tuy là TS quản trị kinh doanh, song vốn đam mê nghiên cứu nên hơn 10 năm nay ông đã đầu tư khai thác được nhiều tư liệu quý bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là khối tư liệu đồ sộ từ kho tàng thư tịch Trung Hoa để thực hiện chương trình nghiên cứu về triều đại Quang Trung.
Với quan điểm “Mới lạ hơn không có nghĩa là có những chi tiết khác thường mà là soi sáng thêm cho vấn đề ở một khía cạnh khác”, những công trình nghiên cứu của Nguyễn Duy Chính đã chứa đựng trong đó khối lượng tài liệu lớn, khảo cứu công phu, phân tích sâu sắc, bao gồm: Thanh - Việt nghị hòa: Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung, Việt - Thanh chiến dịch, Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của vua Thanh Cao Tông, Đại Việt quốc thư, Núi xanh nay vẫn đó, Vó ngựa và cánh cung...
Bình luận (0)