'Cô tiên' đến với cụ ông vô gia cư: ‘Tôi là con gái kiếp trước của ông'

07/11/2020 13:50 GMT+7

“Ba ơi! Ba phải ăn để mau khỏe lại, khỏe lại để tìm gia đình rồi giới thiệu con là con nuôi của ba nhen” - lời nói ấy như tiếp thêm sức mạnh cho cụ ông vô gia cư đang cố vượt qua cửa tử ở bệnh viện.

Mạng xã hội những ngày qua lan truyền câu chuyện xúc động về 2 người phụ nữ tự nguyện chăm sóc một cụ ông bệnh nặng đang điều trị ở bệnh viện. Dân mạng gọi họ là hai "cô tiên" mang đến phép màu cho một người vô gia cư đang chiến đấu với tử thần.
Biết được hoàn cảnh của một cụ ông vô gia cư đang gặp nguy kịch nhưng không có thân nhân ở Bệnh viện Quận 9, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (38 tuổi, Q.9) và Nguyễn Thị Mỹ Châu (50 tuổi, Q.9) đã cùng nhau chăm sóc ông vượt qua những ngày khó khăn.

Chị Mỹ Hạnh động viên ông cụ để ông có thêm sức mạnh chiến đấu vượt qua bệnh tật.

ẢNH: CAO AN BIÊN

"Không dễ tìm được những người như họ trong cuộc sống"

Hay tin cụ ông không nhà cửa, không giấy tờ tùy thân, không người thân lại lâm bệnh nặng, chị Hạnh và chị Châu không ai rủ ai đã thay phiên nhau chăm sóc ông tại bệnh viện.
“Lần đầu thấy ông, tôi rất hoảng hốt vì tình trạng của ông rất tệ. Không chỉ bị suy kiệt, mắt đổ đầy rèn, thoi thóp, không còn tỉnh táo mà khắp người còn rất hôi thối. Tôi đã tắm rửa, thay quần áo cho ông cũng như nhờ chị Châu mua cháo và sữa cho ông”, chị Hạnh kể lại.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, chị Hạnh cho biết cả hai người chia nhau ra để chăm sóc cho cụ ông tại bệnh viện. Chị Hạnh phụ trách việc tắm rửa còn chị Châu giúp ông ăn uống. Cả hai đều phải đi làm nên không thể bên cạnh ông mọi lúc. Những lúc bận việc, họ nhờ người thân của những bệnh nhân trong phòng và các bác sĩ chăm sóc ông.
“Hai bà tiên” mang phép màu đến ông cụ vô gia cư suýt qua đời vì suy kiệt
Chị Hạnh kể: “Ông không có ai bên cạnh, mình là chỗ dựa duy nhất cho ông cụ rồi. Bản thân tôi không giúp ông thì ai giúp đây. Tôi xem mình như là đứa con gái kiếp trước của ông vậy, chăm sóc ông bằng tấm lòng của mình. Chỉ mong ông mau khỏe để có thể tìm được gia đình chứ nhìn ông khổ quá tôi thấy xót xa lắm”.
Chị Châu cho hay sau vài ngày điều trị, sức khỏe của cụ ông dần hồi phục. Tuy nhiên, cụ không thể tự đi lại và chăm sóc bản thân. Chị có hỏi thăm ông về gia cảnh, tuy nhiên ông vẫn chưa thể nói rành mạch.
“Ban đầu tôi còn tưởng họ là con gái của ông cụ, tuy nhiên khi biết được họ không có quan hệ ruột thịt mà vẫn giúp đỡ ông ấy, tôi thực sự xúc động. Họ chăm sóc ông chu đáo, tận tình như chính con gái chăm sóc bố vậy. Không dễ tìm được những người như họ trong cuộc sống này”, ông Nguyễn Văn Tư (67 tuổi, Q.9) đang chăm sóc người thân nằm cùng phòng với cụ ông chia sẻ.
“Hai bà tiên” mang phép màu đến ông cụ vô gia cư suýt qua đời vì suy kiệt

Cụ ông vô gia cư nhập viện trong tình trạng bệnh nặng.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Chị Trần Thị Mỹ Hạnh (30 tuổi) - điều dưỡng của Bệnh viện Quận 9 cho biết bản thân thực sự ngưỡng mộ lòng tốt của chị Hạnh và chị Châu. “Từ lúc làm điều dưỡng đến giờ, tôi hiếm gặp trường hợp nào như vậy. Cả hai người xa lạ đều chăm sóc ông cụ như chính người thân của mình khiến cho không chỉ tôi mà những bác sĩ ở đây đều cảm thấy ấm lòng”, chị tâm sự.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Thọ - bác sĩ khoa Nội tổng hợp, người trực tiếp điều trị cho cụ ông cho biết, ngày 30.10 ông được người dân đưa vào viện trong tình trạng sốt cao, suy kiệt, không có người thân. Sau khi chẩn đoán và thực hiện các xét nghiệm phát hiện bệnh nhân bị viêm phổi nặng, viêm đường ruột, hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy hiểm đến tính mạng. Hiện tại, tình hình của ông đã được ổn định, tuy nhiên nếu không được chăm sóc có thể bị phát bệnh trở lại và trầm trọng hơn.
“Hai bà tiên” mang phép màu đến ông cụ vô gia cư suýt qua đời vì suy kiệt

Nhiều người nhà bệnh nhân khác trong phòng bệnh cũng giúp đỡ hai chị chăm sóc cụ ông.

ẢNH: NVCC

"Tôi muốn sau này lập viện dưỡng lão"

Khi chia sẻ tình hình của cụ ông lên mạng xã hội vừa để kêu gọi mọi người giúp đỡ vừa để tìm thân nhân cho ông, chị Hạnh và chị Châu nhận được "mưa tim" từ cộng đồng mạng. “Tôi thấy thực sự ngạc nhiên vì hành động bình thường của mình lại nhận được những phản hồi tích cực từ mọi người. Tôi làm vì tôi nghĩ đó là trách nhiệm của mình và nó khiến trái tim tôi thanh thản”, chị Hạnh tâm sự.
Chị Châu kể chị đang cố gắng tìm người thân cho cụ. Ở trên mạng hễ nhóm nào có thông tin tìm người thân chị đều vào xem. Nhiều lần, có được một vài thông tin, chị vội vàng đến tận nơi để xác minh, tuy nhiên đều không chính xác.
“Tôi biết việc làm của mình như mò kim đáy bể. Tuy nhiên, dù có một chút hy vọng nhỏ nhoi tôi cũng cố gắng tìm. Chỉ mong sao ông tìm được về với gia đình”, chị tâm sự.
Chị Châu cho biết thêm chị đã vận động những nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ để cụ ông sớm được điều trị khỏi bệnh. Tính đến ngày 3.11, chị đã nhận được số tiền quyên góp gần 4 triệu đồng. Số tiền dùng để mua thức ăn, nước uống và quần áo cho cụ. Sau này nếu dư sẽ gửi lại cụ.
Với hai "cô tiên" Châu và Hạnh, niềm hạnh phúc trong cuộc sống là được giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nụ cười của họ là động lực để hai chị tiếp tục thực hiện những công việc thiện nguyện.
“Tôi đang cố gắng để sau này có thể thành lập một viện dưỡng lão để chăm sóc những cụ già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn. Họ là những người rất dễ bị tổn thương. Tôi tin đó là nơi họ có được hạnh phúc và bình yên những ngày cuối đời. Và tôi cũng sẽ có thêm nhiều cha mẹ”, chị Hạnh tâm sự.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Bùi Thu Trâm - Chủ tịch UBND P.Phước Bình, Q.9 cho biết hiện tại chưa thể xác minh được lý lịch và nhân thân của cụ ông, chỉ biết ông tên Lê Văn Tốt, quê ở Bến Tre. Tuy nhiên, phường cũng hỗ trợ thực hiện các thủ tục để ông được nhập viện điều trị cũng như hỗ trợ trong quá trình nằm viện của ông. Nếu sau khi lành bệnh vẫn không tìm ra người nhà, chính quyền địa phương sẽ đưa ông vào Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu để chăm sóc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.