Bỏ tiền nhàn rỗi vào kênh nào đang là câu hỏi khó của năm 2022 này.
Đất nền vẫn được nhiều nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn |
Đình Sơn |
Chứng khoán tăng nhưng khó kiếm lời
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua 4.1, VN-Index lập kỷ lục mới ở mức 1.525,58 điểm sau khi tăng 1,82%. Trong khi chốt năm vừa qua, chỉ số này đã tăng tổng cộng gần 36%, hơn gấp đôi mức tăng của cả năm 2020. Điều này đang khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) phấn khởi và có tâm lý lạc quan.
Là người chuyên về thị trường vàng bạc nhưng ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC - Phú Thọ, cũng cho rằng năm 2021, không chỉ thị trường chứng khoán (TTCK) VN tăng cao mà ngay cả thị trường Mỹ cũng lập kỷ lục như chỉ số Dow Jones tăng 19%, S&P 500 tăng hơn 27%. Trong năm nay, những tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế thế giới nói chung hay VN nói riêng sẽ giảm dần. Cùng với việc các quốc gia tiếp tục đưa ra những gói kích thích để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch nên TTCK vẫn có nhiều dư địa để tăng trưởng. Nhưng ông Hải cũng cho rằng VN-Index sẽ khó có mức tăng cao như năm vừa qua và không phải mọi cổ phiếu (CP) đều được hưởng lợi, nên sự lựa chọn tùy thuộc vào mỗi NĐT.
Tương tự, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cũng cho rằng kinh tế nói chung năm nay sẽ tốt hơn năm vừa qua là cơ sở để TTCK đi lên. Dù vậy, rất nhiều CP đã tăng quá cao. Lịch sử cho thấy bất kỳ tài sản nào tăng quá nóng thì sẽ có đợt điều chỉnh sâu. Vì thế, các NĐT cá nhân nếu năm nay mới bắt đầu tham gia thì nên chọn thời điểm thị trường có điều chỉnh, hạ nhiệt để xem xét mua vào sẽ giảm bớt rủi ro hơn là mua lúc VN-Index lên mức cao lịch sử; bởi không nhiều NĐT cá nhân là thích hợp với kênh đầu tư này vì đã có sự theo dõi, hiểu biết và chấp nhận những rủi ro nhất định do thị trường này có sự biến động khá cao.
Thị trường chứng khoán được đánh giá tiếp tục tăng trưởng |
Ngọc Thắng |
Tăng giá nhưng bất động sản khó có sóng?
Năm 2022 là năm của đầu tư công và nhiều ý kiến cho rằng bất động sản (BĐS) sẽ hưởng lợi từ việc này để tiếp tục gia tăng.
Theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực Hội Môi giới BĐS VN, thị trường BĐS sẽ tiếp tục sôi động do nhiều yếu tố và đất nền vẫn là lựa chọn đầu tiên, ưa thích của các NĐT. Trong tương lai, các dự án đất nền nằm trong những vùng trọng điểm quy hoạch theo chính sách của địa phương, tỉnh, thành phố càng được hưởng lợi, giá đất có thể tăng nhanh chóng. Tại phía Nam, đất nền Bình Dương, Long An, Đồng Nai sẽ có tính thanh khoản tốt, giá tăng. Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang được đánh giá cao nhờ mức giá tốt, tiềm năng tăng giá cao nhờ được sự hậu thuẫn lớn từ hạ tầng. “Nhu cầu hằng năm của thị trường với đất nền luôn rất cao và đây là phân khúc đứng đầu danh sách ưu tiên của các NĐT ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh. Cơn sốt của thị trường thời gian qua chỉ mang tính cục bộ, về cơ bản thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển lớn, nhất là tại những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh của hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao”, ông Đính phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA Vietnam, nhận định trong năm 2022, nếu tình hình không có những biến động nghiêm trọng về dịch bệnh, thị trường BĐS sẽ có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm 2021 cả về nguồn cung mới lẫn sức mua. Trong đó, đất nền các tỉnh giáp ranh, lân cận TP.HCM và các tỉnh, thành lớn vẫn là kênh ưu tiên hàng đầu, mặc dù có thể nguồn cung mới sẽ không bằng như những năm trước do nhiều địa phương đang rà soát và siết chặt lại việc phân lô bán nền. Căn hộ vẫn là phân khúc chủ đạo của thị trường BĐS nhà ở tại TP.HCM, Bình Dương; Đồng Nai và Long An, loại hình nhà gắn liền với đất (nhà phố/biệt thự/shophouse) là ngôi sao.
Ở một góc độ khác, TS Đinh Thế Hiển khuyến cáo năm nay không nên sử dụng vốn vay vì thanh khoản của BĐS có thể sẽ kém. Thế nên, BĐS chỉ có thể đầu tư được nhưng vì không có “sóng” nhiều nên khả năng tăng giá không nhiều. Nếu mua bằng tiền vay thì NĐT sẽ chịu gánh nặng này.
Không chịu được rủi ro, cứ gửi tiết kiệm
Theo ông Trần Thanh Hải, trong năm vừa qua, vàng miếng SJC đã đi ngược chiều với thế giới và đó là điều quá phi lý. Cụ thể, giá vàng thế giới cả năm 2021 sụt giảm hơn 7% nhưng vàng miếng trong nước tăng 9,4%. Nếu tính chung thì người mua vàng đã bị thiệt hại hơn 16%, trong khi nếu đầu tư CP thì đã lãi cao. Trong năm nay, ngân hàng trung ương của nhiều nước dự kiến nâng lãi suất và giảm gói kích thích kinh tế thì đồng USD sẽ lên giá, đẩy giá vàng đi xuống. Vì vậy, việc đầu tư vàng sẽ chứa nhiều rủi ro.
“Nhiều người cho rằng lạm phát có khả năng tăng cao, nhưng theo tôi, với các chính sách tài chính, tiền tệ thì Chính phủ sẽ không để chỉ số này tăng cao hơn 4%. Hay tỷ giá USD/VND cũng không thể biến động cao hơn 6%/năm và vàng cũng không có khả năng tăng cao lên trên 6,5%/năm trong năm mới. Vì vậy, gửi tiết kiệm là kênh dù thụ động nhưng bảo toàn vốn cho nhiều người dân và lãi suất vẫn thực dương khi so sánh với các chỉ số lạm phát, giá vàng hay tỷ giá ngoại tệ”.
“Chứng khoán và BĐS sẽ tiếp tục là kênh đầu tư sinh lời nếu NĐT có đủ tiền và trường vốn. Riêng với việc mua trái phiếu doanh nghiệp, năm qua cũng đạt lợi nhuận 2 con số nhưng phải cẩn thận. Khi muốn mua trái phiếu doanh nghiệp cần xem xét kỹ đơn vị phát hành, có ngân hàng bảo lãnh hay không, vốn huy động để làm gì và tài sản đảm bảo là nhà đất hay bằng CP”, ông Hải nói.
TS Đinh Thế Hiển cho rằng với NĐT không chịu được rủi ro thì vẫn nên tiếp tục lựa chọn bảo toàn vốn và gửi tiền vào ngân hàng. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm có thể giảm nhưng kỳ hạn 1 năm vẫn đang duy trì trên 6,5%. Nếu so với lạm phát, tỷ giá USD/VND và vàng thì lãi suất vẫn cao hơn.
Bình luận (0)