Có tiền rồi nhưng nhà đâu để mua?

22/02/2023 03:53 GMT+7

Chưa kịp mừng vì nhà ở xã hội, nhà ở hợp túi tiền sắp được dành cho một gói vay ưu đãi lớn, lên đến 330.000 tỉ đồng, thì người mua nhà lại giật mình tự hỏi, có tiền rồi nhưng nhà đâu để mua?

Nghe có vẻ vô lý, nhưng nhìn lại thì nỗi lo không có nhà ở xã hội (NOXH), nhà thương mại giá hợp lý để mua là hoàn toàn có thật. Bao lâu nay, chúng ta chẳng vẫn nói đến lệch pha cung - cầu, căn hộ cao cấp thì nhiều trong khi phân khúc nhà giá thấp, NOXH tìm đỏ mắt không thấy đấy thôi. Nghịch lý này càng khó hiểu hơn khi đây là loại hình nhà ở luôn được nhà nước chủ trương, khuyến khích, kêu gọi phát triển. Vậy thì "vì đâu nên nỗi"?

Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là do thiếu quỹ đất. Nhưng ngay trong cái sự thiếu này cũng tồn tại rất nhiều điều vô lý, bởi xét về mặt luật pháp, chúng ta có rất nhiều quy định tạo quỹ đất cho NOXH. Đơn cử như quy định tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ vào nhu cầu và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt để bố trí đủ quỹ đất dành cho phát triển NOXH. Nếu các địa phương đều thực hiện thì giờ đâu có thiếu, đâu lệch pha cung - cầu?

Chúng ta cũng có quy định dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên phải dành 20% diện tích đất ở để đầu tư xây dựng NOXH. Nhưng không ít doanh nghiệp (DN) "quên", cũng không ít chủ đầu tư thực hiện thì lại xin "quy" 20% quỹ đất đó ra tiền. Số tiền đó khi nộp được hòa vào ngân sách chung của địa phương rồi sử dụng cho mục đích khác mà không phải NOXH. Quỹ đất thiếu là vì vậy. Đất đã thiếu, thủ tục để đầu tư NOXH cũng nhiêu khê, phức tạp, thậm chí còn phiền hà hơn cả dự án nhà ở thương mại, trong khi lợi nhuận thấp. Đó là lý do đa số DN chẳng mặn mà...

Nếu nhìn từ tổng quan trên, nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến một chủ trương tốt đẹp, đầy tính nhân văn của nhà nước chưa thể đi vào cuộc sống chính là do sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền liên quan cũng như của chính quyền địa phương. Còn nhớ tại một hội nghị năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Xây dựng lập đề án xây dựng 1 triệu căn NOXH. Tại hội nghị đó, một loạt DN bất động sản (BĐS), trong đó có nhiều "ông lớn" ở phân khúc cao cấp, cũng cam kết tham gia với số lượng hàng trăm ngàn căn. Thế nhưng những vướng mắc mà họ gặp phải khi đi vào triển khai dự án thì vẫn còn nguyên, kêu tới kêu lui rồi khó lại hoàn khó. NOXH vì thế cứ luẩn quẩn trong nghịch lý, càng cần lại càng thiếu.

Trở lại với nghịch lý có tiền nhưng lo thiếu NOXH hiện tại, thực ra không chỉ người mua nhà lo. Bức tranh ngân sách tháng 1 của một số địa phương vừa hé lộ cho thấy BĐS nguy khó đang khiến nguồn thu chung sụt giảm mạnh. Nếu không "gỡ" cho NOXH, phân khúc được kỳ vọng sẽ "rã băng" cho cả thị trường nhờ gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỉ đồng mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố và gói 110.000 tỉ đồng mà Bộ Xây dựng đang trình... thì rất khó có khoản nào bù lại được. Hơn thập niên trước, gói ưu đãi lãi suất 30.000 tỉ đồng cho NOXH cũng từng giúp ấm lại thị trường BĐS, từ đó đưa nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Chủ trương có, quy định có, tiền cũng đã có...; phần còn lại phụ thuộc vào trách nhiệm và sự quyết liệt của chúng ta để không chỉ người thu nhập thấp, người nghèo, công nhân... có được chỗ an cư mà còn góp phần đưa thị trường BĐS vượt qua thời điểm bế tắc hiện nay. t

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.