Vậy nguyên nhân là gì? Có phải do sự phối hợp phức tạp ngoài mong muốn mà cơ quan chức năng không đủ khả năng xử lý? Hay do các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật và công cụ phần mềm "còn nhiều bất cập", "chưa đồng bộ" vượt quá điều kiện về nguồn lực của cơ quan chức năng? Hay là do sự lựa chọn về cách làm của từng cơ quan, đơn vị, nơi thì "sẵn lòng" triển khai thanh toán trực tuyến, nơi lại "dùng dằng" không nỡ rời bỏ một thói quen rất thuận tiện cho cơ quan hành chính trong triển khai cung cấp dịch vụ công cho người dân?...
Tại thời điểm này, có thể nói thẳng thắn với nhau rằng một lời giải thích kiểu "hạn chế về điều kiện kỹ thuật", hay "còn nhiều bất cập", "chưa đồng bộ" chỉ có thể là câu trả lời thể hiện sự trì trệ trong nhận thức về chất lượng dịch vụ công. Và cũng có thể không loại trừ chuyện ấy còn thể hiện cả những tính toán chưa thật sự trong sáng, vô tư trong triển khai mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
Nhưng dù là nguyên nhân nào, câu trả lời người dân mong muốn cũng là sớm khơi thông những điểm "tắc" để không còn cảnh hồ sơ thì làm trực tuyến, nhưng thanh toán lại phải "trực tiếp", hoặc lòng vòng chuyển khoản rồi gửi biên thanh toán tới địa chỉ yêu cầu… khi làm dịch vụ công. Bởi kiểu làm dịch vụ trực tuyến "nửa vời" vừa gây ức chế cho người dân, vừa không đảm bảo mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình mà Chính phủ đặt ra, với những quy định cụ thể tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Mà chẳng riêng chuyện dịch vụ công "tắc" ở khâu thanh toán trực tuyến đâu. Còn có những ách tắc khác rất lạ trên quy trình triển khai. Nào là lệch giờ, kiểu như 7 giờ 30 mở cửa bốc số thứ tự ở khu vực một cửa, còn đến 8 giờ mới mở cổng bốc số thứ tự trực tuyến. Thế thì bốc số trực tuyến cũng như không. Nào là khai biểu mẫu trực tuyến rồi in ra đem đi nộp… Những ách tắc này cũng đều rất cần phải sớm được gỡ bỏ, thông qua việc giao trách nhiệm cụ thể và đánh giá hiệu quả của cán bộ công chức, cơ quan, tổ chức liên quan một cách thực chất; gắn hiệu quả công việc với "sinh mạng chính trị" cán bộ công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức… Có như vậy, mới mong mục tiêu "quốc gia chuyển đổi số" chúng ta hướng tới sớm thành hiện thực.
Bình luận (0)