Tiến tới dịch vụ công 'không cửa'?

20/02/2023 08:15 GMT+7

Không chỉ cần kịp thời có công cụ thanh toán trực tuyến hữu ích, nhiều ý kiến cho rằng cần tiến tới dịch vụ công "không cửa" để tối ưu hóa dịch vụ công.

Năm 2023, TP.HCM chọn chủ đề năm là "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội". Trong buổi gặp gỡ kiều bào tiêu biểu dịp Tết Nguyên đán vào đầu tháng 1.2023, ông Lâm Việt Tùng, chuyên gia công nghệ, người VN ở Hà Lan, ủng hộ việc chuyển đổi số của TP.HCM, tiến tới dịch vụ công "không cửa" để có thể triệt tiêu phiền hà, nhũng nhiễu, tốn kém trong giải quyết thủ tục hành chính. Trong chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, 3 trụ cột được ưu tiên gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tiến tới dịch vụ công 'không cửa'? - Ảnh 1.

Công chức giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng UBND Q.3, TP.HCM

NHẬT THỊNH

Trao đổi với Thanh Niên, vị chuyên gia làm việc cho nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới này cho hay VN đang nói đến dịch vụ công "một cửa", nhưng cấp cao nhất của dịch vụ công chính là dịch vụ công "không cửa". Khi đó, các giao dịch của người dân, doanh nghiệp với chính quyền thực hiện trên môi trường mạng. Chính quyền cũng cần thay đổi tư duy phục vụ khách hàng chính là người dân và doanh nghiệp theo hướng nâng cao trải nghiệm, mang lại nhiều tiện ích.

"Muốn vậy, dịch vụ công phải tự nuôi sống được nó. Có nghĩa là phải có chi phí vận hành. Về mặt quản lý nhà nước, cần cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công việc này", ông Tùng phân tích. Chuyên gia này cho rằng TP.HCM cần có chiến lược cho chuyển đổi số, trong đó tính toán những dịch vụ công có nhiều người sử dụng để thu phí theo kiểu "trái cây gần đất hái trước". Đơn cử như giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là điều kiện tiên quyết của nhiều thủ tục, giao dịch về tài sản thì có thể giao cho doanh nghiệp làm.

Chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn nhìn nhận ý tưởng về dịch vụ công "không cửa" còn khá mới mẻ ở VN và sẽ đối mặt với nhiều rào cản về quy trình, thủ tục, đặc biệt là con dấu.

Theo ông Sơn, ở nhiều nước coi chữ ký có giá trị nhưng ở VN thì phải kèm theo con dấu. Mỗi con dấu gắn liền với cơ quan, tổ chức và cũng là địa chỉ trách nhiệm đối với văn bản, quyết định được ban hành. Khi chuyển sang dịch vụ công "không cửa", tức mọi giao dịch đều trên không gian mạng thì phải đảm bảo yếu tố pháp lý và bảo mật thông tin.

Đối với VN và TP.HCM nói riêng, ông Sơn cho rằng phải chờ một thời gian dài nữa, khi cơ quan nhà nước và người dân thích ứng đồng bộ với các giao dịch trên không gian mạng thì mới khả thi.

Tiến tới dịch vụ công 'không cửa'? - Ảnh 2.

Tiến tới dịch vụ công 'không cửa'? - Ảnh 3.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.