Có tình trạng ‘hoan hô nhưng chưa chào đón’ doanh nghiệp xanh

05/12/2023 16:08 GMT+7

Dù tăng trưởng xanh, sản xuất xanh là xu thế nhưng việc đầu tư còn gặp nhiều khó khăn do cách hiểu chưa thống nhất. Đó là thực tế mà nhiều doanh nghiệp gặp phải trong quá trình triển khai dự án, nhất là các dự án kinh tế tuần hoàn, tái chế tại một số địa phương.

Nghe tái chế vẫn e ngại

Tại Hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (5.12), ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tan Recycling), chia sẻ: Tăng trưởng xanh hay kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. "Bản thân doanh nghiệp chúng tôi tháng trước đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận doanh nghiệp tái chế công nghệ cao. Cụ thể là công nghệ bottle - to - bottle giúp 'biến' một cái chai đã qua sử dụng thành một chai mới chất lượng như chai ban đầu. Nhà máy của chúng tôi đảm bảo tiêu chí 3 không là không chất thải, không rác thải và không khí thải", ông Anh phát biểu.

Có tình trạng ‘hoan hô nhưng chưa chào đón’ doanh nghiệp xanh - Ảnh 1.

Ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển bền vững Công ty Nhựa tái chế Duy Tân (Duy Tan Recycling) chia sẻ tại hội thảo của Báo Thanh Niên

NHẬT THỊNH

Theo ông Anh, tái chế là ngành được khuyến khích, từ cộng đồng tới chủ trương của nhà nước rất hoan nghênh. Tuy nhiên, khi xuống các địa phương thì có tình trạng "không welcome - chào đón, thậm chí không cho vào và bảo là chưa có chủ trương, chưa có chính sách".

Bên cạnh đó, việc tiếp cận khách hàng, thị trường cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công ty phải xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ trước khi cung cấp ở thị trường Việt Nam. "Ở Việt Nam, chúng tôi liên kết với các thương hiệu lớn để khẳng định chất lượng và uy tín sản phẩm. Chúng tôi hy vọng có sự đồng hành, hỗ trợ tốt hơn từ phía các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự truyền thông của các cơ quan báo chí", ông Lê Anh tâm huyết.

Tăng trưởng xanh cần dựa trên ngành hiện hữu 

Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản, ông Kasahara Masayuki - Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại TP.HCM phát biểu: "Chúng tôi có kinh nghiệm thực tế tại thành phố Kitakyushu ở Nhật Bản, nơi trước đây đối mặt với các vấn đề ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp. Hiện tại, nơi này đã chuyển đổi thành công sang thành phố sinh thái. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng giúp chuyển đổi thành công một khu tương tự tại Thái Lan. Hiện tại, chúng tôi đang hỗ trợ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện dự án Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 với mục đích trở thành mô hình kiểu mẫu để nhân rộng ở nhiều nơi khác".

Có tình trạng ‘hoan hô nhưng chưa chào đón’ doanh nghiệp xanh - Ảnh 2.

Ông Kasahara Masayuki - Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại TP.HCM, phát biểu nói về bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản

NHẬT THỊNH

Theo kinh nghiệm của JICA, vấn đề là phải gắn được lợi ích kinh tế vào quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng xanh. Phải đảm bảo lợi ích kinh tế trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm tác động đến môi trường.

Việc chuyển đổi sang tăng trưởng xanh cần phải dựa trên tình trạng thực tế hiện hữu và cải thiện nó theo hướng thân thiện với môi trường. Để làm được như vậy cần có các chương trình hành động phù hợp cả ở góc độ trực tiếp và gián tiếp. Tại Nhật Bản, từ năm 2021, chính phủ đã đưa ra chương trình và kế hoạch hành động, cùng với đó cơ chế khuyến khích người dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia. Trong 14 tiêu chí, Nhật Bản tập trung vào việc tái sử dụng tài nguyên. Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia, nhà nước cần đưa ra ưu đãi về thuế và tài chính để tăng khả năng nghiên cứu và thương mại hóa.

Để quá trình chuyển đổi xanh thành công, cần khuyến khích các doanh nghiệp đề ra các mục tiêu tăng trưởng xanh của riêng mình, công bố rộng rãi thông tin đó một cách minh bạch và chia sẻ dữ liệu đó với cộng đồng. Điều quan trọng nữa là phải chia sẻ dữ liệu cũng như xây dựng mối liên kết giữa các nhà đầu tư, cơ quan quản lý và cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.