Cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu:Người luôn trăn trở với việc chỉnh đốn Đảng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/08/2020 05:32 GMT+7

Ông Phan Diễn khẳng định cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là người luôn trăn trở để thúc đẩy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

Ông Phan Diễn (ảnh), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX, nguyên Thường trực Ban Bí thư khóa IX, khẳng định cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là người luôn trăn trở để thúc đẩy công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh với những hư hỏng, tiêu cực, tham nhũng trong Đảng và bộ máy nhà nước.

       Ảnh: Lê Hiệp
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Phan Diễn nhấn mạnh nhiệm kỳ đại hội nào Đảng cũng có những hội nghị T.Ư bàn về công tác xây dựng Đảng, vì đây là vấn đề quan trọng, hơn nữa, tình hình phức tạp trong công tác xây dựng Đảng nhức nhối đã lâu. “Có nhiều lần bàn rất kỹ, nói rất nhiều, song không để lại chuyển động rõ ràng”, ông Diễn nói và cho biết với Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 lần 2 vào năm 1999 mà chính cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là người thúc đẩy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng bắt đầu có chuyển biến thực sự. “Mọi người quan tâm hơn, toàn Đảng quan tâm hơn, từ đó dần dần đưa ra ánh sáng, xem xét xử lý nhiều vụ việc, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội IX sau đó”, ông Diễn nói.

Tiểu sử Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Nhiều nước gửi điện chia buồn

Ngày 13.8, Bộ Ngoại giao cho biết nhận được tin nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần, lãnh đạo các nước Trung Quốc, Lào, Cuba, Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan, Nicaragua, Namibia, Cộng hòa Ả Rập Sahrawi dân chủ đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Ban Chấp hành T.Ư Đảng Lao động Triều Tiên; lãnh đạo các Đảng Cộng sản: Ấn Độ, Brazil, Uruguay, Chile, Bolivia, Argentina và Đảng XHCN thống nhất Venezuela cũng gửi điện chia buồn về việc nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần.
Vũ Hân

Thực sự trăn trở

Để T.Ư ban hành nghị quyết riêng về “một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, hẳn đã có rất nhiều trăn trở, thưa ông?
Ông Phan Diễn: Ấn tượng của tôi với anh Phiêu là anh thực sự trăn trở về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh với những hư hỏng trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là tiêu cực, tham nhũng, tha hóa.
Sau Hội nghị T.Ư 6, nhiều lần anh Phiêu bày tỏ lo lắng. Anh nói, từ khi đổi mới, kinh tế thị trường phát triển đem lại rất nhiều lợi ích, nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hóa, tiêu cực cũng phức tạp. Anh ấy lo là không hiểu vì sao vấn đề đặt ra từ lâu nhưng không thấy chuyển động, trong khi tình hình có thể nói là mỗi năm một phức tạp.
Anh Phiêu cũng hay nói là qua việc Liên Xô và Đông Âu sụp đổ thì chúng ta phải thấy nguy cơ của chuyện không làm tốt công tác xây dựng Đảng, để Đảng tha hóa, tiêu cực, xa dân, nhân dân có nhiều ý kiến là rất nguy hiểm. Đến Đảng Cộng sản Liên Xô còn có thể đổ vỡ, thậm chí đổ vỡ rất nhanh, thì đừng nói mình không thể. Có tránh được bài học của Liên Xô và Đông Âu hay không tùy thuộc vào việc chúng ta có làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chế độ của chúng ta hay không.
Một điều nữa, tôi cũng thấy anh Phiêu thường nói, là Đảng ta luôn coi phê bình và tự phê bình là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, nhưng trong những năm gần đây thì hầu hết các vụ tham nhũng, tiêu cực lớn không phải phát hiện từ nội bộ. Điều đó chứng tỏ rằng, tình hình đã đến mức nguy hiểm. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà chỉ dựa vào phê bình, tự phê bình thì không còn đủ hiệu quả.
Dường như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn là nỗi trăn trở của ông Lê Khả Phiêu ngay cả khi ông đã nghỉ?
Sau khi anh Phiêu nghỉ, tôi thấy anh vẫn luôn quan tâm tới công việc chung của Đảng, của đất nước. Bản thân anh Phiêu đã có nhiều đóng góp ý kiến với các đồng chí đương chức về việc này, việc khác, vấn đề này, vấn đề khác. Chúng tôi, trong đó có bản thân tôi, vẫn luôn kính trọng anh Phiêu, vẫn thường xuyên tới thăm. Cũng có lần anh Phiêu chủ động mời chúng tôi đến gặp. Chúng tôi thường xuyên trao đổi về thời cuộc, tình hình của Đảng, của đất nước. Những buổi gặp mặt, trao đổi như vậy rất có ích cho chúng tôi, có thêm sự sàng lọc thông tin, có thêm gợi ý để suy nghĩ, để mỗi người theo khả năng, điều kiện của mình mà có hình thức góp ý kiến với Đảng, Nhà nước.
Về sau, khi định viết thư hay góp ý kiến gì, tôi thường đến trao đổi với anh Phiêu trước, nhờ anh góp ý xem nêu ra như vậy có xác đáng không, có chỗ nào nên cân nhắc thêm không. Những lần như thế, anh Phiêu luôn trao đổi rất thân tình. Tôi rất biết ơn những buổi gặp gỡ như vậy và luôn cảm kích về những ý kiến mà mình thu nhận được qua những cuộc trao đổi với anh Phiêu.

Nghiêm túc và xây dựng

Nhiều người cho rằng, Đại hội VIII với Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 lần 2 đã khởi động công cuộc chỉnh đốn Đảng, nhưng sau đó thì có phần “chững lại” vì ông Lê Khả Phiêu không tiếp tục tái cử trong nhiệm kỳ sau đó?
Theo tôi thì đây là một nhận định không đúng. Thực tế, thời gian anh Phiêu làm Tổng bí thư hơi ngắn (1997 - 4.2001 - PV), vì vậy, những việc xử lý được trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong nhiệm kỳ của anh chưa nhiều, bởi có lẽ cần có thời gian chuẩn bị. Sang nhiệm kỳ khóa IX thì công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đã có bước chuyển rõ hơn với hàng loạt các vụ việc từ vụ Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh rồi vụ mời thầu nhà máy dầu khí Dung Quất... được xử lý. Nhưng đúng là sang tới khóa X, XI thì công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vẻ “chững lại” cho đến nhiệm kỳ XII này.
Anh Phiêu là con người có nhiều cống hiến, đóng góp cho cách mạng, nhưng trong thời gian đó cũng có một vài vấn đề và đều được xem xét nghiêm túc, xây dựng. Ngay cả việc anh Phiêu không tái cử, Bộ Chính trị khi đó cũng rất nghiêm túc, xây dựng, đoàn kết, thân ái. Đối với chúng tôi thì cả đợt sinh hoạt chính trị vào cuối nhiệm kỳ của khóa VIII ấy là một bài học rất hay và tiêu biểu về tính nghiêm túc trong công tác xây dựng Đảng, trong công tác phê bình và tự phê bình ở cấp cao nhất.
Về phía anh Phiêu, trong suốt quá trình ấy, thái độ của anh cũng rất nghiêm túc và xây dựng. Chính vì thái độ của anh Phiêu rất đúng mực như vậy, nên sau khi anh nghỉ rồi, tất cả mọi người vẫn rất kính trọng anh.
Dư luận có nói chuyện ông Phiêu không tiếp tục tái cử có liên quan đến việc bỏ chế độ "cố vấn BCH T.Ư Đảng"?
Trong việc của anh Phiêu, đúng là các đồng chí cố vấn cũng có đóng góp quan trọng. Về cơ bản, tôi nghĩ đó là những ý kiến đóng góp tốt, góp phần làm rõ sự việc. Nhưng có một việc mà tôi thấy dư luận nói không đúng, và cần phải nói rõ, đó là anh Phiêu tác động để bỏ chế độ cố vấn. Thực tế, ngay tại cuộc họp mà T.Ư xem xét, kết luận các vấn đề của anh Phiêu, thì 3 vị cố vấn đã chủ động xin rút, không làm cố vấn từ khóa sau nữa. Và T.Ư sau khi xem xét cũng đồng ý như vậy.
Toàn bộ quá trình này, như tôi đã nói, là sinh hoạt mẫu mực của T.Ư mà tôi được chứng kiến, tham gia. Cách làm việc như vậy tôi cho là rất nghiêm túc, xây dựng, đoàn kết; những ý kiến đúng luôn thắng thế, không thể có ý kiến sai mà lại thao túng nổi T.Ư.
Xin cảm ơn ông!

Tổ chức lễ viếng, truy điệu tại Hà Nội, TP.HCM và Thanh Hóa

Theo thông cáo đặc biệt của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước CHXHCN VN và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã từ trần hồi 2 giờ 52 ngày 7.8.2020 (tức ngày 18.6 năm Canh Tý), tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi. Để tỏ lòng tưởng nhớ nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu với nghi thức quốc tang.
Lễ viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), bắt đầu từ 8 giờ ngày 14.8 - 12 giờ ngày 15.8; lễ truy điệu tổ chức vào 12 giờ 30 ngày 15.8 tại Nhà tang lễ quốc gia; lễ an táng lúc 14 giờ cùng ngày, tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và Hội trường 25B (đường Quang Trung, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Ban lễ tang nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gồm 35 người. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.