Theo thông cáo đặc biệt của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng đã từ trần hồi 2 giờ 52 phút ngày 7.8 (tức ngày 18.6 năm Canh Tý), tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi.
Để tỏ lòng tưởng nhớ nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu với nghi thức quốc tang.
|
Lễ viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) bắt đầu từ 8 giờ ngày 14.8 đến 12 giờ ngày 15.8. Lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tổ chức vào 12 giờ 30 phút ngày 15.8 tại Nhà tang lễ quốc gia. Lễ an táng lúc 14 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội).
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và Hội trường 25B (đường Quang Trung, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Trong 2 ngày quốc tang (14 - 15.8), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Ban lễ tang nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gồm 35 người. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban lễ tang.
Tóm tắt tiểu sử nguyên Tổng bí thư Lê Khả PhiêuNguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu sinh ngày 27.12.1931; quê quán: xã Đông Khê, H.Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19.6.1949.
Từ 1947 - 1949, ông dạy bình dân học vụ ở xã. Tháng 6.1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách công tác tuyên truyền, làm Chánh văn phòng chi bộ xã.
Từ 5.1950 - 8.1954, ông nhập ngũ, làm chiến sĩ, rồi đảm nhiệm các chức vụ Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Chính trị viên phó đại đội, Chính trị viên đại đội, Trung đoàn 66, Đại đoàn 304.
Từ 9.1954 - 3.1955, ông học bổ túc quân chính trung cấp khóa I.
Từ 3.1955 - 3.1958, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trưởng tiểu ban Tổ chức Trung đoàn, Chính trị viên Tiểu đoàn; Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.
Tháng 4.1958, ông là học viên Trường Chính trị trung cao.
Từ 6.1961 - 1966, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó ban Cán bộ rồi Trưởng ban Tổ chức, Phòng Chính trị Sư đoàn 304; sau đó làm Phó chính ủy rồi Chính ủy Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân khu Hữu Ngạn, Đảng ủy viên sư đoàn.
Tháng 7.1967, ông vào chiến trường Trị Thiên chiến đấu, làm Chính ủy Trung đoàn 9.
Tháng 1.1968, ông kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9.
Năm 1970, ông làm Trưởng phòng Tổ chức Quân khu Trị Thiên.
Từ 10.1971 - 2.1974, ông làm Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên.
Tháng 3.1974, ông làm Chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên (sau là Quân đoàn 2), Đảng ủy viên quân đoàn.
Tháng 2.1978, ông làm Chủ nhiệm chính trị rồi Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 9.
Tháng 8.1980, ông làm Phó tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 9, được bầu vào Thường vụ rồi Phó bí thư Đảng ủy quân khu.
Tháng 3.1983, ông giữ chức Chủ nhiệm chính trị Quân khu 9.
Tháng 4.1984, ông làm Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh 719, ông được thăng quân hàm thiếu tướng.
Năm 1986, ông làm Phó tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh 719, làm Ủy viên rồi Phó bí thư Ban Cán sự Bộ Tư lệnh 719.
Tháng 6.1988, ông được thăng quân hàm trung tướng.
Tháng 8.1988, ông làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (phụ trách khối tổ chức, cán bộ, bảo vệ).
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6.1991), ông được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng, phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự T.Ư (nay là Quân ủy T.Ư).
Tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lần thứ ba, khóa VII, ông được bầu vào Ban Bí thư T.Ư Đảng.
Tháng 6.1992, ông được thăng quân hàm thượng tướng.
Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành T.Ư khóa VII (tháng 1.1994), ông được bầu vào Bộ Chính trị.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6.1996), ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng và được Ban Chấp hành T.Ư bầu vào Bộ Chính trị, được cử tham gia Thường vụ Bộ Chính trị, phân công làm Thường trực Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ T.Ư.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư lần thứ 4, khóa VIII (tháng 12.1997), ông được bầu làm Tổng bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản VN, Bí thư Đảng ủy Quân sự T.Ư (nay là Quân ủy T.Ư) và giữ cương vị này đến tháng 4.2001.
Tháng 10.2006, ông nghỉ công tác theo chế độ.
Ông là đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X. Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
|
Danh sách Ban lễ tang1. Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước.
2. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng.
3. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
4. Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng.
5. Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội.
6. Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư.
7. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư.
8. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư.
9. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư.
10. Ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ.
11. Ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
12. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
13. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
14. Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
15. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
16. Ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng bộ phận thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
17. Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN.
18. Đại tướng Lương Cường, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
19. Ông Trần Cẩm Tú, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
20. Ông Phan Đình Trạc, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Nội chính T.Ư.
21. Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh văn phòng T.Ư Đảng.
22. Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND tối cao.
23. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư.
24. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội.
25. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ tịch nước.
26. Ông Hoàng Bình Quân, Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư.
27. Ông Lê Minh Trí, Ủy viên T.Ư Đảng, Viện trưởng Viện KSND tối cao.
28. Ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
29. Ông Đào Việt Trung, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
30. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
31. Ông Lê Minh Khái, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng thanh tra Chính phủ.
32. Ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
33. Ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa.
34. Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN.
35. Ông Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng,
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Thanh Niên
|
Bình luận (0)