Phụ huynh bị lừa chuyển tiền: ‘Nhóm lừa đảo khiến tôi hoảng loạn'
Nhiều phụ huynh tố giác bị lừa đảo
Chiều 9.3, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, thượng tá Nguyễn Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho hay những ngày gần đây, Công an TP.HCM đã tiếp nhận các tin báo, tố giác của người dân về việc bị một số nghi can lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên tiếp nhiều vụ lừa đảo 'chuyển tiền cấp cứu' hàng trăm triệu đồng
Thủ đoạn thường là mạo danh giáo viên hoặc nhân viên bệnh viện gọi điện thoại trực tiếp đến phụ huynh để thông báo học sinh bị tai nạn, đang được nhập viện cấp cứu. Sau khi phụ huynh tin tưởng, sẽ yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản do các nghi can cung cấp để "tạm ứng thanh toán viện phí".
Tính đến ngày 9.3, Công an TP.HCM đã tiếp nhận 4 tin báo từ báo, đài, cơ quan và 3 tố giác của người dân đến công an phường, bị các nghi can mạo danh giáo viên, nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất... gọi điện trực tiếp cho phụ huynh, thông báo học sinh bị tai nạn và yêu cầu chuyển tiền (có trường hợp bị lừa hàng chục triệu đồng - PV).
Nhận được tin báo, Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an quận, huyện khẩn trương rà soát, điều tra, truy xét các nghi can để đấu tranh triệt phá các vụ việc được phản ánh, khi có kết quả sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.
Phụ huynh cần cảnh giác hơn
Để chủ động trong công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua điện thoại, Công an TP.HCM phối hợp các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tuyên truyền, khuyến cáo những phương thức, thủ đoạn lừa đảo đến người dân. Bên cạnh đó, tham mưu để ban hành công văn gửi các sở ngành tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo về các hình thức lừa đảo.
Đặc biệt, Công an TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh bình tĩnh, thận trọng trong tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến thủ đoạn lừa đảo mới này. Ngoài ra, thông tin số điện thoại đường dây nóng của trường đến phụ huynh học sinh để liên hệ khi cần thiết.
Công an TP.HCM cũng đồng thời khuyến cáo các phụ huynh nên liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm khi cần nắm thông tin liên quan đến việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt của học sinh tại trường.
Đặc biệt, thượng tá Nguyễn Mạnh Hà lưu ý, thông tin cá nhân học sinh có thể bị lọt qua nhiều hình thức khác nhau như: lỗ hổng bảo mật, dữ liệu do các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng thu thập làm lộ lọt. Thông thường, các cơ quan nhà nước khi quản lý thông tin có quy định chặt chẽ và có quá trình kiểm tra, bảo mật nên tính an toàn bảo mật cao hơn.
Gọi lừa phụ huynh chuyển tiền vì có 'con đang cấp cứu' ở Bệnh viện Nhi đồng 1
Tại buổi họp báo, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết, hiện nay, khi phụ huynh lập các hội nhóm chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, rất dễ bị lọt thông tin của con em. Phụ huynh khi nhận được thông tin nghi ngờ lừa đảo, cần liên lạc trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường.
Thời gian tới, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Công an TP.HCM, chuyển giao thông tin của Sở khi làm việc với nhà trường, phụ huynh. Qua đó góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo phụ huynh qua điện thoại.
Các nghi can lừa đảo qua mạng hoạt động rất tinh vi với nhiều thủ đoạn khác nhau. Để tuyên truyền cho người dân, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Công an TP.HCM đã thành lập trang thông tin trên Facebook địa chỉ: Facebook@anm.catphcm (tên: Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng CNC - Công an TP HCM) để cập nhật các thủ đoạn lừa đảo và tuyên truyền đến người dân biết để không bị lừa.
Bình luận (0)