Còn nhớ, gần một năm trước, tôi phải lăn lộn ngoài ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM) nhiều ngày, để tìm cách tiếp cận, làm quen với nhóm “cò” vé hoạt động tại đây. Họ hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, có người sống theo kiểu bụi đời từ nhỏ. Có trường hợp “cò” mẹ còn truyền “nghề” lại cho “cò” con, tiếp tục “nối nghiệp” - ra ga Sài Gòn bán vé lụi.
Sau loạt phóng sự điều tra trên Báo Thanh Niên (khởi đăng từ 1 - 3.7.2019), Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam lập các đoàn thanh kiểm tra nội dung mà Thanh Niên đã phản ánh.
Kết quả, hàng chục lãnh đạo thuộc Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn bị kỷ luật. Tình trạng mua bán vé lụi chấm dứt. Nhóm “cò” vé ở ga Sài Gòn chuyển ra trước cổng ga bán vé số, bắp nướng... Tưởng chừng họ đã “gác kiếm”, sống một cuộc sống khác.
Nhưng đến ngày 1.4.2020, khi người dân cả nước đang gồng mình phòng chống dịch thì “cò” vé lại tiếp tục có dấu hiệu móc nối với nhân viên tàu, quay lại nghề cũ. “Cò” tiết lộ mánh khóe, ở ga Dĩ An (Bình Dương), ga Biên Hòa (Đồng Nai), không có máy soát vé tự động, nên nhân viên tàu có thể dễ dàng cho khách đi chui lên tàu. Điều đáng nói, khách đi tàu chui nằm ở lối đi của các toa tàu, lại không khai báo y tế (khách đi tàu đều phải khai báo y tế, mới nhất là lấy mẫu xét nghiệm Covid-19), nên nhỡ khách “dính” vi rút thì hậu quả thật khó lường.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta vẫn đang được kiểm soát tốt. Đó là công sức, sự cố gắng của cả hệ thống chính quyền và người dân cả nước. Nếu vì lý do chủ quan của một cá nhân nào đó làm ảnh hưởng đại cục, thì không thể chấp nhận. Những người chống đối không chịu đi cách ly, hay tung tin giả, tin xấu về tình hình dịch bệnh đều bị xử lý nghiêm.
Vì vậy, “cò” vé, thậm chí cả nhân viên ngành đường sắt, vì trục lợi mà tiếp tay cho khách đi tàu chui, khi phát hiện cũng phải xử lý nghiêm!
Bình luận (0)