Không ngoại lệ, món cóc muối tương là một món độc lạ, vị mặn mà và để thương để nhớ cho nhiều người.
Cóc muối tương cay mặn mà thanh
Cóc chấm muối ớt, cóc muối hành, cóc muối kiệu thì nghe quen thuộc nhưng cóc muối tương thì nghe có vẻ lạ.
Món ăn lạ này được chị Trần Thị Lâm, ngụ tại xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình chế biến, không chỉ phục vụ gia đình mà còn mang ra bày bán. Nhờ những nguyên liệu sẵn có trong gia đình, chị đã chế biến món ăn đậm đà gây thương nhớ cho bao người khi đưa món ăn ra phiên chợ bán.
|
|
|
Món cóc muối tương được chị Lâm chế biến theo cách muối để ăn được nhiều ngày, bao gồm các nguyên liệu: quả cóc xanh, ớt chín đỏ, đường, nước mắm cá… Cóc ở đây chỉ dùng khi còn xanh, tươi, cùi thịt cóc hơi ngả vàng, cắn nghe giòn rồm rộp.
Ớt cũng là nguyên liệu chính tạo nên món ăn đặc sắc này. Ớt phải chín đỏ, cay và ở đây thường dùng loại ớt “nhỏ mà có võ”, cay thé. Ngoài ra không thể thiếu các nguyên liệu khác như đường, nước mắm cá… khiến cho hương vị món cóc muối tương thêm đậm đà bắt miệng.
|
Cũng như các loại đồ muối khác, cóc muối tương là sự kết hợp giữa hai vị chính là chua và cay. Cóc xanh được ép chua và ớt đã được chế biến thủ công thành tương sau đó trộn thêm các gia vị khác.
|
Vào các ngày Tết Nguyên Đán, ăn kèm bánh chưng, giò chả một miếng cóc muối tương thì hết sức bắt miệng, ăn một miếng lại muốn ăn thêm. Vị chua chua nhưng giòn dai của cóc thấm với vị cay nhưng thanh thanh của tương ớt tự làm thì không gì bằng.
Chị Lâm chia sẻ: “Trong món này thì cái mà tôi làm để khác những hộp cóc trộn sẵn khác là cái tương ớt. Người ta hay chấm cóc, ổi, xoài với muối ớt hay nước mắm nhưng tôi chọn ớt. Tôi dùng ớt làm tương ớt với công thức riêng rồi trộn với cóc cho thấm”.
Ăn một miếng cóc muối tương, tôi không khỏi bất ngờ vì bản thân là người ăn cay không giỏi nhưng vị cay của ớt cay mà rất thanh, thêm vào đó là chút mặn, chút ngọt, chút chua bén miệng.
Sạch từ món ăn đến suy nghĩ
Để tạo nên món ăn đặc biệt này theo chị Lâm điều quan trọng nhất là phải sạch. Sạch ở đây là sạch các nguyên liệu cóc, ớt, nước mắm… và sạch trong cả khâu chế biến, vệ sinh sạch sẽ, đóng gói gọn gàng, đảm bảo vệ sinh cho người thưởng thức.
|
|
Cóc được sử dụng nguồn tại nhà, nên luôn tươi xanh, giòn. Sau khi thu hoạch cóc chị Lâm đem cắt liền để cóc được tươi xanh còn nhựa, cắt bỏ phần vỏ và phần ruột mà chỉ lấy phần thịt cóc đem ngâm chua. Khi cóc đã được ngâm đến độ “chín”, chị mang trộn với gia vị nước mắm để tạo vị mặn và ướp để cóc được cứng giòn.
Chị Lâm sử dụng những quả ớt không lớn lắm, chín đỏ tươi, vị cay để làm tương. Chị chao ớt qua nước sôi sau đó đảo nồi ớt trên lửa thật nhỏ, bao giờ ớt mềm thì đưa ra để nguội. Sau khi nguội thì chế thêm nước rồi đảo lại lần thứ hai, đây là lúc nấu để ớt mịn màng hơn và giảm bớt vị cay nồng ban đầu. Công đoạn cuối là trộn cóc đã ướp chua mặn với tương ớt chưng lửa và nêm thêm đường cho vừa miệng. Thế là xong!
|
|
|
Món cóc muối tương này chỉ được bán khi cây cóc nhà chị ra quả, đó là nguồn nguyên liệu chính để tạo nên món ăn đặc sắc, gây thương nhớ cho nhiều người Quảng Bình xa quê.
Chị Lâm kể lại: “Cây cóc nhà tôi đưa về trồng cũng gần 10 năm rồi, mùa nó ra trái không cố định nhưng thường thì nó ra trái vào đầu xuân và cuối hè, có năm có trái có năm không. Năm nào khi cây có trái tôi lại hái vào chế biến, ăn có, bán có, biếu có, nhiều người còn mua làm quà cho con cái mang xa đi sau dịp Tết”.
Chị Lâm quan niệm, bán chạy hàng hay không không quan trọng bằng bán được những thứ mình tự trồng được, tự chế biến và đưa đến cho người ăn cảm giác ngon lạ. Chính những suy nghĩ rất “sạch” ấy đã khiến chị và món cóc muối tương gây thương gây nhớ cho nhiều người con xứ Quảng tha hương.
Bình luận (0)