Coca-Cola Việt Nam bị truy thu và xử phạt thuế 821,4 tỉ đồng

Anh Vũ
Anh Vũ
10/01/2020 07:47 GMT+7

Quyết định vừa được Tổng cục Thuế ban hành đối với Coca-Cola - "đại gia” FDI đứng đầu danh sách nghi án chuyển giá tại Việt Nam.

Cụ thể, theo quyết định xử phạt hành chính về thuế, Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam) đã vi phạm về khai sai, dẫn đến thiếu số thuế phải nộp theo quy định.
Tổng cục Thuế ra quyết định truy thu thuế với số tiền hơn 471 tỉ đồng với Coca-Cola Việt Nam. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng bị truy thu là hơn 60 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỉ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỉ đồng.
Cơ quan thuế cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỉ đồng. Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỉ đồng.
Theo Tổng cục Thuế, Coca-Cola Việt Nam phải có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp thuế kể từ sau ngày 16.12.2019 đến thời điểm nộp số thuế truy thu và phạt vào ngân sách nhà nước. Tổng cộng số tiền Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, qua thanh tra còn giảm số lỗ phát sinh hơn 762 tỉ đồng, xác định số lỗ của giai đoạn trước (từ 2002 - 2006) không được chuyển lỗ là hơn 202,3 tỉ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ (tháng 12.2015) chuyển kỳ sau là hơn 72,8 tỉ đồng.
Tổng Cục Thuế yêu cầu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định (25.12.2019), Coca-Cola Việt Nam phải nộp số tiền trên vào ngân sách. Quá thời hạn trên sẽ bị cưỡng chế nếu không chấp hành.
Thông tin từ phía Coca-Cola Việt Nam cho biết, hãng nước giải khát này thừa nhận vi phạm và chấp nhận nộp phạt. Tuy nhiên, mới chỉ nộp được một số tiền rất ít trên tổng số 821,4 tỉ đồng.

Coca-Cola luôn đứng đầu nghi án chuyển giá tại Việt Nam

Ảnh Chụp màn hình

Đứng đầu danh sách nghi án chuyển giá

Coca-Cola đến đầu tư tại Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Gần 20 năm đầu tư kinh doanh, Coca-Cola liên tục khai lỗ. Điều đó đã giúp doanh nghiệp này tránh được việc đóng thuế cho nhà nước sở tại.
Đến thời điểm tháng 12.2012, tổng số lỗ lũy kế của công ty này lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỉ đồng.
Như vậy, về mặt kỹ thuật, lẽ ra Coca-Cola Việt Nam đã phải phá sản. Tuy nhiên, thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, năm 2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.
Sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam, đến năm 2014, Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Chính phủ Việt Nam.
Song, điều này đặt ra cho các cơ quan thuế Việt Nam về nghi án chuyển giá của công ty này. Cách để Coca-Cola dù liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán hàng tốt, nhưng vẫn lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao.
Cục Thuế TP.HCM từng đưa Coca-Cola Việt Nam vào vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn chưa thể có kết luận hãng nước giải khát lớn nhất thế giới của Mỹ có chuyển giá hay không.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.