Tội phạm nước ngoài luồn lách rất tinh vi

06/11/2019 05:39 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cảnh báo tội phạm nước ngoài luồn lách, giấu mình bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như mua cổ phần hay đầu tư sân bay, cảng biển... đang đe dọa an ninh quốc gia.

Thảo luận về công tác phòng chống tội phạm ngày 5.11, các đại biểu Quốc hội cảnh báo loại tội phạm nước ngoài mua cổ phần viễn thông, sân bay, cảng biển... luồn lách, giấu mình bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, đang đe dọa an ninh quốc gia.
Theo đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM), hành vi của loại tội phạm này “rất kín”, rất tinh vi. Đơn cử như việc nhờ người VN đứng tên mua nhà đất cho người nước ngoài ở những địa bàn nhạy cảm; các doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phần hay đầu tư, cho vay vốn vào các ngành, các lĩnh vực trọng yếu như hạ tầng giao thông, kỹ thuật, đường cao tốc, viễn thông, sân bay, cảng biển, ở các khu kinh tế ven biển gần biên giới; tăng cường giao dịch tài chính xuyên quốc gia, chuyển giá, chuyển nhượng vốn, cho vay vốn, đánh bạc, cá cược. ĐB Nghĩa cũng cảnh báo tình trạng có đối tượng thâm nhập vào dịch vụ công cộng như cung cấp điện và nước sạch cho công dân như trường hợp một tỉ phú Thái Lan đã thâu tóm 34% cổ phần nhà máy nước lớn nhất VN.
 
Có hay không việc cán bộ bảo kê, cộng sinh, chia chác và tạo ra môi trường “tù mù lùng bùng” để các băng nhóm tội phạm lộng hành chiếm đoạt tài sản rồi đùn đẩy, bao che, chỉ trỏ lòng vòng
ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai)
“Do hội nhập, VN khó ngăn chặn việc chuyển nhượng vốn ở bên ngoài, khó xác định chủ sở hữu thực của các nguồn vốn nên có nguy cơ các thế lực thù địch nước ngoài có thể kiểm soát các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn ở VN một cách hợp pháp”, ông Nghĩa nêu.

Cần chú trọng hơn công tác xuất nhập cảnh

Chia sẻ mối lo của ĐB Nghĩa, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cũng báo động về tội phạm có tổ chức, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao xuất hiện từ nước ngoài đã thâm nhập vào nước ta. “Tôi đề nghị cần chú trọng hơn công tác xuất nhập cảnh, quản lý chặt chẽ từng địa bàn, dân cư. Không nên bỏ thị thực của người nước ngoài nhập cảnh vào các khu kinh tế ven biển, bởi Chính phủ quy định như thế nào đi nữa thì cũng không ngăn cản được dòng người lợi dụng khoảng trống của pháp luật này để ồ ạt kéo vào VN và không tránh khỏi những kẻ tiền án, tiền sự, tệ nạn xã hội hoặc thành phần khủng bố trà trộn vào đất nước chúng ta”, ông Kim cảnh báo.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh VN Nguyễn Văn Được thì cho rằng, việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu, nhất là quản lý người nước ngoài tại VN chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng các đối tượng này có thể tự do đánh bạc, sản xuất ma túy, tuyên truyền xuyên tạc sự thật, xem thường pháp luật của VN.

Có hay không cán bộ bảo kê, chia chác với tội phạm?

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết ông bất an khi vừa qua xuất hiện nhiều băng nhóm, đường dây hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỉ đồng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều nơi, đến mức lừa rao bán cả trụ sở cơ quan, trường học. Điển hình là Công ty CP địa ốc Alibaba, Công ty Angel Lina lừa đảo chiếm đoạt của hàng ngàn nạn nhân...

Cũng có một số việc có vi phạm của cán bộ trong công tác điều tra các vụ việc này, Viện KSND đã giám sát chặt chẽ khởi tố, điều tra các vi phạm. Chúng tôi thì không bao giờ dung túng, bao che

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
“Các băng nhóm tội phạm hình thành dự án ma, liên minh ma quỷ núp bóng doanh nghiệp với thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp. Tổ chức tinh vi nhưng đều có thủ đoạn với công thức ban đầu thì “nổ”, lòe, lừa, giăng bẫy được khách hàng vào mê hồn không dễ nhận biết, lừa lọc không từ một ai để thu tiền. Tiếp đó, chúng dùng nhiều chiêu trò gian manh, ủy quyền hợp đồng sang nhượng, bán dự án lòng vòng trong đồng bọn và nhiều đối tượng khác. Với chiêu thức kiểu “ve sầu thoát xác” nhằm vừa chiếm đoạt tiền, vừa che giấu hành vi, xóa dấu vết hồ sơ phạm tội khiến hàng trăm người bị lừa”, ĐB Vượt lo ngại và đặt vấn đề: Có hay không việc cán bộ bảo kê, cộng sinh, chia chác và tạo ra môi trường “tù mù lùng bùng” để các băng nhóm tội phạm lộng hành chiếm đoạt tài sản rồi đùn đẩy, bao che, chỉ trỏ lòng vòng.
“Cử tri tha thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, các cơ quan tố tụng cần tập trung chỉ đạo tấn công quyết liệt, điều tra, truy tố, trừng trị nghiêm liên minh ma quỷ, băng nhóm tội phạm có tổ chức mới xuất hiện này, nhằm ngăn chặn không để lừa đảo lộng hành, gây đau khổ cho người dân, người bị hại trên lĩnh vực đất đai và các lĩnh vực khác. Đồng thời xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm công chức tiếp tay, bảo kê, làm ngơ trước bức xúc của người dân hoặc để dự án ma tồn tại nở rộ kiểu con voi chui lọt lỗ kim”, ĐB Vượt đề nghị.
Trong phần giải trình cuối phiên thảo luận, liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan điều tra đã tập trung chỉ đạo xử lý, giải quyết vấn đề; vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm chủ yếu là do vướng mắc về mặt pháp luật và quan điểm, nhận thức vận dụng của các ngành có lúc, có nơi chưa thống nhất. “Cũng có một số việc có vi phạm của cán bộ trong công tác điều tra các vụ việc này, Viện KSND đã giám sát chặt chẽ khởi tố, điều tra các vi phạm. Chúng tôi thì không bao giờ dung túng, bao che”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

“Chợ đen” mua quan bán chức nhộn nhịp trong các dịp bầu cử, đại hội

Thảo luận tại hội trường, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nhận định công tác cán bộ lâu nay được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng song nhiều người vẫn coi là vùng cấm bởi chưa có các quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy đủ.
“Chợ đen của việc mua quan, bán chức nhưng không dễ trả lời được ai mua và ai bán, chỉ biết dư luận râm ran chợ đen này thường nhộn nhịp lên trong các dịp bầu cử và đại hội”, ông Sinh nói.
Cho rằng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải làm liên tục và không ngừng nghỉ, không chỉ cần quyết tâm chính trị mà phải được thể chế bằng các quy định của pháp luật, ĐB tỉnh Hòa Bình đề nghị QH và Chính phủ cần sớm thể chế hóa các quy định của T.Ư về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.