"Gây sốt" mạng xã hội
Suốt thời gian qua, việc người trẻ sử dụng những ứng dụng chỉnh sửa ảnh rất phổ biến. Và từ đó tạo nên những trào lưu "gây sốt" mạng xã hội.
Có thể kể như: tạo ảnh như nhân vật phim hoạt hình; sửa ảnh chân dung thành nhân vật nổi tiếng; chỉnh ảnh thành các nhân vật cổ trang, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng; lên bìa sách hay trang nhất tạp chí; tạo ảnh chân dung bằng AI (trí tuệ nhân tạo)…
Trần Thị Thu Thủy, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), cho biết: "Mình đã tham gia tất cả những trào lưu kể trên. Bạn bè mình cũng yêu thích những trào lưu đăng ảnh như thế".
Đặng Quang Nhật, sinh viên Trường ĐH Gia Định (TP.HCM), cũng nói: "Mình thích trào lưu tạo ảnh như nhân vật phim hoạt hình. Trước đây, mình cũng đã từng hưởng ứng việc tạo ảnh lên trang nhất tạp chí".
Cũng theo Nhật: "Sở dĩ không bỏ qua các trào lưu ấy vì mình chẳng muốn đứng ngoài những "cơn sốt" trên mạng xã hội".
Coi chừng “sập bẫy” khi dùng những ứng dụng chỉnh sửa ảnh
Nhiều người trẻ cũng cho biết đã tải trong điện thoại nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh như: Loopsie, AI Mirror, Anime AI, AI Arta, Selfie AI…
"Sau khi biết một trào lưu nào vừa rộ lên thì mình tìm hiểu và bắt chước làm theo để tạo ra những ảnh ngộ nghĩnh, độc lạ, thú vị. Mới nhất là việc dùng ứng dụng Loopsie để chỉnh sửa ảnh", Phan Thị Mỹ Lệ, sinh viên Trường ĐH Đồng Nai, chia sẻ.
Các tác phẩm được tạo ra từ những ứng dụng chỉnh sửa ảnh
CHỤP MÀN HÌNH
Tưởng vô hại nhưng không an toàn
Anh Hồ Thanh Duy (32 tuổi), kỹ sư công nghệ thông tin, làm việc tại Công ty TNHH Wipro Consumer Care Việt Nam, Q.1, TP.HCM, nói: "Việc dùng những ứng dụng chỉnh sửa ảnh có thể gặp nhiều mối nguy. Mới đây, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông) cũng đã cảnh báo việc sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thông tin cá nhân".
Theo anh Duy, tất cả ứng dụng chỉnh sửa ảnh khi yêu cầu người dùng "cho phép truy cập dữ liệu cá nhân" đều cam kết tôn trọng quyền riêng tư.
"Tuy nhiên, chẳng ai biết những ứng dụng ấy chỉ xử lý ảnh mà người dùng chọn tải lên hay sử dụng thêm nhiều ảnh khác? Cũng chẳng thể rõ liệu các ứng dụng ấy có lưu trữ ảnh của người dùng hay không? Cho nên tôi nghĩ việc dùng những ứng dụng chỉnh sửa ảnh đồng nghĩa với việc làm tăng nguy cơ lộ thông tin, dữ liệu cá nhân. Đặc biệt rất nguy hiểm nếu như trong điện thoại có những ảnh nhạy cảm, riêng tư. Bởi việc cung cấp dữ liệu gương mặt cho các ứng dụng chỉnh sửa ảnh có thể dẫn đến tình huống bất ngờ là vào một ngày bỗng dưng xuất hiện trong những bộ phim với nội dung khiêu dâm. Điều này từng xảy ra và khiến không ít nạn nhân khốn đốn", anh Duy phân tích.
Anh Nguyễn Trọng Bạch (33 tuổi), kỹ sư công nghệ thông tin, làm việc tại Công ty CNTT tin học Việt, Q.6, TP.HCM, cho rằng khi sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, người dùng buộc phải đồng ý cho phép nhà cung cấp ứng dụng truy cập vào kho ảnh, danh bạ, vị trí... Điều đó đồng nghĩa nhà cung cấp ứng dụng có thể tự động vào xem các tệp tài liệu trong điện thoại. Qua đó dễ dàng thu thập, lưu trữ những thông tin cá nhân, dữ liệu của người dùng.
"Việc nhà cung cấp ứng dụng có sử dụng thông tin cá nhân, dữ liệu ấy vào mục đích nào khác hay không thì người dùng không thể kiểm soát được. Nếu những thông tin, dữ liệu ấy lọt vào tay kẻ xấu có thể bị sử dụng vào mục đích vi phạm pháp luật. Chẳng hạn như sử dụng kỹ thuật Deepfake để "trộn" gương mặt của người này với biểu cảm, giọng nói của người khác nhằm lừa đảo…", anh Bạch nói.
Theo anh Bạch, những trào lưu tạo ảnh độc đáo và mới lạ liên tục xuất hiện trên mạng xã hội. Và người trẻ có thói quen là khi thấy bất cứ ứng dụng chỉnh sửa ảnh nào đang là "trend" thì lập tức tìm cách cài đặt ngay để sử dụng.
"Đó là điều không nên. Cần thận trọng, chọn lọc và cân nhắc kỹ về tính cần thiết trước khi tải các ứng dụng chỉnh sửa ảnh. Đồng thời phải tỉnh táo trước khi nhấn vào nút "cho phép" nhà cung cấp ứng dụng truy cập dữ liệu cá nhân", anh Bạch khuyên.
Còn anh Duy thì nói: "Người trẻ vô tư sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh tưởng là giải trí, vô hại nhưng thực tế là không an toàn. Nếu một ngày nào đó gặp vấn đề về bảo mật, bị rò rỉ dữ liệu thì rất phiền phức. Chưa kể rất nhiều ứng dụng, trong đó có những thứ được tạo ra với mục đích âm thầm theo dõi thông tin, hành vi người dùng. Ngoài ra, khi một ứng dụng được người trẻ mê mẩn thì có thể sẽ xuất hiện những cái khác "ăn theo". Những ứng dụng "ăn theo" không rõ nguồn gốc có thể chứa mã độc. Nếu tải về điện thoại, mã độc ấy có thể chiếm toàn quyền điều khiển và thực hiện các hành vi như: hack tài khoản Facebook, lấy tiền trong tài khoản ngân hàng của người dùng…".
Bình luận (0)