Đua 'trend' biến hình anime coi chừng bị đánh cắp thông tin

Thu Hằng
Thu Hằng
07/09/2023 21:06 GMT+7

Ngoài việc yêu cầu người sử dụng cung cấp hình ảnh, các ứng dụng chỉnh sửa ảnh theo phong cách anime (hoạt hình Nhật Bản) còn yêu cầu cho phép truy cập vào kho ảnh, camera điện thoại và một số quyền khác. Việc cung cấp hình ảnh, khuôn mặt cá nhân tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn thông tin.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thông tin với người dùng khi sử dụng ứng dụng chỉnh sửa ảnh phong cách anime.

Đua 'trend' biến hình anime coi chừng bị đánh cắp thông tin - Ảnh 1.

Đăng ảnh anime trở thành "hot trend" (xu hướng nóng) trên mạng xã hội thời gian qua

T.H

Dù chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng trào lưu chỉnh sửa ảnh bằng trí tuệ nhân tạo (AI) theo phong cách anime đã trở thành "hot trend" trên mạng xã hội. Rất nhiều người thích thú "đua trend" biến ảnh thật thành ảnh anime.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TT-TT ngày 6.9, ông Nguyễn Duy Khiêm, đại diện Cục An toàn thông tin, cho hay việc sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh anime và cung cấp hình ảnh, khuôn mặt cá nhân tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn thông tin.

Ngoài việc yêu cầu người sử dụng cung cấp hình ảnh, ứng dụng còn yêu cầu cho phép truy cập vào kho ảnh, camera điện thoại và một số quyền khác. Trên cơ sở có được các thông tin về khuôn mặt, hình dáng và các thông tin khác như địa chỉ email, số điện thoại..., nhà cung cấp ứng dụng có thể thu thập, lưu trữ và xử lý thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân của người sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Bên cạnh đó, công nghệ thanh toán, xác nhận tài khoản bằng khuôn mặt đang rất phổ biến, kẻ xấu có thể lợi dụng hình ảnh để đánh cắp tài khoản cá nhân.

"Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là cuộc gọi video deepfake. Các đối tượng thông qua AI sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè, từ đó thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến", ông Khiêm cho hay.

Để giảm thiểu nguy cơ lộ, lọt thông tin, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng nên hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân lên các nền tảng mạng xã hội; chọn lọc, sử dụng các ứng dụng uy tín; đọc kỹ các điều khoản, yêu cầu của nhà cung cấp dịch vụ trước khi sử dụng. Đặc biệt, người dùng không nên cung cấp những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư lên các ứng dụng.

Người dùng cần đặc biệt lưu ý, trước khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, cần xem xét đầy đủ các quyền mà ứng dụng muốn truy cập; đồng thời kiểm soát các quyền truy cập của ứng dụng đến các thông tin cũng như chức năng có trên các thiết bị thông minh...

Theo chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Công nghệ (Công ty An ninh mạng NSC), những bức ảnh anime không hẳn là giống ảnh gốc. Một số tình huống AI xử lý sai, nhận nhầm vật thể. Tuy nhiên, người dùng vẫn chấp nhận và nhanh chóng trở thành trào lưu cũng vì coi đây chỉ là vui vẻ.

Kỹ thuật tạo ảnh bằng AI không mới, thay vì mô tả cho AI biết mình cần bức ảnh thể hiện cái gì, khung cảnh ra sao thì những nhà sáng tạo đã cho phép up một ảnh gốc lên để AI tự tìm đề bài rồi tự ra lời giải.

Chuyên gia này lưu ý, trên thế giới số "không có gì là miễn phí". Nếu kho ảnh rơi vào tay kẻ xấu, chúng có thể cho AI học, dùng deepfake để tạo ra ảnh và video giả mạo cho các mục đích khác nhau, thậm chí lừa đảo. Vì vậy, người dùng không nên vì vài phút vui trên mạng xã hội mà đánh đổi dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu khuôn mặt của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.