Một câu chuyện Sơn Hậu khác
Đèn tắt, không gian của Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, Hà Nội) đột nhiên như phủ một lớp màn nhung đen. Hai nhân vật Khương Linh Tá và Tạ Ôn Đình của vở tuồng cổ khuyết danh Sơn Hậu xuất hiện. Họ nói, hát với nhau những tâm tư về giá trị của người trung thần mà Sơn Hậu vẫn gửi gắm. Nhưng vở diễn buổi tối trong Tuần lễ khơi nguồn sáng tạo này không phải Sơn Hậu, mà là cuộc đối thoại của Sơn Hậu với xã hội hiện đại, của tuồng với công chúng hiện đại. Cõi thinh không - một đoạn trích của vở tuồng Sơn Hậu nhưng có nhân vật mới - là thế.
Kết hợp với nghệ thuật đương đại, tuồng cũng trở nên gần gũi hơn |
Việt Đức, dự án Cõi thinh không |
Trong khoảng 30 phút của Cõi thinh không, người xem được xem tuồng ở khoảng cách rất gần, và cũng không tách biệt thành một sân khấu hộp như ở các nhà hát tuồng hiện nay. Không gian của hội quán giúp nhân vật xuất hiện từ nhiều hướng, thoải mái lạ kỳ. Thêm vào đó, ánh sáng cũng đến từ nhiều hướng, linh hoạt, có nhiều điểm nhấn nhá. Có những lúc không gian vô cùng cô đặc khi chỉ còn ánh đèn rọi theo nhân vật. Có lúc ánh sáng di chuyển liên tục như dòng chảy của tự vấn mà nhân vật tạo ra. Ánh sáng không theo lối “sáng mặt ăn tiền” hoặc phô trương áp đảo mà sân khấu hiện tại hay gặp phải. Ánh sáng gần như trở thành một nhân vật của vở diễn.
Cõi thinh không cũng có một nhân vật thú vị, không hề có trong Sơn Hậu - nhân vật K. Nhân vật này có tạo hình với trang phục một màu, cổ vẽ đậm với tông màu tương phản mà tuồng vẫn sử dụng. Những nét vẽ trên cổ cho thấy người này có vết cắt ở cổ, gợi tương đồng nhân vật Khương Linh Tá đã bị chặt đầu mà vẫn xách đầu đuổi giặc… Những chuyển động múa rất đương đại của nhân vật K là đối thoại với sự xả thân của Khương Linh Tá. Trong những đối thoại ấy, âm nhạc cũng trở thành một nhân vật. Ở đó, có nhiều ngẫu hứng hơn, có nhiều đoạn nhạc được tạo nên từ cảm hứng của Sơn Hậu.
Về cơ bản vở diễn không phải vở gốc Sơn Hậu. Chúng tôi lấy đoạn trích mang ý nghĩa cụ thể sau đó đưa vào nhân vật mới để tương tác với nội dung của vở diễn tuyền thống. Từ đó có thể thấy việc một thế hệ mới thể hiện tiếp nhận câu chuyện.
Trước đó, cũng chính ê kíp Cõi thinh không đã tổ chức diễn Sơn Hậu tại không gian của khu tập thể Văn Chương. Ở đó, người dân có thể ngồi thoải mái trên cầu thang khu nhà cũ, xem vở tuồng mẫu mực này trên sân khấu vốn là sân chơi chung. Như vậy, Sơn Hậu không chỉ đến với công chúng, mà còn đến theo cách mới mẻ trong cả hai lần: một ở Văn Chương và lần thứ hai ở Hội quán Quảng Đông.
Sáng tạo từ truyền thống
Nghệ sĩ sáng tạo ánh sáng và sân khấu Hà Nguyên Long là người đã làm nên sự linh hoạt của cả ánh sáng lẫn “biên giới” sân khấu vở diễn. Anh cho biết việc thiết kế ánh sáng trong tuồng vốn dĩ không được lưu lại trong sách vở tư liệu của môn nghệ thuật này. Trước đây, các nghệ sĩ có thể dùng đèn nến, và các nhà hát sau này cũng dùng ánh sáng theo ý đồ của mình. Ánh sáng, vì thế dường như là một thành tố nghệ thuật mới. “Về cơ bản vở diễn không phải vở gốc Sơn Hậu. Chúng tôi lấy đoạn trích mang ý nghĩa cụ thể sau đó đưa vào nhân vật mới để tương tác với nội dung của vở diễn tuyền thống. Từ đó có thể thấy việc một thế hệ mới thể hiện tiếp nhận câu chuyện”, Hà Nguyên Long nói.
Trong khi đó, người phụ trách âm nhạc Nguyễn Quốc Hoàng Anh cho biết mình làm dự án Cõi thinh không vì muốn chia sẻ suy nghĩ về sân khấu truyền thống. Ở đó có giá trị của di sản, giá trị của quá khứ. “Trong Cõi thinh không, mọi người có thể thấy có nhiều chất liệu âm nhạc truyền thống đã được sử dụng. Bản thân nội dung của nó cũng được thay đổi rất nhiều. Tôi và đồng nghiệp rất muốn có thêm nhiều dự án nữa có tính chất liên ngành như trình diễn video art kết hợp với sắp đặt. Như thế sẽ làm cho người dân dễ tiếp cận hơn với các giá trị di sản, đồng thời thúc đẩy nghệ thuật truyền thống thông qua phát triển nghệ thuật đương đại”, ông Hoàng Anh nói.
Sự tương tác với tuồng qua Cõi thinh không rất tích cực. Nhiều khán giả trẻ đã theo dõi tuồng từ Sơn Hậu - Văn Chương cũng đã tới đây để lần nữa xem Cõi thinh không - Sơn Hậu - Hội quán Quảng Đông. “Vở diễn quá phiêu. Nó gần gũi với công chúng hiện đại”, nhiếp ảnh gia Tuấn Đào chia sẻ.
NSƯT Đặng Bá Tài, nguyên nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam, cũng là người vào vai Khương Linh Tá. Ông cho biết mình rất thích cách Cõi thinh không gợi mở để khán giả lý giải các nhân vật tuồng. Trước đó, ông cũng làm Sơn Hậu “phiên bản Văn Chương”. “Cái mà các bạn trẻ mang đến cho chúng tôi - những người làm sân khấu, là cảm xúc rất mới để cùng các bạn bước tiếp trên một con đường nghệ thuật”, ông Tài nói.
Cùng với Hà Nguyên Long và tác giả âm nhạc Nguyễn Quốc Hoàng Anh, ông Tài tin vào sân khấu dân tộc, và tìm mọi cách để làm sao tiếp bước được dẫu có thể thay đổi. “Bản thân chúng tôi nghĩ là sân khấu tuồng trước kia cũng không phải như bây giờ. Hàng bao thế kỷ rồi chúng ta thấy một vở tuồng truyền thống là vở tuồng lịch sử, rồi lại thấy một vở tuồng hiện đại, rồi có một vở tuồng hài, thì ngày hôm nay tôi rất muốn các bạn làm ra các đề tài mới cho sân khấu tuồng mà tôi tin nếu như tất cả đều yêu nó, đều chăm lo cho nó thì sẽ có những vở diễn mới dạng như Cõi thinh không này ra đời”, ông Tài nói.
Chính vì thế, ông Tài cho biết sẽ còn tiếp tục gắn bó với việc dựng tuồng theo cách mới. “Sẽ có những người hỏi tại sao mà các ông làm tuồng lại đi làm những việc này. Nhưng có một lần tôi đã trả lời: Nếu như thế hệ chúng tôi, những người nghệ sĩ phải nói là tay nghề rất vững của sân khấu tuồng truyền thống mà không tham gia cùng các bạn trẻ thì sau này ai sẽ làm những công việc như thế này. Đây là một câu hỏi không phải bây giờ tôi mới nghĩ mà anh chị em chúng tôi đều suy nghĩ”, ông Tài chia sẻ.
Bình luận (0)