'Cởi trói' cho nguyên liệu thủy sản chế biến xuất khẩu

Chí Nhân
Chí Nhân
10/08/2022 13:47 GMT+7

Từ ngày 11.9, nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu sẽ không thuộc diện phải kiểm dịch.

Bộ NN-PTNT vừa ban hành Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đang trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu

Công Hân

Theo đó, trước đây có đến 7 nhóm, nay chỉ còn 2 nhóm phải kiểm dịch gồm: Sản phẩm động vật thủy sản (bao gồm cả phôi, trứng, ấu trùng... của các loài thủy sản) ở dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh. Thứ hai là các đối tượng sản phẩm động vật thủy sản khác thuộc diện phải kiểm dịch theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Thông tư mới, quy định sản phẩm thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu là một trong số các đối tượng sản phẩm được miễn kiểm dịch.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Thông tư mới thực sự tháo gỡ một gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp thủy sản. Qua đó tạo điều kiện cho họ nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ.

Năm nay mùa mưa đến sớm hơn so với mọi năm, ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản nuôi đặc biệt là con tôm. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu đang trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong nửa cuối năm 2022. Theo VASEP, khan hiếm nguyên liệu tôm và hải sản sẽ tiếp tục chi phối kết quả xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong nửa cuối năm 2022.

Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam thường phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu thủy sản về chế biến xuất khẩu. Cụ thể trong 5 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu nhóm hàng thủy sản của Việt Nam lên tới trên 986 triệu USD, tăng 14% so với 2021. Ấn Độ là nhà cung cấp lớn nhất cho Việt Nam (chủ yếu là tôm) chiếm tới 12,4%, thứ hai là thị trường Na Uy chiếm gần 10% và tiếp theo là thị trường Indonesia chiếm gần 9%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.