Khơi thông 'dòng chảy' cho nông sản Nam bộ

Chí Nhân
Chí Nhân
06/08/2022 06:39 GMT+7

Dù nhu cầu thị trường hiện rất lớn nhưng nhiều nông sản, thực phẩm Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được. Mặt khác, hàng hóa Việt Nam còn đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ trong khu vực.

Ngày 5.8, tại TP.HCM, Bộ Công thương tổ chức chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng ĐBSCL với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại”. Mục đích của chương trình nhằm đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp với các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài. Chương trình có sự tham gia của 18 tỉnh thành phía nam, nhiều cơ quan ngoại giao của nước ngoài và gần 400 đại biểu là các hiệp hội ngành hàng, nhà phân phối, nhà cung cấp, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Những câu lạc bộ tỉ USD nhờ chế biến

Trong những năm gần đây, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD/năm. Những địa phương nằm trong “câu lạc bộ tỉ đô” của miền Tây như: Cà Mau, Sóc Trăng, Đồng Tháp… đều có thế mạnh về chế biến nông sản. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho biết địa phương có vùng nguyên liệu dồi dào cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến như lúa đạt sản lượng trên 3 triệu tấn/năm, cá tra trên 500.000 tấn/năm, cây ăn trái trên 400.000 tấn/năm… Tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng lấy công nghiệp chế biến làm ngành chủ lực. Trong những năm qua, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất thương mại phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng.

Sản phẩm đặc sản các địa phương tham gia chương trình

Chí Nhân

Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Tháp vẫn duy trì 1 tỉ USD/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 834 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, hàng hóa của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt một số thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Đồng Tháp mong muốn có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến địa phương đầu tư. Chính quyền tỉnh Đồng Tháp cũng khẳng định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, điều đó được thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Đồng Tháp trong 14 năm liền đều giữ vững trong nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành cao nhất nước.

Trường hợp của Đồng Tháp là minh chứng rõ nhất cho việc để nông sản có thể xuất khẩu và xuất đi xa, ổn định về sản lượng chỉ có giải pháp duy nhất là đi sâu vào công nghiệp chế biến, bảo quản, đóng gói. Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan nói: “Hà Lan là cửa ngõ đường biển của châu Âu. Vì thế, một lượng lớn hàng hóa của Việt Nam vào Hà Lan sau đó được xuất sang các nước trong khối EU. Năm 2021, Hà Lan nhập quả thanh long tươi của Việt Nam nhưng do vận chuyển bằng đường biển mất nhiều thời gian, chất lượng sản phẩm không đảm bảo vì vậy mà năm nay họ không dám mạo hiểm tiếp”. Một sản phẩm tươi khác là trái bưởi da xanh của Việt Nam. Giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng có giá tới 11 eur/trái, trong khi hàng Trung Quốc chỉ có 2 - 3 eur/trái lại có quanh năm nên sản phẩm Việt Nam rất khó cạnh tranh. Vì thế, theo bà Võ Thị Ngọc Diệp, cần đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản. Trong đó, đặc biệt chú ý bao bì đóng gói bắt mắt để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Trên bao bì phải cung cấp thông tin đầy đủ về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất. Doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến những xu hướng thân thiện với môi trường. Chỉ có như vậy thì người tiêu dùng mới lựa chọn sản phẩm. Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư thông qua các kênh thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài.

Thời điểm đẩy mạnh xuất khẩu

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, sự kiện hôm qua có sự tham gia của hầu hết các địa phương khu vực Nam bộ, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế. Hội nghị cũng cung cấp thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Tham gia hội nghị có lãnh đạo các tập đoàn phân phối lớn như AEON (Nhật Bản), Central Retail (Thái Lan). Lãnh đạo các đơn vị này cũng đưa ra nhiều khuyến cáo hữu ích cho các doanh nghiệp sản xuất để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Đó là phải luôn chú trọng cập nhật thông tin thị trường, nâng cấp chất lượng hàng hóa, bao bì để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và đón đầu thị trường sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận khách hàng thông qua các hệ thống bán lẻ.

TS Arjen Roem, Phó chủ tịch Bộ phận Kinh doanh thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuộc EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) nhận định: “Trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine, các giao dịch với các doanh nghiệp Nga bị cấm vận trực tiếp và gián tiếp do khó khăn trong việc thanh toán, thậm chí ngày càng trở nên phức tạp rất nhiều. Tình trạng này dẫn đến thiếu hụt, chậm trễ và tăng chi phí trong các dây chuyền sản xuất ở nhiều ngành công nghiệp. Việt Nam có thể nhân cơ hội này cần tập trung cải thiện thị phần ở thị trường EU vốn đang có nhu cầu ngày càng cao. Việt Nam có thể tăng cường vai trò ở thị trường EU để thay thế các mặt hàng từ Nga. Việt Nam cần phải tận dụng triệt để hạn ngạch xuất khẩu gạo 80.000 tấn/năm tới EU với mức thuế là 0% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tăng cường xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông sản khác tới thị trường EU”.

Tuy nhiên, TS Arjen Roem cũng cảnh báo rằng ngoài Việt Nam, Singapore cũng là một nước Đông Nam Á khác đã ký kết FTA với EU. Bên cạnh đó, EU cũng đang đàm phán FTA với các nước khác trong khu vực như Philippines và Indonesia. Đây là những nước đang cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa tới EU. Nếu Việt Nam không tận dụng cơ hội đi đầu trong quan hệ thương mại, thì trong tương lai, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ phải cạnh tranh với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.

Vì sao rau quả tươi Việt Nam khó vào EU ?

Một trong những thách thức đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam tới EU là các yêu cầu nghiêm ngặt của khu vực này. Nhiều nhóm sản phẩm tiềm năng như rau củ quả, gạo và thực phẩm chế biến vẫn chưa đạt đến mức số lượng cần thiết cho các đơn đặt hàng lớn của các siêu thị EU. Trong khi nhu cầu của EU ngày càng tăng, số lượng rau củ quả đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu đến thị trường này vẫn còn bị giới hạn. Do vậy, doanh nghiệp ở châu Âu không thể chuyển sang nhập khẩu rau củ quả tươi từ Việt Nam. Ngoài ra, EU liên tục cập nhật và tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu, bao gồm thức ăn và các sản phẩm thực vật, cũng như tăng cường áp dụng các tiêu chí mới về chứng nhận liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, có trách nhiệm với xã hội. Các quy tắc về xuất xứ nghiêm ngặt là một thách thức nữa đối với việc xuất khẩu sản phẩm Việt Nam sang EU. Thực tế là VN phụ thuộc vào nhiều nguyên liệu và đầu vào từ các nước nằm ngoài EVFTA. Việc này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tối ưu hóa lợi ích miễn thuế. Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam nên cải thiện sản phẩm, hợp lý hóa quy trình và tăng sức hấp dẫn trên thị trường toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.