Cơm chay 0 đồng 'lên mạng' vì sợ ế và những giọt nước mắt cảm ơn

08/11/2019 09:32 GMT+7

Một nhà ăn 0 đồng giúp những người nghèo no bụng, tiếp thêm sức để họ mưu sinh khi khai trương đã phải lên Facebook kêu gọi mọi người đến ăn vì sợ ế.

Tấm lòng tốt đó đã lan tỏa để rồi giờ đây nhiều người lao động nghèo đến ăn cơm chay 0 đồng đã tấm tắc khen: “Ngon quá, ngon quá!” trong nước mắt hạnh phúc.

Người nhặt ve chai ngủ lề đường bật khóc khi được ăn cơm chay 0 đồng

Lên Facebook mời gọi

Khi mới khai trương nhà ăn Nhất Tâm 0 đồng (chi nhánh 9, số 68 đường số 10, Khu dân cư Trung Sơn, H.Bình Chánh, TP.HCM), anh Trần Thanh Long, Trưởng nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm, phải lên Facebook kêu gọi mọi người đến ăn vì “ế” quá. Anh Long tâm sự do vị trí của nhà ăn này khá khuất nên nhiều người không biết đến. Những hôm đầu, nhà ăn nấu 250 phần nhưng chỉ có khoảng 50 người tới dùng bữa.
 Toàn cảnh nhà ăn ở khu Trung Sơn Ảnh: Vũ Phượng

Toàn cảnh nhà ăn ở khu Trung Sơn

Ảnh: Vũ Phượng

Thành viên của nhóm phải ra tận đầu đường mời từng người vào ăn. Trước khi được một người đầu tư mặt bằng miễn phí để mở nhà ăn này, nhóm Thiện nguyện Nhất Tâm đã mở 8 chi nhánh và hoạt động được 2 năm tại TP.HCM, Tiền Giang, Bà Rịa -Vũng Tàu và Đà Lạt.
“Những hoạt động thiện nguyện, phát cơm bệnh viện hay xây nhà tình thương của nhóm đều từ đóng góp của mọi người. Thành viên của nhóm không đếm được, hôm nay người này ủng hộ nước rửa chén, thì người khác ủng hộ dầu ăn, người góp công sức. Điểm chung của tất cả những người trong nhà ăn Nhất Tâm là đều ăn chay trường. Tâm thanh tịnh thì mới gieo được duyên lành”, anh Long chia sẻ.
Anh Lữ Văn Tiến, người đồng sáng lập chuỗi nhà ăn Nhất Tâm, cũng cho hay nhà ăn mở cửa từ thứ hai đến thứ sáu vào mỗi buổi trưa, phục vụ bà con cơm chay để nâng cao sức khỏe. Theo lời anh Tiến, nhà ăn tâm niệm “của cho không bằng cách cho” nên mọi thành viên đều trò chuyện thân thiện với khách, hỏi thăm nhau như người trong nhà để không còn khoảng cách xã hội. Bữa cơm chay từ đó ấm cúng hơn.

Những người bếp đều ăn chay trường và mỗi bữa có nhiều món cho người nghèo

Ảnh: Vũ Phượng

“Chuỗi nhà ăn được mở để tạo nên hồi chuông mang tính lan tỏa cộng đồng, để mọi người đùm bọc, thương yêu, chia sẻ với nhau”, anh Tiến chia sẻ.

Tặng mặt bằng 17 triệu/tháng để mở nhà ăn

Ông Nguyễn Văn Duyên (58 tuổi) lấm lem đeo bao bố lê từng bước về phía nhà ăn. Vừa nhận khay cơm và thức ăn, ông vội vã xúc muỗng cơm run run đưa lên miệng vì từ sáng đến giờ vẫn chưa có gì dằn bụng. Xong miếng cơm đầu tiên, ông quay sang tấm tắc khen: “Cơm ngon quá!”.
Ông Duyên từng bị tai biến, tay và chân trái yếu, bên còn lại luôn bị run mỗi khi cầm nắm. Thấy tôi đến ngồi bên cạnh, ông Duyên bật khóc: “Từ nhỏ đến lớn tôi không có cha mẹ, tối ngủ ngoài đường. Tới bữa ai cho gì ăn đó, không thì mua 5 ngàn cơm rồi rắc muối tiêu vào ăn. Nay mới được ngồi trong quán ăn đĩa cơm chay đàng hoàng”.

Những người bán vé số hạnh phúc vì đĩa cơm 0 đồng

Ảnh: Vũ Phượng

Trong khi đó, ông Trần Văn Thanh (51 tuổi, bán vé số) cho biết bình thường ông tốn khoảng 50.000 đồng mỗi buổi trưa cho cả tiền cơm và nước nên bán cả ngày chẳng dư dả được bao nhiêu. “Giờ sẵn dịp có quán từ thiện đỡ tốn tiền đặng mình lo tiền nhà này kia nữa. Nhờ quán giúp anh em bán vé số tụi tui nên mừng quá”, ông Thanh nói.
 
Trong 9 chi nhánh, một số nơi những thành viên phải tự trả tiền thuê mặt bằng, số còn lại được mọi người tình nguyện tặng để mở nhà ăn. Tại chi nhánh số 9 này cũng vậy, ngay khi người thuê trả mặt bằng, ông Nguyễn Thanh Hải (44 tuổi, chủ nhà) đã báo anh Tiến để mở nhà ăn phục vụ bà con. Được biết, trước khi mở nhà ăn 0 đồng, mặt bằng này được cho thuê với giá 17 triệu đồng/tháng. Dù vậy, ông Hải vẫn cảm thấy hạnh phúc với quyết định tặng mặt bằng để mở nhà ăn. “Đây là nguyện vọng lâu nay của tôi. Hôm nay nhìn mọi người tới ăn cơm trưa, tôi thấy vui và hạnh phúc, rất sướng”, ông Hải bộc bạch.
Sau lời kêu gọi của anh Long trên Facebook, lượng khách đến với nhà ăn đã đông hơn. Anh Long cũng mong muốn nhiều người biết đến nhà ăn hơn nữa để các thành viên nhóm có cơ hội phục vụ bữa cơm chay 0 đồng đến mọi đối tượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.