Mỗi ngày có khoảng 20 phần "cơm treo" đầy đủ, nóng hổi, thơm lừng được treo tại quán để gửi tặng đến những hoàn cảnh khó khăn, vất vả vì cuộc sống mưu sinh.
Những tấm lòng thơm thảo
Gần đây, mô hình “cơm treo” ngày càng phổ biến ở TP.HCM. Trong đó, có quán cơm của anh Huỳnh Tấn Minh (36 tuổi), trên đường Lê Văn Việt (TP.Thủ Đức). Nếu bình thường “cơm treo” sẽ do các thực khách đến ăn và trả thêm một hoặc nhiều suất cơm khác gửi lại quán để trao tặng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khác dùng, thì thời gian qua tất cả các phần “cơm treo” đều do anh Minh tự bỏ chi phí ra. “Vì mới làm, chưa được nhiều người biết đến nên tôi là người “treo cơm” đầu tiên", anh Minh nói.
Cơ duyên đến với mô hình “cơm treo” này, anh Minh kể: “Từ khi mới mở quán tôi đã mong muốn mang những phần cơm này đến với các cô chú có hoàn cảnh khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu như phát cơm từ thiện như thông thường sẽ gặp khá nhiều vấn đề. Vì quán gần trường học nên trước kia tôi cũng đã hỗ trợ sinh viên khó khăn được đến quán ăn cơm miễn phí, nhưng các bạn ngại. Sau này, trong một lần tình cờ đọc báo tôi thấy mô hình “cà phê treo” ở bên nước ngoài. Sau khi uống tại quán, họ sẽ mua phiếu để treo cà phê bao người sau. Người được bao chỉ cần lấy phiếu đó và vào quầy gọi món như bình thường nên không cảm thấy ngại nữa. Vì vậy, tôi mới áp dụng thử với “cơm treo””.
Cơm bán tại quán có giá từ 30.000 đồng/phần, nhưng chỉ cần 20.000 đồng là đã có thể treo một phần cơm. Và một phần cơm bình thường như thế nào thì “cơm treo” cũng giống như vậy. Để những phần ăn luôn nóng hổi, thơm ngon nhất, thay vì đặt hộp cơm đã làm sẵn, thì quán anh Minh bỏ những thẻ “cơm treo” trong thùng. Ai cần cứ đến mở nắp thùng ra lấy thẻ rồi vào trong quán gọi một phần cơm mà mình muốn ăn.
“Nếu cứ làm cơm sẵn rồi đặt vào thùng, thì nhiều khi có người đến lấy, cơm không còn ngon nữa, chưa kể thời tiết nắng nóng mà để lâu trong thùng kín rất dễ bị hỏng. Vì vậy để những phần cơm trao đến tay mọi người luôn chất lượng nhất tôi đã áp dụng cách làm đó”, anh Minh nói.
Theo anh Minh, việc treo cơm này cũng có giá trị tích lũy, nếu hôm nay có 10 người treo cơm mà mọi người không dùng hết thì mình để dành dồn sang ngày hôm sau. Số lượng “cơm treo” nhờ thế mà sẽ tăng dần lên.
Bao nhiêu hộp cơm cho đi là bấy nhiêu nụ cười nhận lại
Mỗi ngày quán treo khoảng 20 phần cơm, một người có thể lấy từ 1 - 2 phần. Nếu hết cơm, quán sẽ treo thêm bánh ngọt để mọi người khi mở thùng ra vẫn có cái mà bỏ bụng. Vì vậy, cứ đều đặn 6 giờ sáng mỗi ngày nhân viên sẽ mang những chiếc bánh mì ngọt ra đặt vào thùng; sau vài tiếng sẽ ra kiểm tra, nếu hết lại thêm vào. Cứ như vậy cho đến giờ cơm trưa từ 11 - 13 giờ và buổi tối từ 17 - 19 giờ, quán sẽ đặt những phiếu “cơm treo” vào đó.
Những người nhận “cơm treo” của quán là các cô lao công, chú bảo vệ, chị bán hàng rong, người có thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Không chỉ có “cơm treo”, ở đây còn có đủ loại nước uống miễn phí, từ nước lọc, trà đá đến nước sâm.
Từng nhận bánh mì ngọt trước đó, lần này chị Nguyễn Thị Thanh Hương (44 tuổi), ngụ tại TP.Thủ Đức quay lại lấy “cơm treo”. Hoàn cảnh khá khó khăn khi phải nuôi cháu ngoại và đứa con trai út, chị Hương kể: “Tôi đi ngang thấy nên ghé vào xin một phần cơm gà về cho cháu. Chồng thì đi làm hồ còn tôi ở nhà chăm lo cho đứa cháu nhỏ và con trai út. Mình còn khổ mà nên cứ đỡ được phần nào mừng phần đó. Nhờ chủ quán tốt bụng mà tối nay cháu tôi có cơm gà để ăn”, chị Hương nói rồi cười, ánh mắt ánh lên niềm vui.
“Cơm treo” làm cho người treo và nhận ai nấy cũng đều vui. Nguyễn Văn Hiếu (22 tuổi), nhân viên quán, chia sẻ: “Mỗi ngày đi làm của tụi mình bây giờ càng thêm ý nghĩa hơn. Cứ thỉnh thoảng lại chạy ra mở thùng kiểm tra xem còn bánh hay “cơm treo” không, nếu hết thì thêm vào, vui lắm. Với mình, việc làm này của anh chị chủ rất ý nghĩa vì đã giúp đỡ được một phần nào đó cho những cô chú khó khăn”.
Khi được hỏi nếu ai cũng có thể lấy cơm, anh có sợ mình giúp không đúng người, đúng hoàn cảnh không? Anh Minh nói: “Tôi không sợ, cho dù không khó khăn nhưng mỗi ngày họ đến lấy một phần vẫn bình thường. Người ta cần thì mình cứ cho thôi. Tôi chỉ lo ngại vấn đề nếu một người lấy quá nhiều sẽ không còn phần cho người sau”.
Mặc dù hiện tại phải tự bỏ tiền túi ra để “treo cơm” nhưng mỗi khi có ai đến nhận anh Minh đều nói rằng cơm này được một người lạ bao nên không cần phải ngại. Cứ mỗi khi có người vào gọi cơm treo, từ chủ quán đến nhân viên đều niềm nở đón tiếp. Cả người nhận và cho đều nở nụ cười trên môi.
Bình luận (0)