Cơn bão giá đang hình thành ở châu Á

Cơn bão giá đang hình thành ở châu Á

Phương Thúy
Phương Thúy
23/08/2023 11:47 GMT+7

Giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, kết hợp thêm nhiều yếu tố khác nữa sẽ hình thành một cơn bão giá thực phẩm trên toàn châu Á.

Giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và điều kiện thời tiết bất lợi làm giảm sản lượng gạo ở châu Á. Một giám đốc cấp cao của Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định rằng giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, kết hợp thêm nhiều yếu tố khác nữa sẽ hình thành một cơn bão giá thực phẩm trên toàn châu Á.

Theo đài CNBC, các yếu tố ảnh hưởng đến giá lương thực hiện nay bao gồm: khí hậu khắc nghiệt do nóng lên toàn cầu, El Nino lần đầu tiên xuất hiện sau 7 năm, Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc ở biển Đen và các chính sách bảo hộ lương thực dưới hình thức hạn chế thương mại.

Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng giá lương thực 2010-2012, Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính rằng giá lương thực quốc tế tăng 30% trong năm 2011, dẫn tới giá lương thực tăng 10% ở các nước đang phát triển tại châu Á.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, giá lương thực châu Á tăng 10% đẩy 64,4 triệu người vào cảnh nghèo đói, dựa trên chuẩn nghèo là thu nhập 1,25 USD/ngày.

Năm nay, tình hình đã khác đi ít nhiều. Bà Erica Tay, chuyên gia kinh tế của Maybank phụ trách Thái Lan và Trung Quốc, nhận định rằng nếu nhìn vào cung cầu, các nước châu Á đang ở vị thế rất tốt để vượt qua cú sốc về giá trên thị trường gạo.

Bà Erica Tay chỉ ra một số quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia, là những nước xuất khẩu ròng gạo. Trung Quốc, thị trường gạo lớn nhất thế giới, chỉ nhập khẩu 1% nhu cầu gạo từ Việt Nam và Myanmar, do đó, nước này “bị ảnh hưởng rất ít” bởi bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào từ Ấn Độ.

Hơn nữa, giá gạo tăng đột biến trong bối cảnh giá lương thực nhìn chung đang thấp. Chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc đã giảm khoảng 23% so với mức đỉnh hồi tháng 3 năm ngoái.

Tuy nhiên, ngoại trừ Ấn Độ và Thái Lan, hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều nhập khẩu ròng lương thực. Trong đó, Singapore và Hồng Kông phụ thuộc 100% vào gạo nhập khẩu. Điều này khiến các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương dễ bị tổn thương khi giá lương thực tăng cao.

Có một độ trễ khác nhau giữa các quốc gia và độ trễ giữa lạm phát giá lương thực toàn cầu và khu vực châu Á là 6 tháng. Điều này có nghĩa là lạm phát giá thực phẩm toàn cầu sẽ lan tới châu Á vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024.

Lạm phát giá lương thực sẽ ảnh hưởng nặng nề đến những người dân có thu nhập thấp, bất kể là ở nước phát triển hay đang phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.