Theo hãng tin Reuters, trong phiên giao dịch cuối tuần qua vào ngày 18.8 theo giờ Mỹ, cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq xác lập giá mở cửa là 19,64 USD/cổ phiếu. Khép phiên, giá cổ phiếu VFS giảm 23%, về mức 15,40 USD, với khối lượng giao dịch đạt 2,99 triệu cổ phiếu.
Có thể thấy, sau 4 ngày giao dịch chính thức trên thị trường chứng khoán Mỹ, giá cổ phiếu VFS đã biến động rất mạnh. Nếu mức đóng cửa ngày giao dịch đầu tiên vào hôm 15.8 là 37,11 USD thì mức đóng cửa của ngày giao dịch cuối tuần là 15,40 USD/cổ phiếu. Điều này khiến tổng giá trị vốn hóa của hãng xe điện VinFast giảm còn 35 tỉ USD vào ngày cuối cùng của tuần trước. Trước đó, vào ngày giao dịch chào sàn hôm 15.8, VinFast từng đạt tổng giá trị vốn hóa tới 85 tỉ USD, cao hơn nhiều so với các hãng xe nổi tiếng như Ford và General Motors.
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngay sau phiên chào sàn, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy thừa nhận "bất ngờ" khi cổ phiếu VFS tăng vọt lên 37 USD ngay trong phiên đầu tiên. Trước đó, theo CEO VinFast, khi đi hỏi các ngân hàng đầu tư, hầu hết đều nói là cổ phiếu sẽ đỏ, tức là VFS sẽ giảm xuống dưới 10 USD/cổ phiếu trong phiên đầu tiên.
Về màn ra mắt của VinFast trên sàn Nasdaq, giới tài chính nhận định việc giá cổ phiếu biến động trong những ngày đầu tiên không phản ánh hết vấn đề, khi mà lượng cổ phiếu được giao dịch rất nhỏ. Thông thường, phải mất nhiều tháng mới có thể đánh giá được “phong độ” của một cổ phiếu, đặc biệt là điều này liên quan mật thiết tới sức khỏe của công ty niêm yết.
VinFast hiện có mục tiêu đầy tham vọng là bán ra 50.000 xe điện trên toàn cầu trong năm nay, sau khi đã vận chuyển hơn 3.000 chiếc xe tới Bắc Mỹ kể từ cuối năm ngoái. Theo Reuters, tại thị trường Mỹ, bên cạnh hình thức bán hàng trực tiếp tới khách hàng, VinFast vừa thông báo sẽ triển khai việc bán hàng thông qua các đại lý. Động thái này gây ra phản ứng vừa hứng thú vừa thận trọng từ các đại lý xe hơi địa phương.
Một số đại lý cho biết họ sẵn sàng mở cửa để kinh doanh các thương hiệu xe mới như VinFast, trong khi một số khác cho biết họ cần thông tin cụ thể hơn về các vấn đề như chế độ bảo hành và phụ tùng thay thế.
CEO Rhett Ricart của công ty kinh doanh ô tô Ricart tại bang Ohio nói rằng việc VinFast chưa có tên tuổi là điều không mấy quan trọng, vì rằng Toyota, Honda và Hyundai lúc mới vào thị trường Mỹ đều là những tên tuổi nhỏ.
Ông Ricart nói rằng nếu sản phẩm tốt và có bảo hành tốt thì người Mỹ sẽ mua. Theo Reuters, giới kinh doanh xe cũng đánh giá cao việc VinFast đang xây dựng một nhà máy ở Mỹ.
Trong khi đó, nhận định về tham vọng mở rộng thị trường của VinFast, ông Jason Benowitz, quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Roosevelt Investment Group, cho biết việc quảng bá và bán thành công xe ở Mỹ là khó, nhất là khi xe được sản xuất và bán tại thị trường mới nổi như Việt Nam. Vì ở hai thị trường có nhiều sự khác biệt trong nhu cầu của người tiêu dùng.
Trước mắt, bà Lê Thị Thu Thủy cho rằng việc VinFast niêm yết thành công ở Nasdaq mở ra khả năng tiếp cận thị trường vốn lớn nhất thế giới và là hướng đi quan trọng cho sự phát triển của công ty trong tương lai.
Bình luận (0)