Heo có chất cấm vẫn có dấu VietGap
Gần đây, Chi cục Thú y thành phố sau khi kiểm tra bằng phương pháp test nhanh 80 con heo nhập từ Đồng Nai về giết mổ tại công ty thực phẩm lớn tại TP HCM đã phát hiện heo có chất tạo nạc salbutamol. Tuy nhiên, lô heo này lại có đầy đủ giấy tờ đạt tiêu chuẩn VietGap (Vietnamese Good Agricultural Practices) do Bộ Nông nghiệp ban hành.
Trước giờ, những cái tem chứng nhận như VietGap luôn là niềm hy vọng cho những người muốn tìm thực phẩm sạch. Nhiều người có thể chạy xe cả chục cây số để đến những siêu thị, những nơi bán thịt heo có chứng nhận này để mua. Nhưng trước sự việc trên, cái con tem VietGap dường như không phải là thành trì cho niềm tin của người dùng nữa rồi.
Nhà tôi có trang trại trồng thanh long khoảng vài hecta, những năm trước cũng được vận động trồng theo tiêu chuẩn VietGap, cũng có những quy trình riêng biệt về phân, thuốc, thời gian cách ly … Nhưng thực tế, việc kiểm soát quy trình trồng trọt hay xét nghiệm để đạt chứng nhận VietGap rất lỏng lẻo, mơ hồ. Nhiều năm nay nhà tôi vẫn trồng thanh long mà chẳng còn để ý đến VietGap.
Vấn đề ở đây là tại sao có chất tạo nạc trong thịt heo nhưng vẫn được cấp chứng nhận VietGap? Một chứng nhận mang đến niềm tin cho người dùng lại đang làm mất dần niềm tin, làm như vậy thì người dùng còn biết tin vào đâu?.
Cần cơ chế kiểm soát hành vi
|
Trong cơn lốc thực phẩm bẩn đang cuốn phăng từng lạng niềm tin cuối cùng hiện nay thì đa số đều đổ tội lên đầu những người nông dân. Nông dân tưới nhớt lên rau, bơm thuốc vào trái cây, dùng chất cấm trong chăn nuôi… những người ở dưới đang phải đứng mũi chịu sào hứng chịu những chỉ trích về đạo đức, về lương tâm. Nhưng tôi nghĩ, cơ chế quản lý kiểm soát hành vi mới là thứ cần phải xem xét.
Trong 2 năm qua, chúng ta cho phép nhập 9.140 kg salbutamol với mục đích chữa bệnh. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có rất ít được sử dụng đúng quy định, tức là làm dược liệu, hàng tấn salbutamol đi đâu thì chắc ai cũng có thể đoán được. Cơ chế kiểm soát, chuyện đơn giản như nhập bao nhiêu là đủ mà vẫn chưa làm xong thì sao đã vội trách nông dân.
Hay như câu chuyện của các khu công nghiệp, cá chết là hậu quả, nhưng trước đó, cơ chế kiểm soát hành vi xả thải, chất lượng xử lý nước thải đến đâu thì thực tế lại cực kỳ hời hợt, thậm chí còn không được vào khu công nghiệp để kiểm tra. Nó cho thấy sự bất cập trong cơ chế kiểm tra giám sát hiện nay. Người làm bậy là đáng trách, nông dân vì lợi trước mắt mà làm sai là đáng trách, nhưng không ai xử lý, không việc kiểm soát, không đưa ra chế tài pháp luật răn đe mạnh mẽ cũng đáng trách không kém.
Chúng ta sẽ còn thấy cá chết, sẽ còn thấy heo tạo nạc, sẽ còn thấy trái cây ngâm thuốc … nếu như cơ chế kiểm soát, kiểm tra, giám sát không tạo được niềm tin, những cái chứng nhận không còn đáng tin. Người dân không thể tự một mình đương đầu với thực phẩm bẩn chỉ bằng cách tẩy chay không ăn, vì không ăn thì biết ăn gì bây giờ.
Chúng ta cần phải có hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch đủ sức răn đe và kiểm soát hành vi. Chúng ta cần cơ chế giám sát, chứng nhận đáng tin cậy để lấy lại niềm tin cho người dùng, tuyên chiến với thực phẩm bẩn không phải chỉ là nói “không”.
Bình luận (0)